Wednesday, January 22, 2025
Trang chủQuân sựHải quân các nướcTàu ngầm Kursk của Nga phát nổ, 118 thủy thủ tử vong:...

Tàu ngầm Kursk của Nga phát nổ, 118 thủy thủ tử vong: Tin mới nhất liên quan đến thảm kịch

Thảm kịch tàu ngầm Kursk đã trở thành một trong những vụ tai nạn tàu ngầm chết chóc nhất trong lịch sử thế giới, chỉ sau vụ mất tích của tàu USS Thresher vào năm 1963.

Ngày 12/8/2000, tàu ngầm hạt nhân Kursk của Hải quân Nga bị chìm trong một cuộc tập trận của Hạm đội Phương Bắc ở độ sâu 108 mét, cướp đi sinh mạng của tất cả 118 thành viên thủy thủ đoàn.

Đây là một trong những mất mát bi thảm nhất trong lịch sử Hải quân Nga. Từ trước tới nay, nguyên nhân chính thức gây nên thảm kịch vẫn được tuyên bố là do một vụ nổ ngư lôi trên tàu.

Tuy nhiên, tháng 11/2021, Đô đốc Vyacheslav Popov – cựu Tư lệnh Hạm đội Phương Bắc Hải quân Nga (giai đoạn từ 1999-2001) lại cho rằng, tàu ngầm ​​Kursk bị chìm là do va chạm với tàu ngầm NATO.

Đô đốc Vyacheslav Popov cho biết, chiếc tàu ngầm nước ngoài đâm vào tàu ngầm Kursk đã bị một máy bay chống ngầm của Hải quân Nga phát hiện thấy ở ngoài khơi bờ biển Na Uy.

Tin tức trên truyền thông Nga và cả báo chí nước ngoài đều xác định đã có 3 tàu ngầm hạt nhân, gồm USS Memphis, USS Toledo (Hải quân Mỹ) và HMS Splendid (Hải quân Hoàng gia Anh) xuất hiện ở trong khu vực tập trận của Hạm đội phương Bắc.

Bộ Quốc phòng Nga đã yêu cầu Lầu Năm Góc kiểm tra tàu Memphis và tàu Toledo, nhưng bị từ chối với lý do “tất cả các tàu ngầm này đều đang hoạt động bình thường”. Câu trả lời tương tự cũng được phía London đưa ra.

Trong diễn biến liên quan mới nhất, hãng thông tấn RIA Novosti gần đây đã gửi yêu cầu tới Bộ Tư lệnh Hải quân Vương quốc Anh để xác nhận về sự hiện diện của tàu ngầm Anh trong vùng biển lân cận nơi diễn ra thảm họa tàu ngầm Kursk.

“Để trả lời một phần yêu cầu của các bạn về việc Bộ Quốc phòng Nga đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Anh kiểm tra các tàu ngầm hạt nhân của mình sau thảm họa tàu ngầm Kursk, tôi có thể xác nhận rằng Bộ Quốc phòng Anh không lưu giữ hồ sơ nào về bất kỳ yêu cầu nào đối với Vương quốc Anh liên quan tới việc kiểm tra các tàu ngầm hạt nhân của mình”, Ban Thư ký Bộ Tư lệnh Hải quân Anh cho biết bằng văn bản.

Hơn nữa, kho lưu trữ của Quốc hội Anh ngày 14/11/2000 cũng cho thấy sau sự cố tàu ngầm Kursk, Bộ trưởng Quốc phòng Châu Âu lúc đó là Keith Vaz đã nói rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Geoff Hoon “đảm bảo với Bộ trưởng Quốc phòng Nga” rằng không có tàu ngầm Anh trong khu vực tai nạn của tàu ngầm Kursk.

Khi gặp thảm họa vào ngày 12/8/2000, tàu ngầm Kursk bị chìm ở độ sâu 108 mét. Theo báo cáo của nhóm điều tra, chiếc tàu ngầm đã bị trúng hai vụ nổ. Nguyên nhân đầu tiên là do rò rỉ nhiên liệu hydrogen peroxide bên trong ống phóng ngư lôi thứ tư, dẫn tới vụ cháy nổ đạn dược tiếp theo.

Thảm kịch tàu ngầm Kursk đã trở thành một trong những vụ tai nạn tàu ngầm chết chóc nhất trong lịch sử thế giới, chỉ sau vụ mất tích của tàu USS Thresher vào năm 1963, khiến 129 người thiệt mạng.

Vụ tai nạn được cho là xuất phát từ tình trạng kém cỏi chung của các lực lượng vũ trang Nga vào thời điểm đó.

Thảm kịch cũng dẫn đến một cuộc cải tổ sâu rộng dịch vụ cứu hộ khẩn cấp của Hải quân Nga. Thời điểm đó, quốc gia này không có bất kỳ khả năng nào để giải cứu thủy thủ đoàn ở độ sâu như vậy và cuối cùng phải yêu cầu sự quốc tế hỗ trợ.

Phải chín ngày sau thảm họa, các thợ lặn Na Uy mới mở được cửa gió của tàu ngầm khi tất cả các thủy thủ đã tử vong.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới