Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBức tranh thế giới 2022: Đại dịch, Bầu cử và những điểm...

Bức tranh thế giới 2022: Đại dịch, Bầu cử và những điểm nóng

Thế giới sẽ ra sao trong năm 2022 khi đại dịch Covid-19 bước sang năm thứ ba, các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra ở cả Mỹ và Trung Quốc, biên giới Nga – Ukraine ngày càng nóng lên,…?

Năm 2021, thế giới vẫn phải đương đầu với một đại dịch chưa có dấu hiệu chấm dứt. Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục đối đầu trong hầu hết lĩnh vực, cuộc cạnh tranh mà một số người đã so sánh với “Chiến tranh Lạnh”. Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, quân đội lật đổ chính phủ ở Myanmar, eo biển Đài Loan chứng kiến căng thẳng dâng cao và xung đột ở phía đông Ukraine trở nên nghiêm trọng nhất kể từ năm 2014.

Liệu trong năm 2022, tình hình ở những điểm nóng này sẽ diễn biến thế nào? Dưới đây là một số dự đoán về bức tranh thế giới trong năm mới.

Viễn cảnh Covid-19 u ám

Đại dịch không “chết” hẳn, mà có thể chỉ lắng xuống. Đó có thể là viễn cảnh Covid-19 trong năm 2022. Những đợt bùng phát cục bộ, theo mùa được dự báo vẫn sẽ xảy ra, đặc biệt là ở những nước có tỷ lệ phủ vaccine thấp. Các chuyên gia dịch tễ vẫn cần theo dõi các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Song cho dù như vậy, trong những năm tới, khi Covid-19 trở thành một căn bệnh đặc hữu như cúm hoặc cảm lạnh, cuộc sống ở hầu hết mọi nơi thế giới có thể sẽ trở lại bình thường, ít nhất là “bình thường mới”, theo tạp chí Economist.

Đằng sau triển vọng đó là cả thành công và thất bại. Thành công là rất nhiều người đã được tiêm chủng và ở mỗi giai đoạn diễn tiến của bệnh, các loại thuốc mới hiện nay đã có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong. Việc điều chế, cấp phép nhanh chóng nhiều loại vaccine và thuốc điều trị cho một căn bệnh mới là thành tựu rất lớn về mặt khoa học. Để so sánh, vaccine bại liệt mất đến 20 năm từ những thử nghiệm đầu tiên đến khi được cấp phép tại Mỹ.

Vào cuối năm 2021, chỉ hai năm sau khi SARS-CoV-2 lần đầu tiên được xác định, thế giới đã sản xuất ra khoảng 1,5 tỷ liều vaccine Covid mỗi tháng. Airfinity, một công ty dữ liệu khoa học đời sống, dự đoán rằng vào cuối tháng 6/2022, lượng vaccine Covid trên toàn thế giới sẽ là 25 tỷ liều. Nguồn cung có thể sẽ không còn là hạn chế.

Tuy nhiên, song song với thành công cũng có thất bại. Số ca tử vong toàn cầu do Covid-19 tính đến nay theo số liệu chính thức là trên 4,3 triệu. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Economist, số người thực sự đã chết vì Covid-19 trên toàn cầu có thể cao hơn nhiều, lên đến 18,5 triệu người.

Và nhiều người hơn như vậy, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, vẫn sẽ không được bảo vệ bởi vaccine hoặc thuốc men cho dù đại dịch đã bước sang năm thứ ba. Một lý do khiến Covid-19 sẽ ít gây hại hơn trong tương lai là căn bệnh này đã gây ra rất nhiều thiệt hại trong quá khứ. Rất nhiều người được bảo vệ trước các biến chủng hiện tại của virus chỉ vì họ đã nhiễm bệnh. Thế giới đã phải trả cái giá rất đắt để có được khả năng miễn dịch này.

Thành công quá khứ cũng có thể sẽ bị đảo ngược trong tương lai vì virus liên tục đột biến, và càng lây lan nhiều thì khả năng xuất hiện một biến chủng mới càng lớn. Tuy nhiên, có thể hi vọng rằng, ngay cả khi Omicron và các biến chủng khác tấn công, chúng có thể không gây chết người nhiều hơn Delta. Ngoài ra, các phương pháp điều trị hiện tại có thể vẫn còn hiệu quả và vaccine có thể nhanh chóng được điều chỉnh để đối phó với các đột biến của virus.

Do đó, người ta có thể mắc Covid và chết vì cao tuổi hay có bệnh nền, hoặc do không được tiêm chủng hay không đủ tiền mua thuốc. Công bằng trong tiếp cận vaccine sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối khi nước giàu đã và đang tiếp tục tích trữ vaccine, khiến việc đưa vaccine đến những nơi nghèo nàn và hẻo lánh trở nên khó khăn.

Bầu cử giữa kỳ tại Mỹ

Năm 2022 có thể là năm khó khăn với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Đó không phải là đánh giá bi quan mà là hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào hai đời tổng thống Mỹ gần nhất trước đó, cùng liên quan đến một câu chuyện: bầu cử giữa kỳ.

Cuộc chạy đua vào quốc hội Mỹ được tổ chức mỗi hai năm một lần để bầu lại toàn bộ hạ viện và một phần ba thượng viện. Những dấu hiệu hiện tại cho thấy Tổng thống Joe Biden có thể sẽ phải đi lại con đường không mấy dễ chịu của hai người tiền nhiệm – Donald Trump và Barack Obama – khi đảng của ông để mất quyền kiểm soát ở một trong hai viện quốc hội, thậm chí cả hai, sau cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 8/11/2022. Điều này sẽ có nghĩa là những dự luật mà ông Biden thúc đẩy gần như sẽ bị chặn ở quốc hội, làm tê liệt chính quyền trong nửa chặng đường còn lại của nhiệm kỳ.

Đảng Dân chủ hiện đang nắm quyền kiểm soát ở cả hạ viện và thượng viện, với đa số rất mong manh. Trong khi ở hạ viện, phe Dân chủ giữ 221 ghế và phe Cộng hòa giữ 213 ghế thì ở thượng viện, cán cân là 50-50 với lá phiếu quyết định thế trận thuộc về Phó tổng thống Kamala Harris, người của đảng Dân chủ.

Bầu cử giữa kỳ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với chính đảng cầm quyền tại Mỹ. Kể từ năm 1942, các đảng cầm quyền đã mất ghế ở hạ viện trong 18/20 cuộc bầu cử giữa kỳ, trong đó có 15 cuộc bầu cử mà số ghế bị mất lên đến hai con số, theo SCMP. Kết quả tương tự đối với thượng viện, nơi các đảng cầm quyền để mất ghế tại 14 trong 20 cuộc bầu cử giữa kỳ. Chỉ hai lần kể từ năm 1938, đảng của tổng thống đương nhiệm tăng được số ghế ở hạ viện, và trong cả hai lần này, tỷ lệ ủng hộ dành cho tổng thống đều trên 60%

Tỷ lệ ủng hộ sụt giảm đang là thách thức đối với ông Biden. Một thăm dò của Gallup hồi tháng 10 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của công chúng dành cho ông Biden là 42%. Với kết quả này, ông xếp thứ hai (chỉ trên ông Trump) trong số 8 tổng thống Mỹ gần đây có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất sau 9 tháng nắm quyền. Covid-19, lạm phát và việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan được xem là những lý do khiến công chúng mất niềm tin vào ông Biden.

Con đường trở lại của ông Trump cũng có thể rõ ràng hơn trong 2022. Hiện tại, dường như chỉ có vấn đề sức khỏe mới có thể ngăn cản ông Trump tái tranh cử tổng thống, Economist nhận định. Bản thân cựu Tổng thống dường như cũng đã chuẩn bị nền tảng chính trị cho việc trở lại chính trường, thông qua tuyên bố rằng cuộc bầu cử năm 2020 có gian lận khiến ông thua cuộc. Khoảng 80% cử tri Cộng hòa tin vào tuyên bố vô căn cứ của ông Trump – lý do khiến các nhà lập pháp đảng này dập tắt nỗ lực điều tra vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1/2020.

Các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa trong nửa đầu năm 2022 sẽ là minh chứng cho vị thế của ông Trump trong đảng. Trong số 212 hạ nghị sĩ Cộng hòa, chỉ 10 người đã bỏ phiếu để luận tội ông Trump vì vụ bạo loạn, trong đó một người đã tuyên bố ý định từ bỏ chính trị vì bị đe dọa tính mạng. Chín người còn lại sẽ đối mặt với những đối thủ được ông Trump hậu thuẫn. Nếu đa số thua cuộc, kịch bản dường như có thể xảy ra, ông Trump sẽ có ảnh hưởng hơn nữa đối với đảng Cộng hòa.

Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Dự kiến cũng diễn ra trong tháng 11/2022 là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc (gọi tắt là Đại hội 20). Đây là sự kiện đánh dấu một thập niên nắm quyền của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, đồng thời hé lộ kế hoạch tương lai của ông. Liệu ông Tập sẽ nắm quyền thêm bao nhiêu năm nữa? Những điều đó sẽ chỉ rõ ràng khi đại hội bế mạc và ông Tập (hay một người kế nhiệm nào đó) dẫn đầu Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới ra mắt tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập đã từng bước củng cố vị thế, trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông. Từ năm 2016, ông đã được trao danh hiệu “hạt nhân lãnh đạo” của đảng Cộng sản Trung Quốc. Giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước được xóa bỏ vào năm 2018, cho ông cơ hội tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo cao nhất (trong khi chức tổng bí thư không có giới hạn nhiệm kỳ). Học thuyết chính trị mang tên ông được đưa vào cả hiến pháp và điều lệ đảng. Hồi tháng 11, Hội nghị Trung ương 6 đã thông qua “nghị quyết về lịch sử”, văn kiện chỉ mới được ban hành hai lần trước đó trong thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Nghị quyết này đã xác lập vị thế của ông Tập như là nhà lãnh đạo đang đứng ở nút giao lịch sử, có trọng trách đưa Trung Quốc bắt kịp các nước phương Tây, thậm chí là vượt qua.

Đại hội đảng tại Trung Quốc được tổ chức 5 năm một lần. Sự kiện này, trong thời hiện đại, là dịp để tiến hành chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ giữa các thế hệ lãnh đạo. Theo thông lệ, những thay đổi nhân sự cấp cao như vậy thường được báo hiệu trước đó 5 năm. Sự báo hiệu này không xảy ra tại đại hội đảng năm 2017, vì vậy, giới quan sát chính trị hầu như đều chắc chắn rằng ông Tập sẽ tiếp tục nắm quyền sau Đại hội 20.

Dù thế nào, đại hội tiếp theo sẽ được tận dụng để quảng bá tính ưu việt của hệ thống chính trị Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh đa mặt trận với Mỹ, bao gồm vấn đề ý thức hệ. Tại Trung Quốc, ông Tập và các quan chức đang ngày càng nói nhiều hơn về những tiến bộ thể chế khi so sánh với nền dân chủ Mỹ, mà họ cho là được thể hiện rõ ràng nhất qua cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trong hai năm qua. Tháng 11/2022 sẽ là cơ hội không thể tốt hơn khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra tại Mỹ.

Đồng thời, các quan chức ở Bắc Kinh luôn nhìn thấy những mối đe dọa, ngày càng không kiên nhẫn với bất kỳ chỉ trích nào của nước ngoài. Điều này góp phần củng cố vị thế của ông Tập. Mô tả về trật tự thế giới hiện tại, ông hay nói về “những thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm”. Trong một thời điểm như vậy, Trung Quốc tin rằng duy trì sự ổn định của đội ngũ lãnh đạo cao nhất là điều rất quan trọng.

Châu Á tiếp tục là tâm điểm

Từ Afghanistan đến Myanmar, từ Đài Loan đến Biển Đông, châu Á tiếp tục cho thấy đây sẽ là khu vực có tầm quan trọng địa chính trị, địa chiến lược hàng đầu thế giới trong năm 2022 và những năm tới.

Quân sự hóa ở các khu vực của châu Á đã là xu hướng ngày phát triển trong những năm qua, nhưng năm 2021 chứng kiến sự tăng tốc đáng chú ý ở Đông Á với việc Mỹ tiếp tục chiến lược “xoay trục” và việc tăng cường năng lực quân sự của các bên tại khu vực. Với việc Mỹ hoàn toàn rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cuối cùng đã trở thành khu vực trọng tâm của Mỹ, về mặt quân sự và chiến lược, với sự chú trọng đặc biệt dành cho Đông Á. Nhiều quốc gia khác, bao gồm Pháp, Anh và Đức, đã tăng cường các hoạt động quân sự của họ tại châu Á. Những “người chơi” chính trong khu vực cũng đã hoạt động tích cực, chẳng hạn Nhật Bản đã củng cố Lực lượng Phòng vệ và dự kiến tăng gấp đôi chi tiêu quân sự trong những năm tới.

Trong khi đó, Trung Quốc đang tiến hành kế hoạch biến Quân Giải phóng Nhân dân thành “lực lượng chiến đấu hiện đại” có thể cạnh tranh với Mỹ ở Tây Thái Bình Dương vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập quân đội năm 2027. Ngoài việc tự hào có lục quân và hải quân lớn nhất thế giới về số lượng binh lính và chiến hạm, Trung Quốc còn chứng tỏ sự tiến bộ đáng kể về công nghệ. Ví dụ, tàu sân bay mới nhất của họ, có thể hạ thủy vào quý đầu tiên của năm 2022, được cho là có công nghệ tiên tiến như bất kỳ đối thủ nào trong hạm đội Mỹ. Trung Quốc cũng đã tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa.

Trong khi Mỹ vẫn là cường quốc quân sự thống trị thế giới, việc Trung Quốc tăng cường khả năng răn đe và quân sự có thể củng cố lòng tin của Bắc Kinh và khiến nước này phải chấp nhận rủi ro cao hơn. Trung Quốc đã gia tăng đáng kể sức ép và sự đe dọa đối với Đài Loan trong năm nay bằng cách điều số lượng máy bay kỷ lục đi vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan, cũng như tăng cường luận điệu chiến tranh đối với hòn đảo này. Nếu căng thẳng leo thang, vấn đề Đài Loan có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng không mong muốn, thậm chí là xung đột quân sự.

Một số nhà phân tích phương Tây tranh luận về khả năng không thể tránh khỏi của một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, thúc đẩy các nước cân bằng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc như là cách duy nhất để ngăn chặn xung đột vũ trang. Những người khác lo lắng về nguy cơ rằng việc tăng cường năng lực quân sự tại khu vực có thể dẫn đến tình thế “tiến thoái lưỡng nan về an ninh” – trong đó các quốc gia coi an ninh của họ là “trò chơi có tổng bằng không”, có thể đưa chiến tranh đến gần hơn.

Những điểm nóng khác của châu Á cần tiếp tục theo dõi trong năm 2022 không thể không nhắc tới là Myanmar và Afghanistan. Trong khi tại Myanmar, quân đội đã tiến hành chính biến lật đổ bà Aung San Suu Kyi, thì tại Afghanistan, Taliban trở lại nắm quyền sau khi quân đội Mỹ rút đi trong hỗn loạn.

Tại Myanmar, cả chính quyền quân sự và lực lượng kháng chiến đều quyết tâm giành ưu thế, nhưng cả hai vẫn ở thế giằng co. Không bên nào tỏ ra quan tâm đến việc ngồi vào bàn đàm phán thương lượng bất chấp những lời kêu gọi từ các quan chức và quan sát viên nước ngoài về một giải pháp hòa bình.

Gần như không ai nghi ngờ việc chính quyền quân sự sẽ cố gắng kéo dài thời gian nắm giữ quyền lực. Kể từ sau chính biến, chính quyền này đã có thể trụ vững bất chấp các lệnh trừng phạt có mục tiêu của các chính phủ phương Tây đối với các tập đoàn do quân đội kiểm soát. Mặc dù Thống tướng Min Aung Hlaing tuyên bố rằng cuộc bầu cử tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng 8/2023, nhưng cuộc bầu cử này được cho là sẽ không thể diễn ra một cách tự do và công bằng.

Nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra chủ yếu được giao cho ASEAN nhưng chưa tạo ra được đột phá nào, dù Myanmar không được mời tới một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 10. Trong năm tới, với việc Campuchia là chủ tịch khối, việc đạt được đồng thuận trong ASEAN về vấn đề Myanmar được dự báo có thể sẽ trở nên khó khăn.

Tại Afghanistan, sự sụp đổ của chính phủ dân cử là một trong những sự kiện chấn động nhất thế giới năm 2021. Việc Mỹ chấm dứt cuộc chiến 20 năm, tạo điều kiện cho tổ chức Taliban lên nắm quyền lần hai ở Kabul, đã khiến chính quyền Biden nhận về nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ các đồng minh châu Âu.

Một số đánh giá ban đầu cho rằng việc Mỹ rút quân có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc khi tạo ra không gian để Bắc Kinh mở rộng phạm vi “Vành đai và Con đường”. Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh đối với Afghanistan không phải là đầu tư hay cơ sở hạ tầng, mà là an ninh. Họ muốn có sự đảm bảo từ chính phủ mới ở Kabul rằng các nhóm khủng bố sẽ không sử dụng lãnh thổ Afghanistan để lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công chống lại Trung Quốc.

Hiện tại, Taliban có vẻ đang kiểm soát được tình hình ở Afghanistan, ngoại trừ ở Panjshir, nơi phong trào kháng chiến chống Taliban vẫn tiếp diễn. Song đây có thể chỉ là sự yên ắng trước cơn bão, như những gì thường xảy ra từ trước đến nay tại Afghanistan. Gần như ngay lập tức sau khi nắm quyền, Taliban bắt đầu phân tán thành các trung tâm quyền lực đối đầu với nhau, một số cho thấy họ sẽ sẵn sàng hành động để phá hoại bất kỳ nỗ lực hòa bình nào. Vào lúc này, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy một năm đầy biến động khác ở Afghanistan.

Căng thẳng Nga – Ukraine

Ngay cả khi Tổng thống Biden đã ưu tiên cải thiện quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu và xây dựng lại lòng tin, năm 2021 vẫn là một năm đáng lo ngại đối với an ninh ở biên giới phía đông của NATO. Phía Mỹ và NATO liên tục nhắc tới nguy cơ Nga hành động quân sự với Ukraine, khiến khu vực này rơi vào tình trạng mong manh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Quan ngại về tình hình xung đột ở phía đông Ukraine đã trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Moscow đưa quân tới biên giới gần khu vực hồi tháng 4. Tình báo Mỹ mới đây nghi ngờ Nga hành động quân sự với Ukraine sớm nhất là vào đầu năm 2022. Trong khi đó, Nga bác bỏ đánh giá này, ngược lại cáo buộc NATO triển khai tên lửa tại Ukraine để có thể tấn công Moscow chỉ trong vài phút.

Trong cuộc hội đàm trực tuyến hôm 7/12, ông Biden nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Washington đã chuẩn bị tấn công Nga bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế thậm chí còn mạnh hơn những gì đã được ban hành sau khi Nga sáp nhập Crimea. Tương tự, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng Nhà Trắng sẵn sàng hỗ trợ Ukraine củng cố hệ thống phòng thủ, trong khi không nêu cụ thể sự hỗ trợ đó có thể bao gồm những gì.

Hiện tại, Mỹ và Nga đã đồng ý tổ chức đàm phán an ninh vào ngày 10/1 tại Geneva, Thụy Sĩ. Song không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên có thể thu hẹp khác biệt liên quan đến yêu cầu cốt lõi của Moscow rằng NATO phải chấm dứt quan hệ quân sự với Ukraine và Georgia, đồng thời hủy bỏ tuyên bố trước đây rằng cuối cùng hai nước này sẽ gia nhập liên minh.

Tin tức gần đây gợi ý rằng Tổng thống Biden có thể chuẩn bị đưa ra các nhượng bộ đối với Nga xoay quanh việc Ukraine xin gia nhập NATO. Song khả năng những vụ giao tranh bùng phát nhiều hơn trong năm 2022, đặc biệt là ở khu vực Donbas, vẫn còn cao, theo The Conversation.

Trong khi đó, vai trò ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến lược quốc phòng của Ukraine – chẳng hạn như thông qua việc Ankara bán máy bay không người lái cho Kiev gần đây – sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong quá trình giải quyết xung đột. Xét cho cùng, Moscow phản đối mạnh mẽ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là từ NATO, tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên.

Trong bất kỳ trường hợp nào, nhận thức của Moscow về tham vọng của phương Tây ở Ukraine, cùng với các cuộc tập trận quân sự của NATO ở Biển Đen, sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới