Kể từ ngày những đầu năm mới, nhiều người đã thảo luận về việc Lật Chiến Thư đã đi đâu, bởi vì trong tiệc trà Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc diễn ra ngày 31/12 năm ngoái, trong số 7 vị Thường Uỷ thì chỉ có Lật Chiến Thư vắng mặt.
Trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 6/1, Giáo sư Chương Thiên Lượng vẫn kiên trì với quan điểm của mình là: Lật Chiến Thư không gặp sự cố chính trị, mà chỉ là có vấn đề về sức khoẻ.
Đến ngày 11/1, Đài Á Châu Tự Do – RFA đã đăng tin với nội dung rằng: Hôm thứ Ba (ngày 11/1), Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ đã cử hành một buổi hội thảo, trong đó cả 7 vị Thường Uỷ đều có mặt, bao gồm cả Lật Chiến Thư. Bản tin phát sóng của CCTV cũng cho thấy Lật Chiến Thư thật sự xuất hiện…
Trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 12/1, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã củng cố quan điểm của mình về sự việc Lật Chiến Thư vắng mặt gần đây, đồng thời phân tích thêm rằng những kênh thông tin làm rầm rộ tin đồn ‘Lật Chiến Thư thuộc phe Tăng Khánh Hồng’ chính là thế lực ‘phản Tập’ nằm trong ĐCSTQ.
Lật Chiến Thư không gặp sự cố chính trị
Giáo sư Chương nhận định, việc Lật Chiến Thư xuất hiện đã xác nhận thêm rằng: sự mất tích của ông không phải vì bất cứ lý do chính trị nào.
Nhưng cũng có một số người nói rằng, theo thông lệ của chốn quan trường ĐCSTQ, trước khi có thông báo kỷ luật, thì quan chức cấp cao vẫn có thể lộ diện. Giáo sư Chương đánh giá, điều này đúng. Nhưng Lật Chiến Thư từng là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, trực tiếp lãnh đạo Cục Cảnh vệ Trung ương, mà cục này là đơn vị có quyền lực nhất, đơn vị này muốn hạ gục ai cũng được, bởi vì các đối thủ chính trị đều nằm trong tay nó. Do đó, nếu ai nắm quyền ở Cục Cảnh vệ Trung ương thì người đó mới thực sự nắm quyền lực.
Chúng ta biết rằng, vào năm 2012 từng có một âm mưu đảo chính, Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai chuẩn bị phát động chính biến, lúc ấy Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương là Lệnh Kế Hoạch. Sau đó Hồ Cẩm Đào phát hiện ra rằng, Lệnh Kế Hoạch đang âm mưu đảo chính nên đã lập tức cách chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, khi đó chỉ trước Đại hội 18 (2012) có 2 tháng. Lệnh Kế Hoạch được chuyển sang ‘vị trí nhàn rỗi’ là Trưởng ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương của ĐCSTQ.
Thêm nữa, vào tháng 4/2012, dưới tin đồn đảo chính lan truyền khắp nơi, các phương tiện truyền thông xác nhận rằng: Ôn Gia Bảo đã thay đổi ‘vệ sĩ’ của mình. Người vốn phụ trách công tác này là Lý Nhuận Điền – Cục phó Cục Cảnh vệ Trung ương, sau đó Lý Nhuận Điền từ chức rồi người khác lên thay.
Nếu Lật Chiến Thư tham gia chính biến, thì sẽ có một cuộc thanh tẩy ở Văn phòng Trung ương, điều này sẽ giống như năm 2012 Hồ Cẩm Đào dọn dẹp Lệnh Kế Hoạch, Ôn Gia Bảo thay đổi Lý Nhuận Điền, đồng thời sẽ có chấn động rất lớn ở cao tầng và một làn sóng thanh tẩy với tốc độ cực nhanh. Nhưng hiện nay chúng ta không thấy bất cứ động thái nào, do đó có thể chứng minh rằng Lật Chiến Thư không gặp sự cố chính trị.
Trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 7/1, Giáo sư Chương đã từng dự đoán rằng Lật Chiến Thư có thể bị nhiễm COVID, nếu không ông sẽ bị buộc phải xuất hiện. Một khả năng nữa là Lật Chiến Thư có thể bị đột quỵ, di chứng có thể là miệng méo, mắt xếch nên không thể lộ diện. Nhưng khi Lật Chiến Thư xuất hiện ở trường đảng vào ngày 11/1 với hình dạng không mấy khác thường, thì khả năng cao về vấn đề sức khoẻ của ông trong những ngày qua là do nhiễm COVID; bởi vì Lật Chiến Thư xuất hiện lần cuối là vào ngày 27-28/12 năm ngoái, đến ngày 11/1 năm nay là khoảng hai tuần – chính bằng thời gian cách ly.
Kênh truyền thông ‘phản Tập’ dần lộ diện
Trước khi Lật Chiến Thư xuất hiện vào ngày 11/1, có thông tin rằng tờ Duowei (được cho là thuộc phe Tăng Khánh Hồng) từng thổi phồng sự vắng mặt của Lật Chiến Thư; thậm chí vào ngày 4/1, tờ Minh Báo còn đăng một thông tin giật gân rằng Lật Chiến Thư là người được Tăng Khánh Hồng sắp xếp cạnh Tập Cận Bình, và một người chú của Lật Chiến Thư là Lật Giang Giang đang bị điều tra v.v.
Giáo sư Chương đã từng phân tích rằng, môi trường truyền thông ở Hồng Kông rất phức tạp. Ngoại trừ một số kênh truyền thông trong dân chúng, tờ Epoch Times bản Hồng Kông, thì tất cả những kênh còn lại đều là cơ quan ngôn luận của một phe phái nào đó trong ĐCSTQ, nếu không có lợi ích từ những ‘ông chủ’ phía sau, họ sẽ không dám nói những tin đồn về những vị khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Do đó đằng sau Minh Báo nhất định có một thế lực nào đó trong ĐCSTQ.
Trước đây khi Hồng Kông còn là một cảng tự do (còn hiện nay không phải), thì một kênh truyền thông nếu đăng tin sai sự thật, đặc biệt là liên quan đến cấp Thường Uỷ trong ĐCSTQ, thì họ phải chịu trách nhiệm.
Khoảng 10 năm trước, 6h chiều ngày 6/7/2011, tờ Á Thị của Hồng Kông (Asia Television, ATV) đăng tin Giang Trạch Dân đã chết. Khi đó có một số người cho rằng tin tức này là đúng, bởi vì một trong những cổ đông chính của ATV là Vương Chinh, người này là cháu trai của anh họ của Giang Trạch Dân, nói cách khác Vương Chinh là họ hàng của Giang Trạch Dân. Do đó mọi người nghĩ rằng ATV phải có kênh nội bộ riêng nên mới lấy được thông tin về Giang Trạch Dân như vậy.
Đến 9h tối cùng ngày (6/7/2011), ATV cũng huỷ show, đổi thành việc phát sóng cuộc đời Giang Trạch Dân, sau đó còn đổi logo thành màu xám… Những điều này làm cho người ta có cảm giác rằng Giang Trạch Dân đã qua đời.
Rốt cuộc, Giang Trạch Dân vẫn chưa chết, nếu như vậy thì ATV phải làm sao? Lúc đó phó chủ tịch cấp cao phụ trách tài chính của ATV là Lương Gia Vinh đã nhận lỗi và từ chức.
Do đó, nếu báo cáo tin đồn về Bộ Chính trị thì rất nguy hiểm, nhưng Minh Báo vẫn báo cáo những tin tức loại đó, điều này chứng minh: ông chủ phía sau hậu trường của Minh Báo nhất định có vấn đề, ít nhất người ấy là phe ‘phản Tập’, cũng là phe phản Lật Chiến Thư.
T.P