Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao Việt Nam không thể đơn phương tự cấp phép bay...

Vì sao Việt Nam không thể đơn phương tự cấp phép bay thương mại quốc tế?

Phép bay phải do cả 2 bên cùng cấp chứ không phải riêng Việt Nam. Trong số 9 đường bay trong kế hoạch khôi phục từ 1/1/2022, hiện nhà chức trách mới nhận được ý kiến chính thức từ phía Nhật Bản.

9 đường bay quốc tế sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 1/1/2022.

Khẩn trương mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế

Ngày 22/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 9370/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chủ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh về việc mở lại đường bay thương mại quốc tế.

Văn bản nêu rõ: Ngày 10/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chỉ đạo các Bộ triển khai các nhiệm vụ để thực hiện kế hoạch thí điểm khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế kể từ ngày 1/1/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm từ nay chưa có đủ hướng dẫn của các Bộ đối với việc phục hồi mở lại các đường bay quốc tế.

Về việc trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các Bộ Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Trước đó, ngày 10/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý Kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.

Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vaccine”, ưu tiên các địa bàn thực hiện trong giai đoạn thí điểm.

Các Bộ Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông thống nhất ngay và công bố một phần mềm khai báo y tế áp dụng chung đối với đi lại bằng đường hàng không để tạo thuận lợi cho việc khai báo của hành khách, hoạt động của các doanh nghiệp hàng không cũng như công tác theo dõi y tế, kiểm soát, truy vết người nhập cảnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Giao thông vận tải, các cơ quan báo chí tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ, đồng thời bảo đảm an toàn, hiệu quả phòng chống dịch.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hàng không tổ chức thực hiện khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ theo Kế hoạch đã được phê duyệt; kịp thời tổng kết đánh giá và kiến nghị điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Vì sao chưa phân bổ số lượng chuyến bay?

Sáng 23/12, ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – cho biết đang tích cực triển khai các công việc để sớm khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách tới các địa bàn có hệ số an toàn cao.

Kế hoạch khôi phục đường bay được Chính phủ phê duyệt từ giữa tháng 12, tuy nhiên cho thời điểm này Cục Hàng không Việt Nam chưa phân bổ số lượng chuyến bay trên từng đường bay quốc tế để thuận tiện cho các hãng hàng không trong việc chuẩn bị nhân sự, công bố lịch bay, tính toán giá vé và cũng để sớm truyền thông đến hành khách chủ động lên kế hoạch đi lại, đặt mua vé…

Về việc này, ông Thắng thông tin, muốn phân bổ lịch bay thì phải được cả 2 bên chấp nhận, không thể đơn phương bên nào quyết định được. Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thư và trao đổi qua điện thoại với nhà chức trách hàng không của các nước dự định mở đường bay từ rất lâu. Đến thời điểm này, có nước đã trả lời, có nước hứa sẽ trả lời sớm.

Theo ông Thắng, các nước bạn rất quan tâm đến việc mở lại đường bay quốc tế, tuy nhiên họ vẫn đang cân nhắc một số vấn đề trong đó có việc nhu cầu kiểm dịch của mình như thế nào, có thuận lợi không, có đảm bảo cho các hãng của bạn bay đến hay không? Ngoài ra, các nước bạn cũng đang cân nhắc bố trí số chuyến phân bổ của nước bạn, phân bổ cho hãng nào, như thế nào, chỉ định ai bay…

“Ngay khi thống nhất với nước nào chúng ta sẽ triển khai phân bổ slot với nước đó, chúng ta không thể đơn phương làm trước được. Phép bay cũng phải do cả 2 bên cùng cấp chứ không phải riêng Việt Nam có thể cấp được phép bay” – ông Thắng nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Hàng không cũng thông tin Việt Nam mới nhận được ý kiến chính thức từ phía Nhật Bản, trước mắt sẽ thực hiện 4 chuyến một tuần. Trong ngày 22/12, Cục Hàng không Việt Nam đã họp với các hãng, thống nhất phương án triển khai, phân bổ cho các hãng theo nguyên tắc: Hãng nào đã có đường bay từ trước dịch sẽ được phân bổ, hay nói cách khác là sẽ khôi phục đường bay cho các hãng đã có chuyến bay, trước mắt chưa xem xét cho hãng mới trong giai đoạn này.

“Với đường bay đến Nhật Bản, trước dịch từ Hà Nội và TPHCM chỉ có Vietnam Airlines và Vietjet bay nên chúng tôi cũng thống nhất chỉ phân bổ cho Vietnam Airlines và Vietjet. Số lượng chuyến bay của mỗi hãng được quyết định theo tỷ lệ các chuyến bay trước đây họ đã có. Phía Nhật cũng đã thông báo cho Cục Hàng không Việt Nam sẽ chỉ định 2 hãng bay là Japan Airlines và ANA” – ông Thắng cho biết.

Liên quan đến vấn đề phòng dịch, Cục trưởng Đinh Việt Thắng khẳng định, khi đường bay quốc tế thường lệ được khôi phục, công tác phòng chống dịch đã chặt chẽ rồi càng phải chặt chẽ hơn. Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các hãng hàng không, cảng hàng không tuân thủ nghiêm các yêu cầu của Bộ Y tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phục vụ truy vết khi có yêu cầu. Trước chuyến bay phải thông báo, nhắc nhở hành khách trước chuyến bay để biết và hiểu các yêu cầu phòng chống dịch bệnh của mình để họ hiểu và thực hiện.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới