Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnĐất đai thôi không đủ - TQ Phải đòi cả những thực...

Đất đai thôi không đủ – TQ Phải đòi cả những thực thể chìm dưới biển

Tại sao vào lúc này Trung Quốc lại đưa thêm các đòi hỏi mới, bao phủ cả những phần không rõ ràng ở đáy biển?

Lần cuối Trung Quốc cập nhật danh sách tên các thực thể ở Biển Đông là vào năm 1983, nhưng một điểm khác biệt lớn lần này là Trung Quốc đã bao gồm nhiều thực thể ở đáy biển – 55 thực thể, bao gồm thung lũng, sườn dốc, dãy núi hay đồi dưới đáy biển thường được gọi là núi ngầm dưới biển.

Theo luật quốc tế, một quốc gia chỉ có thể đòi chủ quyền đối với các thực thể ngầm dưới biển nếu chúng nằm cách đất liền trong vòng 12 hải lý. Phần lớn những thực thể mà Trung Quốc đòi không đáp ứng tiêu chuẩn này.

Một phần lý do mà Trung Quốc đưa ra những đòi hỏi này có thể là để khai thác tài nguyên dưới biển. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các nghiên cứu và vẽ bản đồ ở biển sâu. Tàu Hải Dương 8, một tàu khảo sát của Trung Quốc, gần đây đã thực hiện việc nghiên cứu đáy biển ở vùng nước gần Malaysia và Việt Nam. Trung Quốc có nhiều tàu nghiên cứu hơn bất cứ quốc gia nào khác vì mục đích này, và mới đây quốc gia này đã tuyên bố là họ đã phá kỷ lục thế giới trong việc trích xuất khí tự nhiên từ đáy biển.

Vậy ai có quyền khai thác tài nguyên ở dưới lòng biển? Julian Ku, Giáo sư thuộc Trường đại học Luật Hofstra ở Hempstead – New York, nói rằng theo Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS), “các quốc gia không có chủ quyền đối với đáy biển, nhưng họ có quyền đặc quyền kinh tế đối với thềm lục địa và thềm lục địa mở rộng của mình”. Điều này có nghĩa là một quốc gia có quyền kiểm soát độc quyền đối với việc khai thác các nguồn tài nguyên ở đáy biển như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các tài nguyên khác.

Nhưng một số trong những thực thể mới mà Trung Quốc đòi chủ quyền như Wan’an Haidixiaguqun (Nhóm thung lũng ngầm Vạn An), lại rõ ràng nằm trong vùng 200 hải lý cách bờ biển Việt Nam, nghĩa là nằm hẳn trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi Trung Quốc khẳng định rằng nước này cũng có thềm lục địa trải rộng ra từ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa bao phủ cả khu vực này, thì lập trường này nếu xét theo mặt pháp lý lại chưa bao giờ được công nhận theo UNCLOS.


Vị trí nhóm thung lũng ngầm Vạn An do Trung Quốc đặt tên nằm ngoài khơi Việt Nam.


Hơn nữa, không có một tiền lệ thực sự nào cho một quốc gia đặt tên cho các thực thể chìm dưới biển như cách mà Trung Quốc đang làm. Chuyên gia Ku trích phán quyết của Toà Công lý Quốc tế đối với vụ kiện giữa Qatar và Bahrain rằng việc đặt tên cho các thực thể chìm dưới biển không có ý nghĩa pháp lý và không thể được nhìn nhận như một dấu hiệu về quyền chủ quyền hay quyền lịch sử đối với một khu vực.

Nhưng Trung Quốc muốn gì khi đặt tên cho những thực thể này vào lúc này?

Olli Suorsa, một nhà nghiên cứu tại trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam của Singapore, nói rằng có thể việc đặt tên như vậy là nhằm mục đích tâm lý vào lúc có những bất ổn lớn tại khu vực Biển Đông.

“Với những cấu trúc hành chính được đặt ra, Trung Quốc dường như đang áp đặt luật nội địa của nước này đối với các thực thể ngoài biển mà nước này tuyên bố chủ quyền cùng với vùng nước quanh đó thay vì dùng luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”, ông Suorsa nói.



Trung Quốc tiếp tục gây áp lực buộc Việt Nam và các quốc gia thuộc ASEAN khác không được là đối tác với các nước bên ngoài khu vực hoặc các công ty quốc tế khi khai thác tài nguyên ở vùng biển này.

Đây là lập trường chính mà Trung Quốc đưa ra trong các đàm phán với ASEAN liên quan đến COC ở Biển Đông. Những thảo luận được chờ đợi từ lâu liên quan đến việc điều tiết những hành vi trong khu vực giữa các nước có tuyên bố chủ quyền được bắt đầu vào năm 2017, với hy vọng làm giảm những xung đột. Tuy nhiên, danh sách các thực thể địa lý được Trung Quốc đặt tên mới đây đã làm tăng thêm khó khăn cho các thảo luận này vốn đã bắt đầu có nhiều trở ngại trên nhiều mặt.

“Trung Quốc liên tục thay đổi thực tế trong khi một mực khẳng định là đang duy trì thực trạng. Thực trạng đó được thay đổi mỗi ngày có lợi cho Trung Quốc”, ông Suorsa nói. “Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến COC lúc này trở nên không thể”.

Những thảo luận về COC đã bị trì hoãn một lần vào năm nay do đại dịch COVID-19.

RELATED ARTICLES

Tin mới