Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự tự tin thái quá đang làm mờ mắt người TQ

Sự tự tin thái quá đang làm mờ mắt người TQ

Các chính sách liều lĩnh đang làm tổn thương nền kinh tế và trì hoãn mục tiêu vượt qua Mỹ của Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Sự tự tin quá mức sẽ có hại cho sự phát triển của Trung Quốc.” Một nhà kinh tế người Trung Quốc đã nói như vậy khi tổng sản phẩm quốc nội mới nhất của nước này được công bố hôm thứ Hai.

Người có cái nhìn tích cực sẽ tập trung nhiều vào mức tăng trưởng 8,1% cho cả năm 2021, đưa nền kinh tế Trung Quốc lên bằng 80% nền kinh tế Mỹ, tính theo đồng đô la. Tuy nhiên, một người quan sát kỹ hơn sẽ nhận ra mức tăng trưởng ít ỏi 4% trong quý 4.

Nhà kinh tế này nói: “Trong tình cảnh suy giảm kinh tế nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay, ngày Trung Quốc vượt qua Mỹ đang xa dần, chứ không phải gần kề hơn.”

Trong khi đó, về chủ đề tự tin thái quá, phân tích gây sốc của một học giả nổi tiếng đang được bàn tán rộng rãi ở Trung Quốc.

Diêm Học Thông (Yan Xuetong), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Thanh Hoa, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong một bài giảng gần đây về những thiên kiến không thể tin nổi của sinh viên ngày nay.

Diêm cho biết, sinh viên đại học Trung Quốc sinh năm 2000 trở về sau “thường cảm thấy mình vượt trội và tự tin, họ có xu hướng nhìn ‘xuống’ các nước khác, xem xét quan hệ quốc tế thông qua lăng kính mơ tưởng, và tin rằng mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể đạt được một cách dễ dàng.”

“Họ cho rằng các giá trị phổ quát của nhân loại như hòa bình, đạo đức, công bằng, và công lý là các truyền thống cố hữu của Trung Quốc. Họ cho rằng chỉ có Trung Quốc mới là chính nghĩa, còn các nước khác, đặc biệt là các nước phương Tây, đều xấu xa.”

Diêm và những quan sát của ông về xu hướng đang diễn ra ngay tại trường đại học tinh hoa của mình, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình từng theo học, đã tạo ra một làn sóng tranh cãi.

Giám đốc trường Thanh Hoa chỉ ra rằng ảnh hưởng của những ý kiến cực đoan bày tỏ trên mạng Internet là đặc biệt nghiêm trọng, và còn cho biết các sinh viên thậm chí đã tin vào các “thuyết âm mưu” đáng ngờ do những người nổi tiếng trên mạng ủng hộ, coi chúng là lẽ thường tình.

Diêm tin rằng lối suy nghĩ mà ông quan sát được sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai. Vì vậy, ông đã gợi ý rằng các giáo viên dạy quan hệ quốc tế nên rèn cho sinh viên biết cách nhìn nhận lịch sử Trung Quốc, và hiểu được sự phức tạp của nó, đồng thời giúp họ nhận thức được sự đa dạng của thế giới.

Diêm là một học giả hàng đầu về chủ nghĩa hiện thực ở Trung Quốc. Một thập niên trước, ông tuyên bố rằng nguyên tắc “ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình trong chính sách đối ngoại đã lỗi thời, và đưa ra dự báo về việc gia tăng xích mích giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, và vì Tập và Diêm có cùng cách suy nghĩ, vị học giả này dần mở rộng tầm ảnh hưởng và trở nên nổi tiếng.

Nhưng ngay cả Diêm – một người ủng hộ lập trường cứng rắn với Mỹ – giờ đây cũng tin rằng xu hướng hiện tại đang là quá mức.

Cách tư duy kiêu ngạo và liều lĩnh của sinh viên Trung Quốc là kết quả trực tiếp của việc giáo dục lòng yêu nước, vốn được giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cực kỳ coi trọng.

Mới năm ngoái thôi, sự tự tin của người Trung còn được coi là một điều tốt đẹp. Trung Quốc tự hào mình là quốc gia duy nhất ngăn chặn thành công COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Kim Xán Vinh (Jin Canrong) – giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và là phó hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế của đại học này – cho rằng Trung Quốc sẽ bắt kịp Mỹ vào năm 2025 về GDP, sau đó vào năm 2035 sẽ vượt Mỹ về năng lực khoa học và công nghệ. Lúc ấy bá quyền quân sự của Trung Quốc ở cả Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng sẽ trở nên rõ ràng, Kim nói thêm.

Về năng lực sản xuất công nghiệp, Mỹ sẽ không thể sánh được với Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về sức mạnh quốc gia tổng hợp, theo đó tạo ra ảnh hưởng quốc tế lớn hơn, Kim nói. Những nhận xét này được đưa ra khoảng một tháng trước khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đụng độ trong cuộc họp ở Alaska vào tháng 3 năm ngoái.

Lý do cho sự tự tin của Kim là sự đình trệ kinh tế ở Mỹ, điều mà một số nhà phân tích chỉ ra là bởi vì nước này đã thất bại trong việc ứng phó với đại dịch.

Có nhiều ý kiến cho rằng quyền lực quốc gia của Mỹ đang suy giảm, còn Chủ tịch Tập, người kiêm luôn chức Tổng Bí thư đảng, lại nhiều lần nhấn mạnh “niềm tin vào hệ thống,” nghĩa là vào sự điều hành của đảng.

Nhưng tình hình bất ngờ trở nên tồi tệ trong tháng này. Hôm thứ Bảy, trường hợp đầu tiên của biến thể omicron được xác nhận ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc.

Sang thứ Hai, có thông tin cho rằng vào năm 2021, số ca sinh ở Trung Quốc đã giảm năm thứ năm liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949. Điều đó cho thấy quá trình suy giảm dân số đã xuất hiện.

Sau khi thất bại trong phản ứng ban đầu trước đợt bùng phát covid ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, chính quyền Tập đã áp dụng chính sách zero-covid vô cùng nghiêm ngặt.

Và đến nửa cuối năm 2020, niềm tin bắt đầu lan rộng ở Trung Quốc rằng chính quyền Tập đã hoàn toàn thành công trong việc ngăn chặn virus.

Khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng trong nửa đầu năm 2021, còn các nền kinh tế phương Tây lại ngày một sa sút, chính quyền Tập dần trở nên tự tin thái quá. Điều này đã tạo ra tâm trạng hồ hởi, và có chút vĩ cuồng, trong xã hội Trung Quốc.

“Nghị quyết lịch sử lần thứ ba,” được thông qua tại phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 19 vào tháng 11, cũng có rất nhiều đề cập thể hiện sự tự tin.

Khi Tập hướng đến nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tại đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng, diễn ra vào mùa thu tới, “kinh nghiệm thành công” của nước này với chính sách zero-covid đã được coi là thành tựu chính trị của nhà lãnh đạo này.

Giờ đây, việc thay đổi chính sách là không thể.

Do đó, nhiều khả năng sẽ xuất hiện các lệnh hạn chế di chuyển nghiêm ngặt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán bắt đầu vào cuối tháng này, cũng như trước kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc Hội Trung Quốc) trong tháng 3, và trước đại hội toàn quốc của đảng vào mùa thu.

Một người sống ở miền bắc Trung Quốc cho hay: “Tôi không thể trở về nhà trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, lần đầu tiên trong ba năm qua. Điều đó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiêu dùng.”

Một người khác, sống ở miền nam của đất nước, phàn nàn rằng tất cả công dân đã được yêu cầu làm xét nghiệm PCR trong vòng 24 giờ. “Đây là lần thứ ba chúng tôi được lệnh phải làm như vậy,” ông nói. “Tôi đâu có muốn, nhưng tôi biết làm gì đây?”

Với việc Thế Vận hội Mùa đông Bắc Kinh sẽ khai mạc vào ngày 04/02, có khả năng nhiều nơi trên đất nước Trung Hoa sẽ áp dụng các hạn chế trên phạm vi toàn quốc đối với những người cố gắng về quê.

Áp lực sẽ đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu từ quý đầu tiên của năm 2022. Một số chuyên gia kinh tế nói rằng, dù họ kỳ vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm nay, nhưng sẽ khó mà đạt được mức tăng trưởng 5%.

Ngoài chính sách zero-covid, cũng phải kể tới những lỗi do con người. Các mệnh lệnh vội vã và cứng rắn từ Trung Nam Hải, nơi đặt văn phòng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đang kéo nền kinh tế đi xuống. Nhiều chính sách đã làm tổn thương thị trường nhà ở, vốn đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Áp lực lên những gã khổng lồ công nghệ, cũng như ngành công nghiệp trò chơi và giáo dục, chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Cuối năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự đoán rằng GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2033, muộn hơn 5 năm so với dự báo trước đó.

Chỉ một năm trước, JCER còn dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về GDP danh nghĩa “vào năm 2028.”

Giải thích cho sự điều chỉnh này, JCER viện dẫn hai yếu tố: tăng trưởng năng suất chậm lại do các quy định khắt khe hơn của chính phủ Trung Quốc lên các công ty tư nhân, và tình trạng thiếu lao động do dân số suy giảm trong dài hạn.

Yếu tố đầu tiên là tác dụng phụ của các chính sách đột ngột và cực đoan của Tập. Có thể nói chính ông Tập là một nguy cơ đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Một nguồn tin chính trị Trung Quốc tiết lộ: “Nếu Tập không cải thiện được tình hình kinh tế trước đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản vào mùa thu, điều đó có thể ảnh hưởng đến quyền lực của ông ta.”

Rốt cuộc thì, mục tiêu lớn “cơ bản đạt được hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035” là do chính ông Tập đặt ra, với rất nhiều tán dương, tại đại hội toàn quốc gần nhất của đảng vào năm 2017.

Lời giải thích được đưa ra khi đó là Tập đã đẩy mục tiêu vượt Mỹ của Trung Quốc lên sớm 15 năm. Một nhiệm vụ mà Tập tự đặt ra cho bản thân, và ông chắc chắn không thể để kế hoạch bị thất bại.

Nhưng Tập và đội ngũ của mình đã gây ra một “sự sa sút do chính sách.” Sự tự tin thái quá đã khiến không chỉ các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, mà cả các quan chức và dân thường của nước này, bao gồm cả các sinh viên Đại học Thanh Hoa, trở thành những kẻ vĩ cuồng, làm mờ nhận định khách quan của họ.

Hôm thứ Hai, tin tức về sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc trong quý cuối cùng của năm 2021 đã gây ra một làn sóng chấn động khắp thế giới. Cùng ngày, Tập đã có bài phát biểu qua video tại một cuộc họp liên quan đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Ông nói: “Những thay đổi trong môi trường kinh tế trong nước và quốc tế đã mang lại áp lực to lớn, nhưng… chúng tôi cực kỳ tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế Trung Quốc”.

Liệu sự “tin tưởng” này của Chủ tịch Tập có khác với sự tự tin thái quá nguy hiểm thường thấy ở trong và ngoài nước của ông không? Phải chăng nó sẽ dẫn đến những điều chỉnh chính sách linh hoạt? Vẫn còn quá sớm để có câu trả lời.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới