Thursday, November 7, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNew Zealand tham gia cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông

New Zealand tham gia cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông

Ngày 02/8/2021, Phái đoàn thường trực New Zealand tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc bày tỏ lập trường pháp lý liên quan vấn đề Biển Đông.

Để thể hiện sự khách quan của mình, ngay mở đầu công hàm New Zealand khẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; đồng thời nhấn mạnh công hàm của New Zealand không phải là văn bản phản hồi đối với công hàm được Malaysia đưa ra trước đó; mục tiêu công hàm của New Zealand là nhằm đưa ra lập trường đối với một số khía cạnh của UNCLOS 1982.

Mục tiêu công hàm của New Zealand là nhằm đưa ra lập trường đối với một số khía cạnh của UNCLOS 1982.

Trong công hàm, New Zealand thể hiện quan điểm bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông; ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện về Biển Đông năm 2016 và nêu rõ những điểm được quy định trong UNCLOS.

New Zealand là quốc gia thứ 8 không liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cho cuộc chiến pháp lý xung quanh vấn đề Biển Đông trở nên sôi động. Trước đó có các nước Indonesia, Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản lần lượt gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Lâu nay, chính quyền Wellington thường thể hiện quan điểm nguyên tắc về vấn đề Biển Đông, tránh chỉ trích trực diện Bắc Kinh do không muốn ảnh hưởng tới quan hệ giữa Wellington và Bắc Kinh. Trong công hàm gửi lên Liên hợp quốc hôm 02/8 của New Zealand cũng không nêu đích danh Trung Quốc, tuy nhiên những quan điểm được New Zealand đưa ra trong công hàm hoàn toàn trùng khớp với những nội dung phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài. Đây chính là cách mà New Zealand gián tiếp bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời thể hiện rõ quan điểm pháp lý trên một loạt vấn đề như quy chế đảo, đường cơ sở thẳng và hành vi bồi đắp, mở rộng thay đổi tính tự nhiên nguyên thủy của các thực thể ở Biển Đông….

Cùng với việc gửi công hàm lên Liên hợp quốc, thời gian gần đây New Zealand thể hiện thái độ và sự can dự mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông. Trong một thông báo được đưa ra hôm 04/5/2021, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare cho biết, hải quân nước này sẽ đi qua Biển Đông và có thể thăm Nhật Bản và Hàn Quốc; tham gia cuộc tập trận cùng hải quân Anh tại một khu vực nằm ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Malaysia vào tháng 10 tới.

Phát biểu tại một hội nghị do Viện Các vấn đề quốc tế New Zealand tổ chức hôm 14/7/2021, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern xác nhận, “khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ngôi nhà rộng lớn hơn của New Zealand”. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Arderm đề cập đến khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thuật ngữ này đã được bà Arderm nhắc lại 15 lần trong bài phát biểu này.

Giải thích về ý nghĩa của khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Thủ tướng New Zealand cho rằng, đây là một khu vực mà trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đã hỗ trợ tạo ra nhiều cải thiện to lớn về điều kiện sống và là một khu vực có sự đa dạng sâu sắc; đồng thời, khẳng định New Zealand mong muốn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên tự do hơn và cởi mở hơn. Trên tinh thần đó, bà Thủ tướng Jacinda Ardern thẳng thắn bày tỏ “Chúng tôi cũng có những quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Đông, bao gồm việc xây dựng đảo nhân tạo, tiếp tục quân sự hóa và các hoạt động gây rủi ro cho tự do hàng hải và hàng không”.

Giới quan sát cho rằng phát biểu trên của Thủ tướng New Zealand thể hiện sự “dấn thân” của đất nước này vào các vấn đề an ninh khu vực. Đây là chỉ dấu cho thấy New Zealand đang tự liên kết với “một hệ sinh thái lớn hơn, bao gồm các quốc gia và khu vực, trên toàn Đông Á, Thái Bình Dương, tiểu lục địa Ấn Độ Dương và Vành đai Thái Bình Dương”. Biển Đông là điểm kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có vai trò trung tâm quan trọng ở khu vực. Việc bà Thủ tướng Jacinda Ardern đề cập đến vấn đề Biển Đông với quan ngại sâu sắc về việc quân sự hóa và những hành động hung hăng ở Biển Đông báo hiệu về một sự can dự sâu hơn của Wellington vào Biển Đông trong thời gian tới. Công hàm của New Zealand gửi lên Liên hợp quốc hôm 02/8/2021, đánh dấu mốc mới của việc nước này can dự vào Biển Đông.

Wellington đẩy mạnh chính sách ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đưa ra lập trường pháp lý về các vấn đề liên quan ở Biển Đông ở vào thời điểm quan trọng, nhằm khẳng định vai trò của New Zealand trên vấn đề an ninh khu vực:

Thứ nhất, sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực đã khiến New Zealand thay đổi cách nhìn nhận về giới cầm quyền ở Bắc Kinh. Chính sự hung hăng của Bắc Kinh đã giúp Wellington nhận ra rằng nếu không chung tay cùng các nước trong khu vực ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh thì sẽ tới lúc New Zealand bị Trung Quốc “sờ gáy”. Là một quốc đảo với dân số chưa đến 5 triệu người ở Nam Thái Bình Dương, New Zealand chỉ có con đường duy nhất là đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để duy trì một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở khu vực mới có thể bảo vệ được các lợi ích quốc gia của mình. Gửi công hàm lên Liên hợp quốc bày tỏ quan điểm về Biển Đông là bước đi cụ thể của Wellington trong việc thúc đẩy một cục diện dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông nói riêng và trong khu vực nói chung.

Thứ hai, là quốc gia có quan hệ chặt chẽ lâu đời với từng thành viên cũng như cả khối ASEAN, New Zealand luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN. Do vậy, New Zealand có lợi ích lớn trong việc duy trì hòa bình ổn định, tự do an ninh hàng hải trên Biển Đông.

Những yêu sách phi lý bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những hành vi gây hấn theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” của Trung Quốc với các nước ven Biển Đông là mối đe dọa không chỉ với các nước ven Biển Đông mà còn đe dọa các lợi ích của New Zealand ở Biển Đông và trong khu vực. Có đến 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của New Zealand đi qua Biển Đông. Đây chính là nguyên nhân Wellington gửi công hàm lên Liên hợp quốc bày tỏ lập trường pháp lý xung quanh các vấn đề liên quan ở Biển Đông nhằm góp tiếng nói chung bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Thứ ba, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đang nỗ lực cùng các nước trong nhóm “Bộ Tứ” thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, Washington khuyến khích sự tham gia của các đồng minh và đối tác vào việc ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng bành trướng ở khu vực. Là một đồng minh của Mỹ, New Zealand không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Trong bối cảnh đó, New Zealand muốn khẳng định họ đứng về phía Washington trong việc thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do rộng mở và tăng cường can dự vào Biển Đông. Tháng 6/2020 Mỹ đã gửi công thư lên Liên hợp quốc bày tỏ quan điểm pháp lý về Biển Đông và tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ đã ra Tuyên bố về lập trường pháp lý của Mỹ đối với các vấn đề liên quan ở Biển Đông. Các đồng minh trong khu vực của Mỹ như Úc, Nhật đều đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Do vậy, Wellington thấy cần phải bày tỏ quan điểm chính thức của mình về tranh chấp Biển Đông ở Liên hợp quốc.

Thứ tư, New Zealand là một trong 5 thành viên của Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc (FDPA – Five Power Defence Arrangements, gồm Malaysia, Singapore, Anh, Australia và New Zealand). Trong những năm gần đây, cùng với việc khẳng định cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chống khủng bố, an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, FDPA thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự chung để tăng cường khả năng tương tác giữa các quân đội 5 nước.

Trước việc Trung Quốc ngày càng hung hăng với các hành động tăng cường hiện diện trong khu vực, đặc biệt việc Bắc Kinh mở rộng các hành động gây hấn xuống phía Nam Biển Đông lấn sâu vào vùng biển của Malaysia và xâm phạm vào vùng biển của Indonesia, FDPA nỗ lực nâng tầm để phát huy vai trò hơn nữa trong các vấn đề an ninh khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng. Tháng 11/2020, Bộ trưởng Quốc phòng từ Australia, Malaysia, New Zealand, Singapore và Anh đã thông qua một Tuyên bố chung gồm 8 điểm hướng tới việc kỷ niệm 50 năm FDPA trong năm 2021. Việc New Zealand gửi công hàm lên Liên hợp quốc làm rõ quan điểm pháp lý về các tranh chấp ở Biển Đông là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc Wellington phát huy vai trò trong khuôn khổ FDPA trên các vấn đề an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Giới quan sát chỉ ra nguyên nhân của việc New Zealand không“điểm mặt, chỉ tên” Trung Quốc trong công hàm ngày 02/8 là do New Zealand xác định mình là nước nhỏ bé, không đứng ra đối đầu tranh cãi với Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của New Zealand, mỗi năm, Trung Quốc mua khoảng 25% hàng hoá và dịch vụ mà New Zealand xuất cảng ra toàn thế giới. Sau khi hai nước ký Hiệp định FTA, trị giá hàng hoá và dịch vụ mà New Zealand đã bán cho Trung Quốc tăng từ 4,4 tỷ đô la NZ lên đến 20,1 tỷ đô la NZ trong năm 2020; tổng trị giá giao thương hai chiều là 33 tỷ đô la NZ nên rõ ràng Wellington không muốn ảnh hưởng xấu đến quan hệ thương mại song phương với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chỉ riêng động thái gửi công hàm lên Liên hợp quốc đưa ra quan điểm pháp lý trên các vấn đề liên quan ở Biển Đông của New Zealand đã là việc làm hết sức có ý nghĩa đối với các nước ven Biển Đông. Bởi lẽ, những quan điểm pháp lý của Wellington trong công hàm hoàn toàn dựa trên các quy định của UNCLOS 1982 cũng như nội dung phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thì rõ ràng là đã bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc

Việc càng có thêm nhiều nước gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc thì càng có lợi cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đông. Điều này sẽ góp phần thúc đẩu tiến trình ngoại giao và pháp lý trong giải quyết tranh chấp Biển Đông mà thời gian qua luôn được nhắc tới trong các văn kiện của ASEAN.

Thực Nguyễn

RELATED ARTICLES

Tin mới