Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHơn 130.000 tấn thanh long tắc đầu ra

Hơn 130.000 tấn thanh long tắc đầu ra

10.000 tấn thanh long từ cửa khẩu phía bắc “quay đầu” về nội địa, cộng thêm hơn 130.000 tấn thanh long sắp bước vào vụ thu hoạch rộ, trong khi thị trường Trung Quốc đóng cửa, là bài toán hết sức hóc búa trong giai đoạn hiện nay.

Thu hoạch thanh long ở Long An.

Tắc nghẽn!

Tại diễn đàn kết nối tiêu thụ trực tuyến do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 31.12, bà Đinh Thị Thu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Tính đến cuối ngày 30.12, lượng xe chở hàng làm thủ tục xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh hiện nay chỉ dưới 100 xe/ngày/cửa khẩu, đa số là sản phẩm khô, rất ít hoa quả tươi.

Trong khi tổng lượng xe đang ùn tắc tại Lạng Sơn vào khoảng 2.900 xe, so với cuối ngày 29.12 đã giảm 550 xe do thời gian chờ quá lâu nên các xe đã quay đầu. Đặc biệt từ ngày 29.12, Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu mặt hàng thanh long nên nhiều xe buộc phải chở thanh long quay về, dự kiến tổng cộng khoảng 10.000 tấn. Với lượng thanh long này, việc tiêu thụ nội địa đã là một bài toán không đơn giản. Nhưng khủng hoảng nghiêm trọng hơn là sản lượng thanh long nhiều gấp hơn 10 lần như thế đang sắp thu hoạch trong vòng 2 tháng tới.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, thừa nhận, thanh long của Long An đang trong thời điểm nước sôi lửa bỏng. Thời điểm trái vụ hiện nay trái thanh long có giá cao nhất nên người dân rất mong chờ để có thu nhập trang trải dịp tết và bù đắp thiệt hại trong cả năm qua. Trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu, các thương lái đã cam kết mua với giá 22.000 đồng/kg. Tuy nhiên từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho trên địa bàn tỉnh Long An đã ngưng nhận hàng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.000 ha trồng thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn; 100 kho lạnh với tổng công suất khoảng 5.400 tấn. Nhưng riêng lượng tồn hiện nay đã gần 3.000 tấn, sức chứa chỉ còn 2.400 tấn, đáp ứng khoảng 1/4 sản lượng dự kiến. Còn lại chưa biết tính thế nào!

Từ vùng trồng thanh long lớn nhất cả nước, ông Phan Văn Tấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cũng đưa ra một con số gây choáng: Sản lượng thanh long thu hoạch từ đây đến tháng 2.2022 là 120.000 tấn và đây là vụ thu hoạch lớn trong năm. Khoảng 70 – 80% sản lượng thanh long Bình Thuận là xuất khẩu qua Trung Quốc, hầu hết là bằng đường bộ. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 111 cơ sở thu mua, tổng kho lạnh 16.000 tấn. Về chế biến chỉ có 13 cơ sở quy mô nhỏ và vừa với các sản phẩm như kẹo, mứt, rượu thanh long, công suất khá hạn chế. Dịp tết này người dân rất cần tiền để trang trải nhưng các vựa đã ngưng hoạt động. Hiện nay thanh long loại ngon nhất được mua với giá 7.000 – 8.000 đồng/kg, loại thấp hơn thì không ai mua.

Trông chờ thị trường nội địa

Câu chuyện trái thanh long lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và thường xuyên gặp cảnh dội chợ không phải xảy ra mới đây. Nhưng năm nay tình hình đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến người nông dân nặng nề hơn.

Bà Nguyễn Phương Hồng, Giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng – Tập đoàn Nafoods Group, cho biết: “Các sản phẩm chính của Nafoods là chanh leo, dứa, xoài, mãng cầu, hạt điều… Thời gian từ giờ đến tết, Nafoods có thể hỗ trợ cho chanh leo và thanh long với khả năng tiêu thụ khoảng 1.000 tấn”. Theo bà Hồng, chất lượng thanh long tại VN chưa được kiểm soát tốt, rất ít vùng được chứng nhận quản lý nên khó xuất theo dạng quả tươi sang Mỹ, châu Âu. “Nếu sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, khả năng mở rộng thị trường cũng như tiêu thụ nội địa sẽ cao hơn”, bà Hồng chia sẻ.

Đồng quan điểm với đại diện Nafoods Group, ông Paul Lê, đại diện Tập đoàn Central Retail (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Top, Go!, Big C), cho biết: “Chúng tôi rất sẵn sàng hỗ trợ nông dân VN tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong những lúc khó khăn như thế này. Trong số các lô hàng chưa xuất khẩu được, chúng tôi sẽ chọn lọc và tiếp nhận tiêu thụ. Thậm chí chúng tôi có thể đưa nông sản VN đi xa hơn, qua Pháp, qua châu Âu… nhưng trước hết sản phẩm phải đạt chất lượng cao, kiểm soát tốt khâu sản xuất và có đủ tiêu chuẩn chứng nhận”.

Trước mắt, lượng thanh long khổng lồ đành trông chờ vào thị trường nội địa. Nhiều đơn vị phân phối khác như hệ thống Winmart, Winmart+, sàn thương mại điện tử Tiki đều cho biết đang có nhu cầu thu mua nông sản để phục vụ thị trường trong nước. Về lâu dài, nhiều doanh nghiệp cho biết diện tích trồng thanh long tại Trung Quốc hiện đã tăng lên rất nhanh và hầu như đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa của họ. Chính vì vậy, ngay trong vụ sản xuất tiếp theo các địa phương sản xuất thanh long phải cơ cấu lại sản lượng, hạn chế trồng thanh long trái vụ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Bộ NN-PTNT đang xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn và sẽ trình Chính phủ sớm các chính sách hỗ trợ. Bộ cam kết xây dựng các mô hình khuyến nông để bà con nông dân tham khảo, trước khi đẩy mạnh những vùng nguyên liệu lớn để mở rộng các thị trường xuất khẩu tiềm năng khác thay thế cho thị trường Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới