Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiJakarta “tăng tốc” bảo vệ chủ quyền

Jakarta “tăng tốc” bảo vệ chủ quyền

Quốc gia quần đảo Indonesia năm 2021 đã tăng tốc các hoạt động nhằm phân định ranh giới trên đất liền và trên biển. Mặc dù là năm dịch Covid-19 hoành hành dữ dội, nhưng quốc gia này lại tăng tốc các cuộc hội thảo, đàm phán nhiều hơn so với các năm trước.

Binh sĩ Indonesia tham gia cuộc diễn tập quân sự tại Sidoarjo.

Đương nhiên, sự tích cực bảo vệ cái đúng, tuyên chiến với cái sai, mà trực tiếp là hành động bành trướng, bắt nạt các nước yếu thế của Trung Quốc, được các quốc gia láng giềng hết sức ủng hộ. Đây cũng là chất xúc tác để các nước Việt Nam, Philippines,… rộng ra là khối ASEAN tiếp tục lên tiếng khẳng định, bảo vệ chủ quyền chính đáng, bảo đảm an ninh, an toàn trên Biển Đông.

Theo phân tích của các nhà bình luận quốc tế, sở dĩ Indonesia tăng tốc mạnh mẽ như vậy là vì tính cấp bách của tình hình trên Biển Đông. Ngoại trưởng Indonesia Retno cho biết, năm 2021 nước này đã tiến hành 17 vòng đàm phán với Philippines, Malaysia, Palau và Việt Nam (năm 2020 chỉ đàm phán 7 vòng). Điều này cho thấy nỗ lực của Indonesia cùng các nước láng giềng trong việc phân định các vùng biển chồng lấn.

Theo Công ước quốc tế về luật biển (UNCLOS-1982), quốc gia quần đảo Indonesia có quyền sở hữu đối với Biển Natuna. Vậy mà, suốt mấy chục năm qua, nhất là từ 2019 tới nay, Trung Quốc đã liên tục cho các loại tàu giả dạng tàu đánh cá xâm phạm, quấy phá khu vực biển của Indonesia.

Tháng 9/2021, tàu Côn Minh 172 của Trung Quốc và nhiều tàu hộ tống đã ngang nhiên đi vào khu vực Biển Natuna, tiến sâu vào các vùng biển thuộc EEZ của Indonesia. Không chỉ có “tàu cá”, một tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc cũng hoạt động trong khu vực này, bất chấp sự phản đối của Jakarta.

Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã đề nghị chính quyền Jakarta, muốn ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc, Indonesia không nên mở các cuộc đàm phán về ranh giới trên biển chung quanh quần đảo Natuna. Điều đã rõ như ban ngày là yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và đã bị tòa trọng tài quốc tế quăng vào sọt rác 2016.

Thay vào đó, Indonesia cần đàm phán về phân định biên giới trên biển, để bảo vệ và chia sẻ việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển Đông với các quốc gia láng giềng (Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam) cùng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Một thỏa thuận đa phương như vậy sẽ giúp củng cố các đường biên giới trên biển của Indonesia ở Biển Natuna cũng như củng cố quan hệ giữa Indonesia với các nước láng giềng.

Không chỉ đấu tranh ngoại giao mà cần đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên biển, như tăng cường các cuộc tuần tra hải quân trong vùng EEZ để bảo vệ ngư dân và ngăn chặn các mối đe dọa từ các tàu Trung Quốc. Phó Đô đốc Aan Kurnia, người đứng đầu Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (Bakamla), cho hay, ông đã mời những người đồng cấp của các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam tham dự một cuộc họp vào tháng 2/2022 để “chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy tình anh em” giữa các quốc gia đang đối mặt với những thách thức tương tự do Trung Quốc đặt ra.

Là một quốc gia “anh cả” của ASEAN, động thái tích cực của Indonesia sẽ khiến cho tình hình biển Đông có thêm triển vọng. Bởi thời gian qua các quốc gia ASEAN đã bị chia rẽ rất nhiều trước vấn đề biển Đông. Trước hết, việc thúc đẩy mạnh đàm phán phân định EEZ giữa Indonesia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hợp tác an ninh biển trong nội khối ASEAN, cũng như tạo đà cho các hoạt động hợp tác tương tự với các quốc gia Biển Đông còn lại.

Ngược trở lại lịch sử, lần đầu tiên ASEAN chính thức đưa ra phản ứng chung của cả khối về vấn đề Biển Đông là vào tháng 07/1992 tại Manila, Philippines tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Tuyên bố này được đưa ra như là phản ứng của ASEAN trước sự hung hăng và xu hướng đối đầu ngày càng gia tăng trong hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thời điểm đó ASEAN mới chỉ có 6 thành viên (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brunei). Việt Nam, một bên yêu sách quan trọng trong vấn đề Biển Đông chưa gia nhập khối. Khi sự kiện đá Vành Khăn diễn ra, Philippines đã phải nỗ lực đấu tranh để ASEAN có thể ra các tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 03/1995.

Một bước cứng rắn hơn, ASEAN đã ra “Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về các diễn biến gần đây ở Biển Đông” (18/03/1995), bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 07/1995 cũng nhắc lại tuyên bố này. Tuy nhiên, vì lý do “tế nhị”, ASEAN đã không đề cập đích danh Trung Quốc trong Thông cáo chung.

Nay, sau 27 năm, tình hình đã khác xa. Trung Quốc không những phớt lờ tuyên bố của ASEAN, giẵm đạp lên phán quyết của Tòa trọng tài Liên hợp quốc (PCA), mà còn liên tục có những hành động ngông cuồng hòng độc chiếm Biển Đông. Hi vọng rằng, sự cứng rắn của Indonesia, cũng như thái độ kiên quyết của chính phủ Philippines gần đây sẽ cảnh báo, răn đe, làm cho nhà cầm quyền Trung Nam Hải bớt hung hăng.

Một cường quốc, đối trọng số một của Trung Quốc là Mỹ cũng cần có hành động kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa. Wasinghton nên hỗ trợ các nỗ lực của các nước ven biển Đông chống lại các cuộc xâm nhập của trung Quốc vào EEZ của họ. Washington đã ủng hộ nguyên tắc vùng biển mở, nhưng đối với nhiều quốc gia ven biển Đông Nam Á, việc tiếp cận các nguồn tài nguyên về cá và dầu khí trong EEZ chính là “bánh mì và bơ”, và vì thế đây là ưu tiên của họ.

Năm mới, đã có nhiều chuyển động tốt trên Biển Đông. Mới đây nhất Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một Báo cáo mới về Biển Đông. Báo cáo mới của một văn phòng thuộc Bộ Ngoại giao đã phản ánh quan điểm của Chính phủ Mỹ và bác bỏ ở phạm vi rộng hơn, cụ thể hơn những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông so với báo cáo cách đây hơn 7 năm.

Lại thêm các hoạt động tổng lực nhằm phân định ranh giới trên đất liền và trên biển của Indonesia, những con sóng dữ trên Biển Đông liệu có lui bớt trong năm nay? Hi vọng thế! Bởi mùa thu năm nay Trung Quốc sẽ bước vào Đại hội Đảng lần thứ XX. Họ cần sự ổn định trong nước và xoa dịu láng giềng, bớt đi những giông bão từ bên ngoài đổ vào.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới