Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaKinh tế TQ đối mặt thách thức lớn trong năm 2022

Kinh tế TQ đối mặt thách thức lớn trong năm 2022

Chi tiêu tiêu dùng chững lại đã kéo giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và thách thức này vẫn tiếp diễn khi tiêu dùng năm 2022 được dự báo khó phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19.

hời Covid-19, người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu nhiều cho thực phẩm và quần áo hơn là các dịch vụ như giáo dục và giải trí.

Tiêu dùng khó đạt ngưỡng trước dịch

Cùng với thị trường bất động sản, tiêu dùng là một trong hai lĩnh vực mà các nhà kinh tế lo ngại nhiều nhất trong dự báo triển vọng tăng trưởng Trung Quốc của họ. Chi tiêu tiêu dùng cũng là lĩnh vực mà doanh nghiệp và nhà đầu tư đặt cược vào thị trường này bởi họ kỳ vọng sức chi tiêu của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc sẽ bật tăng mạnh mẽ trong những năm tới.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã cảnh báo tại Hội nghị lập kế hoạch kinh tế trong tháng này rằng tăng trưởng của nước này phải đối mặt với “áp lực gấp ba” do nhu cầu bị thu hẹp, các cú sốc nguồn cung và kỳ vọng tăng trưởng giảm.

Ông Wang Jun, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Zhongyuan (Trung Quốc) lập luận: “Nếu nhu cầu được cải thiện, thì kỳ vọng tăng trưởng sẽ được cải thiện”. Chuyên gia này lý giải, nguyên nhân chính khiến sự phát triển kinh tế Trung Quốc không thể duy trì tốt là do nhu cầu suy giảm, đặc biệt là do tác động tiêu cực của đại dịch đến thu nhập của người dân.

Chuyên gia Wang Jun cũng chỉ ra rằng sức cầu giảm cũng do chính quyền các địa phương ở Trung Quốc cắt giảm chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng và việc Bắc Kinh siết chặt quy định dạy thêm sau giờ học chính khóa đối với các doanh nghiệp giáo dục cũng ảnh hưởng đến thị trường việc làm.

Về áp lực thứ ba – các cú sốc nguồn cung, ông Wang Jun nhận định, áp lực này chủ yếu liên quan đến đại dịch và việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm giảm lượng phát thải carbon. Các hạn chế nhằm phòng chống Covid-19 cũng tác động đến khả năng người lao động quay trở lại làm việc, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có sự thiếu hụt nghiêm trọng các nguyên liệu đầu vào quan trọng như chất bán dẫn.

Nhìn chung, bất ổn về việc làm và thu nhập làm giảm mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân Trung Quốc. Một nguyên nhân khác là do Bắc Kinh siết chặt tín dụng bất động sản nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nợ của doanh nghiệp bất động sản nước này, khiến thị trường bất động sản nước này trở nên ảm đạm.

“Tiêu dùng phục hồi trong năm tới sẽ có tác động rất lớn đến tình hình của nền kinh tế (Trung Quốc – BTV)”, ông Jianguang Shen, chuyên gia kinh tế trưởng tại JD.com nhận định. Chuyên gia này dự đoán các nhà chức trách Trung Quốc có thể thúc đẩy tiêu dùng trong nước bằng cách phát phiếu mua hàng giảm giá như cách mà Hong Kong đã làm. Cách làm này đã mang lại hiệu quả khi gắn chi tiêu của người tiêu dùng vào doanh nghiệp cụ thể. Các phiếu mua hàng giảm giá được thiết kế theo tầng bậc, khuyến khích chi tiêu bằng điều kiện đi kèm là người tiêu dùng phải sử dụng phiếu giảm giá trước nếu muốn nhận được các phiếu giảm giá tiếp theo.

Doanh số bán lẻ của Hong Kong đã giảm mạnh trong năm 2019 và 2020 khi các cuộc biểu tình làm gián đoạn nền kinh tế này, thậm chí trước khi đại dịch Covid-19 tấn công, đã khiến đặc khu này không tiếp cận được với khách du lịch từ nước ngoài và thị trường đại lục. Sau khi chương trình tặng phiếu giảm giá gần đây nhất được triển khai vào tháng 8/2021, doanh số bán lẻ của Hong Kong trong giai đoạn tháng 10 đầu năm 2021 đã bật tăng 8,45% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với thị trường Trung Quốc đại lục, doanh số bán lẻ năm 2020 đã sụt giảm mặc dù nền kinh tế này ghi nhận tăng trưởng. Còn trong năm 2021, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng vọt trong quý I, nhưng tốc độ tăng sau đó chậm lại, đặc biệt là kể từ mùa hè. Tính chung 11 tháng năm 2021, doanh số bán lẻ của Trung Quốc vẫn tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ghi nhận của Goldman Sachs, xét theo lĩnh vực, người tiêu dùng Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho thực phẩm và quần áo nhiều hơn là các dịch vụ như giáo dục và giải trí.

Goldman Sachs dự đoán rằng sự phân hóa chi tiêu giữa hàng hóa và dịch vụ tại Trung Quốc sẽ giảm nhẹ trong năm 2022. Nhưng ngay cả khi chi tiêu thực của các hộ gia đình Trung Quốc tăng trưởng 7% trong năm 2022, thì vào cuối năm nó “sẽ vẫn ở dưới mức trước đại dịch Covid”. Nguyên nhân là do những cản trở từ chính sách “không khoan nhượng” của Trung Quốc trong việc kiểm soát Covid-19 và ứng phó suy thoái của ngành bất động sản.

Cũng theo Goldman Sachs, GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 4,8% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức ước tăng 7,8% trong năm 2021.

Triển vọng bất động sản không mấy sáng sủa

Các nhà đầu tư quốc tế lo ngại các vết rạn nứt trên thị trường bất động sản Trung Quốc lan rộng kể khi các doanh nghiệp lớn như Evergrande rơi vào cảnh vỡ nợ trong mùa hè năm nay. Những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế tín dụng bất động sản tăng cao và giá nhà leo thang đã kéo theo những điều kiện tài chính thắt chặt hơn đối với doanh nghiệp bất động sản, hậu quả là doanh số và giá bán bất động sản của họ đều sụt giảm.

Ông Larry Hu, nhà phân tích thị trường Trung Quốc tại Tập đoàn dịch vụ tài chính Macquarie (Australia) dự báo lượng nhà xây mới và diện tích sàn được bán tại Trung Quốc sẽ giảm với tốc độ nhanh hơn trong năm 2022, còn đầu tư vào ngành bất động sản nước này cũng sẽ giảm khoảng 2%, sau mức tăng dự báo đạt 4,8% trong năm 2021.

“Chính sách bất động sản (của Trung Quốc) sẽ chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng vào năm tới, vì chúng tôi kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách nước này sẽ bảo vệ mục tiêu tăng trưởng GDP 5%”, ông Larry Hu cho biết. Nhưng, “rủi ro là họ có thể phản ứng quá chậm, do sự do dự trong việc sử dụng bất động sản làm công cụ kích thích tăng trưởng”, chuyên gia từ Macquarie lưu ý.

Theo ước tính Moody’s, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc thu được ít nhất 20% từ việc bán đất cho các nhà phát triển bất động sản. Thách thức đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là làm sao kéo giảm mức nợ liên quan đến ngành bất động sản trong khi vẫn phải đảm bảo ngành này không bị suy thoái nghiêm trọng.

Trong báo cáo tuần trước, Fitch nhận định: “Tâm lý thị trường suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán nhà bởi người mua trì hoãn ra quyết định và hy vọng giá bán sẽ giảm sâu hơn nữa”. Fitch dự báo doanh số bán nhà tại Trung Quốc sẽ lao dốc 15% trong năm 2022 và điều này có thể khiến 5 trong số 40 chủ đầu tư trong diện xếp hạng tín nhiệm của Fitch rơi vào tình trạng siết chặt tiền tệ.

“Chúng tôi cho rằng sự suy giảm trong hoạt động xây dựng bất động sản sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như sản xuất thép, quặng sắt và than cốc; đồng thời làm giảm tốc độ đầu tư tài sản cố định và thậm chí gây áp lực lên các tổ chức tài chính”, Fitch cảnh báo.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới