Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Tập sẽ thua nếu…?

Ông Tập sẽ thua nếu…?

Vị lãnh đạo tối cao của Trung Quốc chỉ có thể duy trì quyền lực nếu các cấp dưới tin rằng ông sẽ còn tại nhiệm lâu dài.

Dưới đây là một thước đo thú vị để đánh giá thành công của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại đại hội toàn quốc của đảng cầm quyền vào cuối năm nay.

“Nếu tất cả những gì ông ấy nhận được chỉ là một nhiệm kỳ tổng bí thư 5 năm nữa, tức là triển vọng về thời kỳ cầm quyền dài lâu không còn rõ ràng, thì trên thực tế, đó sẽ là một thất bại,” một nguồn tin chính trị Trung Quốc tiết lộ. Người này cho biết sự kiểm soát của Tập đối với đảng sẽ dần yếu đi.

Bình luận này phản ánh bầu không khí căng thẳng kéo dài hơn hai tháng qua, kể từ khi “Nghị quyết lịch sử lần thứ ba” được thông qua tại Hội nghị trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.

Trong bối cảnh hiện tại, chỉ có một điều chúng ta có thể chắc chắn, đó là Chủ tịch Tập Cận Bình, người kiêm chức tổng bí thư, sẽ không nghỉ hưu tại đại hội đảng toàn quốc sắp tới. Nhưng thời hạn cầm quyền sau đó của ông sẽ phụ thuộc vào kết quả của những trận chiến chính trị diễn ra trong khoảng chín tháng tiếp theo.

Nếu một nhà lãnh đạo của một quốc gia dân chủ còn tại nhiệm 5 năm, có lẽ sẽ chẳng ai nói rằng người đó là một ‘con vịt què’ [chính khách sắp về vườn]. Tuy nhiên, điều này không áp dụng ở Trung Quốc, nơi mọi thứ được quyết định thông qua cuộc chiến tranh giành quyền lực trong đảng, mà người ngoài cuộc ít khi biết được nội tình.

Nếu người dân Trung Quốc bắt đầu thầm thấy rằng vị lãnh đạo cao nhất của họ trong 5 năm nữa có thể là một người khác, thì thái độ của họ, từ lúc đó trở đi, có thể sẽ thay đổi. Họ có thể giả vờ tuân theo mệnh lệnh, nhưng âm thầm kháng cự.

Nhìn lại, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã bắt đầu mất khả năng kiểm soát các vấn đề đối nội và đối ngoại ngay từ năm 2008, một năm sau khi nhiệm kỳ thứ hai của ông bắt đầu tại đại hội toàn quốc vào mùa thu trước đó.

Bí thư Trùng Khánh mới được bổ nhiệm khi ấy, Bạc Hy Lai, bắt đầu làm loạn, phát động một chiến dịch “nhạc đỏ” theo kiểu Mao Trạch Đông, nhằm khai thác tình cảm dân tộc chủ nghĩa và thúc đẩy tham vọng chính trị của riêng mình. Bạc hiện đang thụ án chung thân sau khi bị thanh trừng.

Sự bất tuân đối với Hồ, người được cho là sẽ nghỉ hưu vài năm sau đó, cũng ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với Nhật Bản. Trung Quốc đã không triển khai thỏa thuận với Nhật về các mỏ khí đốt trên Biển Hoa Đông, một thỏa thuận đạt được theo sáng kiến của Hồ.

Thoả thuận năm 2008 ban đầu báo hiệu một sự hoà giải giữa hai nước láng giềng châu Á. Nhưng các cuộc đàm phán hiệp định, liên quan đến việc cùng phát triển các mỏ khí đốt, đã không có tiến triển và cuối cùng rơi vào bế tắc.

Song song với đó, các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước, cùng nhiều quan chức và sĩ quan quân đội Trung Quốc, tuy trước mặt tỏ ra tuân thủ mệnh lệnh, nhưng sau lưng lại bí mật chế diễu nó, lo ngại lợi ích riêng của họ sẽ bị xâm phạm.

Nếu người ta tin rằng Hồ sẽ tiếp tục nắm quyền sau đại hội đảng toàn quốc năm 2012, hẳn ông đã có thể khiến các nhóm kháng cự phải quỳ gối.

Tập khi ấy là thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, và những quan sát của chính ông đã dẫn đến việc ông bị ám ảnh phải đảm bảo nắm quyền một cách lâu dài. Nếu có thể, ông muốn trở thành một nhà lãnh đạo trọn đời. Một cách để làm điều này là Tập phải trở thành “chủ tịch đảng,” chức vụ mà Mao Trạch Đông là người cuối cùng từng nắm giữ.

Nhưng để giành được danh hiệu đó tại đại hội toàn quốc sắp tới, Tập sẽ cần có thành tích vững chắc, ngang bằng với Mao.

Nghị quyết lịch sử lần thứ ba đã cho Tập động lực để bắt kịp, hoặc thậm chí vượt qua, cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình về địa vị trong lịch sử đảng. Nhưng không phải tất cả các thành viên của đảng đều tin rằng ông đã đủ uy tín để đạt được vị trí đó.

Trùng hợp thay, ngày 18/01 cũng đánh dấu lễ kỷ niệm 30 năm của một trong những thành tựu quan trọng của Đặng.

Ngày 18/01/1992, Đặng bắt đầu chuyến “Nam tuần” nổi tiếng của mình. Ông dành khoảng một tháng để thị sát tỉnh Hồ Bắc, tỉnh Quảng Đông, và thành phố Thượng Hải, kêu gọi đẩy mạnh cải cách và mở cửa.

Kể từ vụ Thảm sát Thiên An Môn vào tháng 06/1989 chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ, nền kinh tế Trung Quốc đã sa vào tình trạng ảm đạm, do sự trừng phạt của các quốc gia công nghiệp phát triển, và chính sách thắt lưng buộc bụng của chính nước này. Nhưng sau chuyến Nam tuần của Đặng, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang kinh tế thị trường.

Ba mươi năm trôi qua, với việc Trung Quốc ngày nay muốn tập trung vào thời đại mới của Tập, đã không có sự kiện lớn nào nhằm kỷ niệm 30 năm chuyến đi của Đặng. Công khai ca ngợi thành tích của Đặng đã trở thành một hành động nguy hiểm.

Mới đây đã có một bài báo thu hút nhiều bàn luận, phản ánh tình hình chính trị tế nhị của Trung Quốc hiện nay. Nó có tiêu đề “Vòng tròn nhỏ phá vỡ quy tắc lớn,” được đăng tải hôm thứ Sáu trên Thời báo Học tập, tờ báo của Trường Đảng Trung ương .

Bài báo viết rằng: “Chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn những kẻ tham vọng và những kẻ âm mưu ăn cắp quyền lực của đảng và nhà nước.” “Lòng trung thành tuyệt đối với Đảng không phải trừu tượng mà là cụ thể, không phải có điều kiện mà là vô điều kiện, và luôn được thể hiện trong những hành động thiết thực”.

Nói một cách đơn giản, bài báo kêu gọi bảo vệ Ủy ban Trung ương Đảng, với hạt nhân là Tập, và hệ tư tưởng của ông. Nó cũng yêu cầu lòng trung thành tuyệt đối với đảng, một cách cụ thể và vô điều kiện, để những kẻ mưu phản không thể chiếm đoạt quyền lực.

Bài báo này ám chỉ ai, khi nói về ‘những vòng tròn nhỏ’?

Một trong số đó là Tôn Lập Quân, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, người đã bị bắt giam do cáo buộc nhận hối lộ 14 triệu USD, trong đó có 300.000 USD tiền mặt được giấu trong một lô hải sản.

Những kẻ mưu phản này liệu có tham vọng chính trị như Bạc Hy Lai không? Điều đó không được tiết lộ. Nhưng chúng ta có thể ước đoán được mục tiêu từ những phát biểu gần đây của Tập.

Tại Hội nghị Trung ương 6 hồi tháng 11, Tập thề sẽ “đập tan những kẻ nào trong đảng bị cuốn vào các nhóm lợi ích, các nhóm quyền lực, và các tầng lớp đặc quyền.”

Nội dung đầy đủ của bài phát biểu trong hội nghị tháng 11 đã không được công bố mãi cho đến tháng 1. Trên thực tế, đó chính là một lời tuyên chiến với những người trong đảng.

Một nguồn tin thân cận với chính trường Trung Quốc cho biết, các nhóm lợi ích mà Tập nhắm tới bao gồm các đại gia công nghệ, như Ant Group, Alibaba Group và Didi, các nhà phát triển bất động sản lớn, như China Evergrande Group và Fantasia Holdings Group, cũng như ngành công nghiệp dạy thêm.

Các công ty tư nhân này có xu hướng gần gũi với những chính trị gia giả vờ phục tùng Tập, nhưng âm thầm bất mãn. Các công ty này thường hỗ trợ tài chính cho các lực lượng chính trị như vậy.

Trong số các lực lượng này có “phe Thượng Hải”, đứng đầu là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, và phụ tá thân cận của ông, cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng.

Họ duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới chính trị và công chức, những người có thể làm biến động nền kinh tế. Cảnh giác trước nhóm này, Tập hiện đã sẵn sàng áp dụng lập trường cứng rắn hơn, chống lại thái độ hai mặt của họ.

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, do nhà nước điều hành, đã cho phát sóng một chương trình đặc biệt có tựa đề “Không khoan nhượng [đối với tham nhũng],” bắt đầu từ giữa tháng 1, nêu bật vấn đề “an ninh chính trị.”

Chương trình đã ghi lại lời thú nhận “loạt tội ác” của Tôn Lập Quân, người với tư cách là Thứ trưởng Bộ Công an, từng có nhiệm vụ kiểm soát các cơ quan cảnh sát trên khắp đất nước.

Chương trình ca ngợi chiến dịch chống tham nhũng là thành tựu lớn nhất của chính quyền Tập, và cảnh báo rằng chính quyền sẽ tiếp tục sử dụng nắm đấm chính trị trong thời gian chuẩn bị tiến tới đại hội toàn quốc.

Cuộc chiến chống tham nhũng thành công là thành tựu duy nhất của Tập. Và trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc, ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng mang dấu ấn của ông nhằm tiêu diệt kẻ thù.

Nếu chính quyền thành công một lần nữa, Tập không chỉ có thể đảm bảo thêm một nhiệm kỳ 5 năm, mà còn có quyền dàn xếp một đội hình mới cho Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, theo hướng có lợi cho bản thân ông.

Nếu người ta nghĩ rằng Tập sẽ trị vì với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong ít nhất 10 năm nữa, hoặc thậm chí là suốt đời, thì ông có thể sẽ không trở thành một con vịt què.

Mùa hè năm 2017, khi đại hội toàn quốc của đảng gần kề, Tôn Chính Tài, khi đó là quan chức cấp cao nhất của Trùng Khánh, đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị, đã đột ngột bị thanh trừng. Ông được đánh giá là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua của những người một ngày nào đó sẽ thế chỗ Tập.

Nhiều khả năng một nhân vật có ảnh hưởng khác sẽ bị thanh trừng trong năm nay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới