Trong bài viết về “ngoại giao tàu ngầm” Trung Quốc hôm 12-2, tạp chí Asia Times cho biết Bắc Kinh đang dùng các thương vụ tàu ngầm để tiếp cận ngày càng nhiều cảng và cơ sở hải quân ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Từ “chuỗi ngọc trai” tới “ngoại giao tàu ngầm”
Năm 2017, Trung Quốc lập một cơ sở hải quân ở CH Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi. Đây được xem là căn cứ quân sự đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Trung Quốc ở nước ngoài.
Động thái này làm dấy lên đồn đoán Bắc Kinh đang xây dựng “chuỗi ngọc trai” gồm nhiều căn cứ quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, theo tạp chí Asia Times, giờ đây rõ ràng Trung Quốc có một cách tiếp cận quân sự khôn khéo hơn nhiều để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Đó là bán tàu ngầm cho các nước ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, kèm theo đào tạo nhân viên hải quân và duy trì sự có mặt của các kỹ thuật viên Trung Quốc tại những nước khách hàng.
Nếu căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các đối thủ trong khu vực như Mỹ và Ấn Độ, Bắc Kinh có thể tiếp cận các căn cứ của nước ngoài – nơi họ đã có sẵn nhân lực – mà không cần phải thiết lập bất kỳ căn cứ nào của riêng họ.
Những diễn biến như vậy đang được tiến hành với các mức độ khác nhau ở Campuchia, Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan và những nước khác.
Chẳng hạn trong trường hợp Thái Lan, thỏa thuận tàu ngầm được ký giữa Thái Lan và Trung Quốc vào năm 2015 đã gây nhiều chú ý.
Theo quan điểm của Hải quân Thái Lan, tàu ngầm Trung Quốc sẽ giúp nước này theo kịp các nước láng giềng như Việt Nam, Indonesia và Malaysia – những nước đều đã sở hữu tàu ngầm.
Nhưng khi các tàu ngầm thực sự được chuyển giao cho Thái Lan, Trung Quốc sẽ có thể cử người đến căn cứ Sattahip (căn cứ lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Thái Lan) ở đông nam Bangkok để đào tạo cho các đối tác Thái Lan và sửa chữa, nâng cấp.
Vào tháng 10-2017, chuẩn đô đốc Shen Hao của Hải quân Trung Quốc đã đến thăm Thái Lan và giám sát cuộc tập trận chung của 4 tàu với hơn 800 sĩ quan và binh sĩ.
Tại Campuchia, Trung Quốc đang tài trợ và giúp nâng cấp căn cứ hải quân Ream gần cảng Sihanoukville.
Vào tháng 7-2019, báo Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin Phnom Penh và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân Ream để đổi lại việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới tại căn cứ này.
Báo cáo này đã bị một số quan chức Campuchia phủ nhận kịch liệt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh sau đó đã thừa nhận Trung Quốc đang giúp xây dựng cơ sở hạ tầng trong và xung quanh căn cứ này, khẳng định sự hỗ trợ “không kèm theo ràng buộc nào”.
Hôm 21-1, dự án Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho biết các tàu nạo vét của Trung Quốc được phát hiện qua ảnh vệ tinh tại căn cứ Ream.
Họ lưu ý việc nạo vét như vậy là cần thiết để tạo ra một cảng nước sâu cho các tàu quân sự cập cảng, lớn hơn so với khả năng tiếp nhận của căn cứ hiện tại.
Trong khi Campuchia vẫn chưa được Trung Quốc cung cấp bất kỳ tàu ngầm nào, thì vào tháng 12-2021, Myanmar đã nhận một tàu ngầm Type-035 (lớp Minh) 2.100 tấn từ Trung Quốc.
Sự kiện này lan truyền trên mạng xã hội, với nhiều video cho thấy tàu ngầm này đang di chuyển trên sông Yangon và được hộ tống bởi tàu tấn công nhanh Type 5 của Hải quân Myanmar.
Theo Asia Times, các thương vụ tàu ngầm của Trung Quốc mang đến cho nước này một lý do mới để tiếp cận một loạt căn cứ trên khắp Ấn Độ Dương.
Trung Quốc không theo đuổi các căn cứ lâu dài, mà thay vào đó là một mạng lưới hậu cần hỗ trợ hạm đội của họ ở Ấn Độ Dương và hơn thế nữa.
Do đó, những lời đề nghị có vẻ hào phóng của Trung Quốc về tàu ngầm, đào tạo và bảo dưỡng đặt ra những nghi ngại nhất định với giới quan sát.
Như một nhà phân tích chiến lược ở Thái Lan bình luận: “Nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng hành động độc lập của chúng ta với tư cách là quốc gia có chủ quyền”.