Ảnh chụp tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut neo đậu ở Guam cho thấy một phần mũi tàu đã bị tháo ra, chứng tỏ tàu có thể đã đâm va trực diện với một vật thể nào đó – mạng tin Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 30/10 dẫn lời giới chuyên gia nhận định.
Hình ảnh đầu tiên về tàu Connecticut neo đậu ở căn cứ hải quân ở Guam sau sự cố được hãng Planet chụp 20/10 và sau đó được mạng “The Drive” chuyên đưa tin về quân sự đăng tải. Bức ảnh cho thấy phần vòm thủy âm ở mũi tàu đã được tháo rời ra, ngầm chứng tỏ hệ thống cảm biến ở phần thân đã bị thiệt hại trong sự cố ngày 2/10.
“Gần như chắc chắn tàu ngầm USS Connecticut đã có một cú đâm va trực diện vào phần đầu, làm nứt vỡ hệ thống vòm thủy âm – là hệ thống cảm biến quan trong nhất trên tàu. Điều này đồng nghĩa với việc tàu ngầm bị ‘mù, điếc’ và vì thế phải ngay lập tức nổi lên”, nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong tại Ma Cau nói.
Biển Đông là vùng biển tấp nập nhất thế giới đối với tàu quân sự và tàu hàng. Trung Quốc đã cho xây dựng một mạng lưới quan sát ngầm rộng khắp dưới biển, được mệnh danh là “Vạn lý Trường Thành dưới biển”, để phục vụ nghiên cứu khoa học và an ninh quốc gia.
Theo chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh, nhiều khả năng hải quân Trung Quốc đã nắm được hành trình của tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông, nhưng không biết về vụ va chạm cho đến khi hải quân Mỹ công bố thông tin.
Hư hại của tàu ngầm Mỹ có thể bắt nguồn từ vật thể nhỏ như tàu lặn không người lái, chứ không phải một tàu ngầm cỡ lớn khác.
Cho đến nay, Mỹ đã mở hai cuộc điều tra về sự cố liên quan đến tàu ngầm USS Connecticut gặp nạn ở Biển Đông. Nhưng chưa có bất kỳ thông tin chi tiết nào về nguyên nhân vụ việc này cũng như mức độ thiệt hại mà tàu ngầm Mỹ gặp phải.
Thông tin duy nhất được hải quân Mỹ công bố hôm 10/10 là việc tàu đã va chạm với “một vật thể chưa xác định được” ở Biển Đông, làm 11 thủy thủ đoàn bị thương. Hệ thống đẩy của tàu hoạt động bình thường, giúp tàu vẫn có thể di chuyển về căn cứ ở Guam để kiểm tra, đánh giá.