Những bài viết so sánh các máy bay tiêm kích thế hệ 5 Su-57 và F-35 thường xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài, còn ở Nga cũng có, nhưng chỉ thi thoảng.
“Thầy bói xem voi” phán Su-57 Nga đấu F-35 Mỹ: Ai thắng?
Một trong các chủ đề được báo chí phương Tây rất quan tâm và thường đề cập tới, đó là so sánh tiêm kích tàng hình Su-57 Nga và F-35 Mỹ.
Tuy nhiên, có lẽ mọi sự so sánh ít ra là sẽ không chính xác bởi thiếu các đặc điểm thực tế của chúng, nếu cứ nhắm mắt phán bừa thì rất dễ bị rơi vào tình trạng “thầy bói xem voi”.
Hiện nay, chúng ta không biết cụ thể những tính năng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su57 Nga, chứ chưa nói đến các đặc tính kỹ-chiến thuật trên F-35 Mỹ, mặc dù mức độ công khai liên quan đến các mẫu khí tài quân sự phương Tây, theo truyền thống, cao hơn đáng kể so với Nga.
Ví dụ, việc so sánh tốc độ của các máy bay hiện đại và tiên tiến là vô nghĩa. Nói chung, chỉ số này không được mấy ai quan tâm, cũng như trần bay của chúng vậy.
Hiện nay, các máy bay tiêm kích không còn rượt đuổi nhau, như trong các trận không chiến trong Thế chiến thứ Nhất và thứ Hai.
Liên quan đến khả năng cơ động, thì chắc chắn là một thứ phức tạp hơn để phân tích và so sánh. Trong một số trường hợp nhất định, khả năng cơ động của máy bay tiêm kích là rất quan trọng, mặc dù gần như không mang ý nghĩa quyết định như ngày xưa.
Hiện tại, khả năng cơ động không còn là một đặc tính quan trọng của máy bay thế hệ 5 hiện đại.
Thông số quan trọng đối với một máy bay hiện đại là sự kết hợp giữa tải trọng chiến đấu và tầm bay. Cuối cùng, điều này sẽ chuyển thành bán kính chiến đấu, mà trong giới hạn đó máy bay có thể triển khai không chiến hiệu quả.
Và chính sự kết hợp này – tải trọng chiến đấu và tầm hoạt động cụ thể của các máy bay thế hệ 5 – dường không có ở bất cứ nguồn thông tin công khai nào.
Đâu là yếu tố quyết định khiến so sánh “đổ bể”?
Một trong những thông số quan trọng quyết định tính hiệu quả chiến đấu của máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 là đặc tính kỹ-chiến thuật của radar. Ví dụ, không chỉ phạm vi hoạt động tối đa của nó là quan trọng nhất, mà là phạm vi phát hiện từng loại mục tiêu nhất định với diện tích phản xạ hiệu quả cụ thể.
Không ai trong số các chuyên gia, những người nắm trong tay bí mật này, ở bất kỳ đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sẽ đề cập đến các tính năng thực sự của hệ thống điện tử một cách công khai.
Một tính năng khác của radar trên máy bay tiêm kích hiện đại, và là tính năng thuộc hàng quan trọng nhất – khả năng chống nhiễu của nó trong các môi trường tác chiến điện tử phức tạp hiện giờ cũng không được thể hiện ở bất cứ đâu.
Không có những số xác thực. Cũng như không có dữ liệu, vật liệu nào và được kết hợp ra sao khi chế tạo lưới ăng-ten.
Liên quan đến mức độ tàng hình của máy bay tiêm kích thế hệ 5 tức là nguy cơ chúng bị radar đối phương phát hiện, một thông số đặc biệt quan trọng – cũng không ai thực sự biết rõ.
Về vũ khí trên các cỗ máy chiến đấu thế hệ thứ 5, cần lưu ý, hiện nay không có thông tin chính xác. Không ai biết đến khả năng thực sự của tên lửa “không đối không” tầm xa đầy triển vọng.
Đối với tên lửa có đầu dò hồng ngoại, vẫn có thể phỏng đoán một số đặc tính kỹ chiến thuật, nhưng với hệ thống đầu dò bằng radar, tình hình phức tạp hơn nhiều.
Cuối cùng, còn một điều nữa khá quan trọng đó là số lượng máy bay đã đưa vào biên chế có khả năng tham chiến.
Hiện tại, Không quân Mỹ và các đồng minh (những đối tác hợp tác của chương trình F-35) được trang bị khoảng 700 máy bay chiến đấu F-35 các phiên bản, trong khi Lực lượng không quân vũ trụ Nga vẫn chưa có một trung đoàn máy bay tiêm kích nào được trang bị Su-57, thậm chí chưa có một phi đội nào.
Và điều này cũng phải được lưu ý khi so sánh khả năng chiến đấu và tác chiến của các bên.
Tóm lại để so sánh được một cách chính xác nhất, cần phải có những thông tin chi tiết như những hạng mục trên. Còn hiện tại, với những thông số cơ bản được các bên công bố, chúng ta vẫn có thể so sánh được, tuy nhiên, chỉ ở mức độ nhất định mà thôi.
T.P