Dự án Trung Quốc từng hứa hẹn nhưng 6 năm đã qua đi, thực tế cho thấy một điều hoàn toàn ngược lại. Khoảng 100.000 người tại cảng Gwadar đến nay vẫn không có nước sạch để sử dụng.
Sau tuyên bố về việc triển khai hành lanh kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) vào 2015, Gwadar được truyền thông Pakistan ca ngợi như cửa ngõ đón làn sóng đầu tư mới từ Trung Quốc, qua đó mang theo kì vọng về sự đổi thay lớn cho đất nước và cả khu vực.
Với vị thế mới, Gwadar từ một cảng nhỏ ở nằm ở tỉnh Balochistan, tây nam Pakistan, đã liên tiếp là tâm điểm chú ý của dư luận.
Trung Quốc đồng thời đã chi hàng tỉ USD để xây dựng khu cảng, đưa vào hoạt động một nhà máy điện than với công suất 300MW, xây sân bay quốc tế với chi phí đầu tư 230 triệu USD, cùng với một loạt các dự án khác trong khuôn khổ CPEC.
Cả phía Trung Quốc và Pakistan đều mong muốn triển khai các dự án một cách nhanh chóng. Nhưng qua đó, họ cũng phần nào đã phớt lờ những thách thức thực tại mà Gwadar và khu vực này đang phải đối mặt. Điều này dẫn đến thực tế quá trình triển khai đã bị chậm lại. Và gần đây, các dự án trong khuôn khổ CPEC đã bị trì hoãn ở không chỉ Gwadar, Balochistan, mà còn trên toàn Pakistan.
Khi CPEC được triển khai, cộng đồng người Baloch tại Gwadar đã phải đối mặt với việc không có các dịch vụ cơ bản như điện, nước sinh hoạt.
Và đến nay, tình trạng trên vẫn không thay đổi bất chấp hàng tỉ USD đầu tư từ Trung Quốc vào đây. Thay vì tạo ra cuộc sống tốt hơn cho người dân địa phương, làn sóng đầu tư lại mang đến hiệu quả đối lập: cùng với sự phát triển, người dân đang dần mất đi môi trường sống vốn có.
Nhiều người, đặc biệt là các ngư dân, lâm vào cảnh mất việc. Do nhu cầu gia tăng đảm bảo an ninh cho thị trấn, và đặc biệt là các dự án và lao động Trung Quốc từ các vụ tấn công vũ trang, nền kinh tế địa phương đang ngày một đi xuống.
Cộng đồng ngừoi Baloch đã tiến hành biểu tình trong 3 tuần qua ở khu cảng và nhiều nơi khác tại Gwadar, yêu cầu được cung cấp nước sạch, không bị cản trở tiếp cận biển để đánh cá, và cấm các hoạt động đánh cá tận diệt. Trước các hoạt động biểu tình này, các dự án Trung Quốc đã bị lôi vào vòng xoáy sự xung đột giữa người dân và chính quyền địa phương.
Người biểu tình đã ngăn tuyến đường cao tốc chính nối Gwadar và Karachi, thành phố đông dân nhất và là cố đô của Pakistan, buộc chính phủ phải huy động thêm 5.500 cảnh sát chống bạo động tới Gwadar. Trước đó, hàng nghìn phụ nữ đã tập trung ở Gwadar để tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn nhất trong một chuỗi dài các hoạt động phản đối kéo dài tuần lễ.
Tất cả những dấu hiệu này cho thấy tình hình đang không mấy tốt đẹp tại đây. Họ cho rằng kể từ khi CPEC được chính thức triển khai vào 2015, các quan chức Pakistan và Trung Quốc đã hứa hẹn với người dân địa phương rằng Gwadar, một thành phố nhỏ nằm ở vị trí trung tâm quanh cảnh đánh cá có vị trí chiến lược, sẽ sớm trở thành một thành phố hiện đại, phát triển tương tự như Dubai hay Thâm Quyến.
Nhưng 6 năm đã qua đi, thực tế cho thấy một điều hoàn toàn ngược lại. Khoảng 100.000 người tại cảng Gwadar đến nay vẫn không có nước sạch để sử dụng, chứ chưa nói đến các khu vực khác kém phát triển hơn.
Trung Quốc lo ngay ngáy
Những người dân ở Gwadar đã tham gia biểu tình với con số lên tới hàng chục nghìn người. Chính phủ Pakistan đã bày tỏ lo ngại về việc người dân tập trung và đưa ra yêu sách. Các quan chức Trung Quốc cũng lo ngại về các cuộc biểu tình ở Gwadar đến mức Bộ Ngoại giao của nước này phải ra tuyên bố nhắc lại các thông tin của giới truyền thông rằng biểu tình ở Gwadar về quyền lợi đánh cá quá mức của các tàu cá Trung Quốc là “tin giả”.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của trường Đại học Stockholm dự báo vào 2030, Trung Quốc khả năng sẽ cần tới 18 triệu tấn cá để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, điều chỉ có thể thực hiện qua việc mở rộng hoạt động đánh cá ra các vùng biển.
Nhưng đánh cá không phải là vấn đề duy nhất. Tháng 5/2019, các nhóm đối lập đã tấn công một khách sạn sang trọng ở Gwadar, nơi các quan chức Trung Quốc và Pakistan thường ở lại, và có thông tin rằng Đại sứ Trung Quốc đang ở thị trấn vào thời điểm cuộc tấn công diễn ra.
Bất chấp an ninh thắt chặt, những kẻ tấn công đã xâm nhập vào khách sạn và giết hại 5 người.
Điều này đã trở thành một đòn giáng mạnh vào nhà chức trách Pakistan và Trung Quốc, khi tâm điểm của CPEC bị tấn công ngay giữa thanh thiên bạch nhật.
Tiếp theo là một loạt các vụ tấn công nhằm vào nhân công Trung Quốc và các công trình có liên hệ tới nước này ở Balochistan và nhiều nơi khác tại Pakistan. Điều này khiến Bắc Kinh phải đặt các dự án của họ ở Pakistan vào tình trạng báo động cao.
Người Trung Quốc lo ngại về việc biểu tình ở Gwadar, có thể còn hơn cả phía Pakistan. Gwadar là con đường kết nối trực tiếp tới Biển Ấn Độ Dương và Biển Ả rập, nơi giữ các lợi ích đại chiến lược và kinh tế của Trung Quốc. Và do đó, Trung Quốc luôn theo sát mọi diễn tiến tại Balochistan và đặc biệt là Gwadar.
Gwadar có thể giúp Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc thành công ở khu vực, nhưng cũng có thể là thảm hoạ nếu mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch. Nếu Sáng kiến Vành đai và Con đường không thể thành công ở Pakistan, một đối tác thân thiết của Trung Quốc đã đưa ra sự ủng hộ mạnh mẽ đối với CPEC, điều này sẽ đẩy toàn bộ dự án vào tương lai khó đoán định.