Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga chuẩn bị những gì trước khi bị loại khỏi SWIFT?

Nga chuẩn bị những gì trước khi bị loại khỏi SWIFT?

Không chỉ là những bài kiểm tra “stress test” đối với hệ thống tài chính trước khi tiến hành hoạt động quân sự ở Ukraine, Nga dường như đã chuẩn bị cho viễn cảnh “không SWIFT” từ cách đây nhiều năm.

Nga chuẩn bị những gì trước khi bị loại khỏi SWIFT?

Như từng đề cập, Mỹ và các đồng minh phương Tây vừa tuyên bố sẽ ngắt kết nối một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Đây được coi là một “vũ khí hạt nhân tài chính” có sức ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Nga.

Việc một quốc gia bị loại khỏi hệ thống SWIFT không phải là điều chưa từng có tiền lệ. Biện pháp này từng được áp dụng với CHDCND Triều Tiên vào năm 2017 sau hàng loạt vụ thử tên lửa, hay Iran trong giai đoạn từ năm 2012 – 2016.

Đáng chú ý, biện pháp này cũng từng được cân nhắc áp dụng đối với Nga sau khi chính quyền của Tổng thống Putin sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Trước tình hình đó, ngân hàng trung ương (NHTƯ) Nga cũng bắt đầu phát triển một hệ thống riêng, thường gọi là SPFS.

SPFS có giúp Nga “sống khoẻ” mà không cần SWIFT?

Giao dịch đầu tiên trên mạng lưới SPFS được thực hiện vào tháng 12/2017. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của SPFS vẫn được cho là còn khá khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2020, hệ thống này mới chỉ có 400 định chế tài chính từ 23 quốc gia tham gia, trong khi SWIFT có sự kết nối với hơn 11.000 định chế tài chính ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nga cũng tìm cách mở rộng sự kết nối của SPFS đối với hệ thống thanh toán toàn cầu.

Theo tờ The Economic Times, năm 2019, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thực hiện nghiên cứu giải pháp thay thế cho cơ chế thanh toán SWIFT.

Cụ thể, hệ thống SPFS của Nga sẽ được kết nối với hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS (Cross-Border Inter-Bank Payments System) của Trung Quốc. Mặc dù Ấn Độ chưa có hệ thống nhắn tin tài chính trong nước, nhưng nước này có kế hoạch liên kết nền tảng của NHTƯ Nga với một dịch vụ đang được phát triển, nguồn tin nói với The Economic Times.

Tờ Deccan Herald đăng tải bài viết của Megha Pardhi – nhà phân tích của Chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại viện Takshashila, nói rằng việc bị loại khỏi SWIFT có thể khiến Bắc Kinh và Matxcơva đẩy nhanh việc phát triển các hệ thống thanh toán riêng.

Mặc dù SPFS và CIPS đều đang trong giai đoạn phát triển và chưa được chấp nhận rộng rãi như SWIFT, “nhưng điều đó cho thấy Matxcơva và Bắc Kinh thừa nhận sự cần thiết phải hợp tác với nhau trong bối cảnh có thể bị loại ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế”.

Các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) cũng được cho là nhằm tăng cường khả năng tạo thuận lợi cho các hoạt động thanh toán xuyên biên giới. Loại tiền này đã được thử nghiệm ở khoảng 10 khu vực của Trung Quốc và được triển khai ở Thế vận hội mùa đông vừa diễn ra.

Lưu ý rằng, tính đến năm 2020, khoảng 17,5% thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ (CNY), gia tăng đáng kể so với năm 2014.

Đáng chú ý, Gazprom Neft – nhà sản xuất dầu khí lớn thứ 3 của Nga, đã chuyển sang đồng CNY để giải quyết việc cung cấp nguyên liệu ở Trung Quốc. Đây là công ty Nga đầu tiên chuyển sang hình thức thanh toán dựa trên đồng CNY.

Ở chiều hướng ngược lại, các công ty tư nhân Trung Quốc cũng đang làm việc với các công ty Nga để xây dựng một hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Alipay – công ty con của Alibaba, được cho là đã hợp tác với gã khồng lồ internet VK của Nga để cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số cho người dùng Nga. Năm 2019, “Yandex.Checkout” – liên doanh giữa Sberbank và Yandex – trở thành nhà bán lẻ trực tuyến đầu tiên ở Nga chấp nhận WeChat Pay.

Theo The Moscow Times, trước khi thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Điện Kremlin đã tổ chức một loạt các cuộc kiểm tra sự ổn định và tính mạnh mẽ của hệ thống (stress test) để đánh giá xem các ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước sẽ hoạt động như thế nào nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh nhất, chẳng hạn như: cô lập hệ thống ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, cấm bán hàng do Mỹ sản xuất cho các công ty Nga.

Tờ The Bell dẫn lời các nguồn tin nói rằng, các bài “stress test” kiểm tra việc hoạt động của hệ thống khi bị ngắt kết nối khỏi SWIFT, và tác động của lệnh cấm cung cấp các thiết bị phần mềm, máy chủ, chíp và thiết bị công nghệ cao từ phương Tây.

“Về cơ sở hạ tầng, chúng tôi chỉ đang xem xét các nhà thầu Trung Quốc”, nguồn tin tại một trong những ngân hàng quốc doanh lớn của Nga nói với The Bell.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới