Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngNhân tố TQ sau các vụ tai nạn gần đây tại Biển...

Nhân tố TQ sau các vụ tai nạn gần đây tại Biển Đông

Tháng 10/2021, Hải quân Mỹ tiết lộ tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut đã va chạm với một “vật thể không xác định” khi đang hoạt động ở Biển Đông. Đầu tháng 11/2021, báo cáo cuối cùng được công bố, 3 sĩ quan cao cấp của tàu USS Connecticut bị cắt chức. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên lo ngại rộng rãi ở Bắc Kinh, vốn cáo buộc Washington “thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm”, không cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ về sự cố.

Sự quan tâm của Trung Quốc về việc này thể hiện qua việc Global Times đưa ra một bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu quân đội Mỹ cung cấp thông tin chi tiết về vụ tai nạn; tuyên bố Hải quân Mỹ “nổi tiếng” liều lĩnh trên Biển Đông với danh nghĩa “tự do hàng hải”.

Ngày 24/1/2022, máy bay F-35C của Hải quân Mỹ gặp sự cố, phải hạ cánh khẩn cấp xuống boong tàu sân bay USS Carl Vinson, 6 thủy thủ và phi công bị thương. F-35C là phiên bản máy bay chiến đấu được phát triển đặc biệt để sử dụng cho các tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Hiện phía Mỹ đang tiến hành trục vớt xác máy bay; nhưng nếu tàu ngầm Trung Quốc tìm thấy trước, Trung Quốc có thể tiếp cận công nghệ của máy bay chiến đấu tàng hình này. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định “không quan tâm” đến máy bay Mỹ.

Không chỉ các thiết bị quân sự của Mỹ gặp sự cố ở Biển Đông, thời gian qua, máy bay của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đều gặp vấn đề khi đang hoạt động trên khu vực Biển Đông.
Ngày 4/1/2022, phi công máy bay F-35 của Hàn Quốc đã phải “hạ cánh bằng bụng” khẩn cấp tại một căn cứ không quân, sau khi bộ phận hạ cánh gặp trục trặc kỹ thuật. Điều tra ban đầu cho thấy, cửa hút động cơ bên trái của F-35 bị hỏng do một con chim va vào.
Ngày 9/4/2019, chiếc F-35A của Nhật Bản đã biến mất khỏi màn hình radar cách Căn cứ Không quân Misawa 135 km về phía Đông. Quân đội Nhật Bản đổ lỗi cho tình huống mất phương hướng trong không gian.

Tháng 12/2021, máy bay chiến đấu tàng hình F-35A của Nhật Bản hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Hakodate ở tỉnh Hokkaido, cực Bắc Nhật Bản, cách căn cứ 190 km về phía Tây. Ngày 31/1/2022, chiến đấu cơ F-15DJ bị rơi trong một cuộc tập trận. Chiếc máy bay này vừa cất cánh từ Căn cứ Không quân Komatsu trên bờ biển phía Bắc Nhật Bản thì bị mất liên lạc radar, các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn vẫn đang diễn ra. Việc nâng cấp phi đội F-15 của Nhật Bản thành phiên bản F-15JSI (Siêu đánh chặn Nhật Bản) đã được đưa vào ngân sách tài khóa năm 2022. Mô hình nâng cấp này sẽ hoạt động như chiến đấu cơ chủ lực, cùng với các chiến đấu cơ F-35 để ngăn chặn “bất kỳ cuộc phiêu lưu mạo hiểm nào” của Trung Quốc.

Ngày 11/1/2021, máy bay chiến đấu F-16V (Viper) mới được nâng cấp của Đài Loan đã mất tích trong một nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Chiếc máy bay này đã truy đuổi và đối đầu với các chiến đấu cơ của Trung Quốc vốn thường xuyên xâm nhập không phận Đài Loan. F-16 Viper được coi là phiên bản tiên tiến nhất của Fighting Falcon và rất quan trọng đối với hệ thống phòng thủ của Đài Loan.

Nhà phân tích chiến lược, Tổng biên tập The EurAsian Times Nitin J Ticku, nhận định, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang nổi lên như một khu vực quân sự hóa nhất trên thế giới, hơn cả Trung Đông. Thật dễ dàng để khơi dậy các thuyết âm mưu (giống như một trong những nhà phân tích của Ấn Độ đã liên kết các vụ tai nạn trực thăng của các chỉ huy quốc phòng Ấn Độ và Đài Loan với Trung Quốc). Vì Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang ở “trung tâm hành động”, Mỹ đang trang bị cho các đồng minh, vốn chưa thực sự sẵn sàng cho trận chiến, những công nghệ mới nhất, nên rất dễ thấy tai nạn có thể xảy ra.

Một nguy cơ khác có thể là, các cuộc diễn tập quân sự quy mô, thường xuyên và các phi công chiến đấu đã bị căng quá mức, kiệt sức để đánh chặn các chiến đấu cơ Trung Quốc. Ông Ticku kết luận, chắc chắn có yếu tố Trung Quốc liên quan đến các vụ tai nạn nói trên.

Hoàng Việt

RELATED ARTICLES

Tin mới