Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo: Những phản ứng trái...

Vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo: Những phản ứng trái chiều

Vụ Triều Tiên phóng một vật thể lạ (nghi là tên lửa đạn đạo) vào sáng 5/1 khiến dư luận quốc tế rối mù. Những tuyên bố tức thì của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc thì nói nước đôi, nói cho qua chuyện. Các nước khác thì nói dựa theo các siêu cường, hoặc im lặng.

Điều này thì Bình Nhưỡng đã quá rõ. Bởi những lần phóng tên lửa trước đây của nước này đã diễn ra bình thường. Những tuyên bố ngoại giao đều úp úp mở mở. Vì cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn hòa hoãn với Triều Tiên. Các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tiếp theo vẫn bỏ ngỏ thời gian. Còn Trung Quốc và Triều Tiên thì đang xích lại gần nhau hơn để chống lại “phản động quốc tế”.

Sau khi Triều Tiên phóng vật thể lạ, phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân kêu gọi: “Tất cả các bên nên chú ý đến cục diện chung”. Không hiểu cái cục diện của ông Uông là cục diện nào.

Cụ thể thêm một bước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị, các bên liên quan, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản thận trọng trong đối thoại sau khi Triều Tiên phóng vật thể bay ra Biển Nhật Bản. Ông Uông nói: “Chúng tôi đã ghi nhận những báo cáo liên quan đến vụ việc. Hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên là điều rất khó có thể giành được và cần được trân trọng. Trong hoàn cảnh hiện nay, tất cả các bên cần chú trọng đến cục diện chung, hành động thận trọng, đi đúng con đường đối thoại và tham vấn, làm việc cùng nhau để thúc đẩy tiến trình giải quyết xung đột chính trị liên quan đến vấn đề Bán đảo Triều Tiên”.

Thật là một mớ khái niệm đã được dùng đến xơ xác, không có bất cứ một thông tin nào.

Phản ứng về việc này, Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được cho là đã được bắn vào khoảng 8 giờ 10 phút sáng 5/1, từ một vị trí trong đất liền, qua bờ biển phía Đông và ra biển. Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc đã họp khẩn cấp, bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành động này. Nhân dịp này Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên nối lại các cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng kịp thời lên tiếng, xác định nhiều khả năng đây là một tên lửa đạn đạo. Quả tên lửa đã bay khoảng 500km (310 dặm) trên không trung. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ để bàn về vấn đề này.

Tổng thống Joe Biden từng nhiều lần tuyên bố, sẵn sàng nối lại ngoại giao hạt nhân với Triều Tiên ở “bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào” mà không cần điều kiện tiên quyết. Song Triều Tiên luôn bác bỏ vì cho rằng thái độ thù địch của Mỹ vẫn không thay đổi.

Washington cho hay, sẽ có cuộc đối thoại với Nhật Bản sắp tới bàn chuyên về vấn đề này, không để cho Bình Nhưỡng tiếp tục có những hành động đe dọa an ninh thế giới. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố: Mỹ tiếp tục cam kết đối với việc đạt được hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại. Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách can dự với Triều Tiên thông qua một cách tiếp cận thực tế và có cân nhắc, nhằm tăng cường an ninh của Mỹ, các đồng minh và các lực lượng đã được triển khai của Mỹ.

Cụ thể, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản sẽ đối thoại 2 + 2 vào ngày 7/1. Nội dung chủ yếu của đối thoại: Thảo luận tình hình an ninh mà hai nước đang phải đối mặt, các vấn đề liên quan tới một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Rõ ràng Mỹ tỏ ra dứt khoát hơn đối với hành động phóng tên lửa của Triều Tiên. Trái lại, Trung Quốc chỉ tung ra quả tù mù “cục diện chung”. Lấp lánh phía sau câu chuyện này là, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang cố gắng hàn gắn những bất đồng, sẵn sàng đối mặt với các “thế lực nước ngoài thù địch”, ám chỉ Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố, sẽ đưa mối quan hệ hai bên “lên một giai đoạn mới”. Bởi từ năm 1961 đến nay, kể từ khi cả hai nước ký hiệp ước chung, Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên. Việc cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh trừng phạt đối với các chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã khiến Triều Tiên càng phụ thuộc vào Bắc Kinh về thương mại và các hỗ trợ khác.

Thấy rõ mối nguy hiểm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chả úp mở gì, nói thẳng: “Mặc cho bối cảnh quốc tế khó khăn chưa từng có trong những năm gần đây, tình đồng chí và hữu nghị quân sự giữa Triều Tiên và Trung Quốc đang mạnh mẽ lên từng ngày”. (KCNA trích thông điệp từ ông Kim).

Các hãng tin nhà nước của Triều Tiên thông báo: ông Kim tuyên bố hiệp ước cùng Trung Quốc đang bảo vệ Triều Tiên và hòa bình ở châu Á. Vì vậy Triều Tiên sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, đưa tình hữu nghị song phương “lên một vị trí chiến lược mới theo yêu cầu của thời đại và nguyện vọng của nhân dân hai nước”.

Hiện tại, Triều Tiên đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Duy trì mối quan hệ tốt với Bắc Kinh sẽ đóng vai trò lớn trong việc giúp Bình Nhưỡng thoát khỏi nguy cơ về một nạn đói mới, không sa vào tình cảnh của thập niên 90 thế kỷ XX.

Vậy là việc phóng thử tên lửa đạn đạo (tạm gọi thế) của Triều Triên trở thành phép thử các mối quan hệ của Triều Tiên với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực. Phép thử ấy cho đáp số là, nhiều nước đang lập lờ, không muốn lộ mặt. Triều Tiên dường như đã tuột khỏi tay Mỹ. Những cố gắng đối thoại với Bình Nhưỡng thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump chỉ còn là những tia hi vọng mỏng manh.

Và “nước xa không cứu được lửa gần”. Khi lửa cháy ở Bình Nhưỡng , “nguồn nước” Bắc Kinh đã kịp thời quăng vòi rồng sang. Để chờ xem Hội nghị Quốc phòng Mỹ-Nhật Bản 2+2 sắp tới có giải pháp kíp thời gì để dằn mặt ông Kim?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới