Bài viết là góc nhìn của Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN, chia sẻ với Trí Thức trẻ, về những diễn biến tiềm năng đằng sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga trên đất Ukraine.
Mặc dù Mỹ và phương Tây đã dự báo trước Nga sẽ tiến hành chiến dịch quân sự chống Ukraina, nhưng việc Nga động binh ngày 24/2 bằng “Chiến dịch quân sự đặc biệt”, rồi bất ngờ tấn công không chỉ khu vực miền Đông, mà toàn bộ lãnh thổ Ukraina đã khiến Mỹ và phương Tây bàng hoàng.
Đáng chú ý là phản ứng thống nhất, mạnh mẽ và chưa từng có của Mỹ, NATO và EU. Không chỉ dừng ở các đòn trừng phạt kinh tế và tài chính, Mỹ và NATO còn viện trợ ồ ạt các vũ khí chống tăng và phòng không hiện đại với quyết tâm kìm chân và làm suy yếu quân đội Nga bằng người Ukraina.
Chiến tranh càng kéo dài thì các bất lợi về mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự đối với Nga càng ngày càng tăng lên. Đó là lý do ngày 27/2, Tổng thống Putin lần đầu tiên trong lịch sử kích hoạt chế độ cảnh báo đặc biệt của lực lượng răn đe hạt nhân, với lời cảnh báo ngầm Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu không đạt được các mục tiêu chính trị và quân sự của mình là trung lập hóa và phi quân sự hóa Ukraina.
Phải còn rất lâu nữa sau cuộc chiến này, các vết thương trong lòng Ukraina, cũng như quan hệ giữa Nga với Ukraina, Mỹ và NATO mới có thể bình thường trở lại. Và giờ là lúc rút ra một số quan sát, nhận định từ cuộc chiến lớn và nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay:
Khi chiến tranh nổ ra, điều này đồng nghĩa với sự thất bại của các nỗ lực ngoại giao trước đó. Tuy nhiên, cánh cửa ngoại giao chưa bao giờ đóng đối với tất cả các bên tham chiến. Đàm phán để chấm dứt chiến tranh là điều quan trọng. Tuy nhiên điều quan trọng không kém là cần phải tìm ra một giải pháp ngoại giao để đảm bảo một nền an hòa bình, an ninh lâu dài và bền vững cho châu Âu.
Sau thời kỳ “hậu chiến tranh Ukraina”, Mỹ, NATO và EU sẽ không thể kéo dài lệnh trừng phạt Nga được mãi vì điều này sẽ gây ra các bất ổn kinh tế, an ninh tiềm tàng cho toàn bộ khu vực châu Âu. Muốn có được một nền hòa bình lâu dài cho châu lục này và trên thế giới thì các chủ thể liên quan, đặc biệt là Mỹ, NATO và Nga buộc phải ngồi lại với nhau để tìm ra một dàn xếp an ninh mới, trong đó phải tính đến các quan tâm và lợi ích an ninh của Nga.
Mặt khác, nếu Nga “thành công” trong việc vạch ra và “ấn định” được “lằn ranh đỏ” trong quan hệ quốc tế thì nhiều khả năng câu chuyện sẽ không dừng lại ở đây, mà sẽ được sử dụng là “bài học kinh nghiệm” để một số nước lớn khác “nghiên cứu” và áp dụng.
Trong cuộc chiến này không có kẻ thắng, người thua mà tất cả các nước liên quan đều phải gánh chịu hệ quả ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, Nga và Ukraina là những nước chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất từ “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông Putin. Sự tàn phá do cuộc chiến này gây ra, cộng với các tác động do lệnh cấm vận ngặt nghèo của Mỹ và phương Tây đối với Nga sẽ đẩy lùi sự phát triển và hội nhập của cả hai nước hàng chục năm.
Với một lệnh cấm vận “tương đối nhẹ nhàng” sau khi sáp nhập Crimea năm 2014, chỉ trong 8 năm, kinh tế Nga đã tụt dốc từ một nền kinh tế đứng thứ 8, xuống thứ 12 trên thế giới. Với các lệnh cấm vận mới này, nền kinh tế và vị thế của nước Nga chắc chắn sẽ sẽ bị thiệt hại lớn hơn nhiều.
Thế giới sẽ bước vào cuộc chạy đua vũ trang và tăng ngân sách quân sự lớn chưa từng thấy, trong đó tăng mạnh nhất sẽ là Mỹ, NATO, Nga, và khu vực Đông Á.
Chỉ tính riêng Đức, ngay khi cuộc chiến Ukraina đang diễn ra, nước Đức đã quyết định lập một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ USD để chi tiêu cho quốc phòng và tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên 2% tổng GDP.
Sau sự kiện Ukraina, các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa cũ, 3 nước Baltic, Phần Lần, Thụy Điển giờ đang đứng ngồi không yên, không chỉ vì họ có biên giới giáp với Nga, mà còn lo ngại về cách diễn giải mới về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và nhân chủng học… theo đó họ có thể bị xem đã từng là một phần của nước Đại Nga trong lịch sử.
Việc Nga, một cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, lần đầu tiên kích hoạt chế độ cảnh báo đặc biệt của lực lượng răn đe hạt nhân đang thực sự gây ra mối quan ngại đối với an ninh châu Âu và an ninh thế giới. Việc Nga phải dùng vũ khí hạt nhân để răn đe cho thấy nhiều khả năng Nga đang gặp khó khăn trên chiến trường. Và nếu chiến tranh càng kéo dài thì so sánh lực lượng trên chiến trường bằng vũ khí thông thường càng bất lợi cho Nga vì Ukraina nhận được sự trợ giúp ồ ạt các loại vũ khí hiện đại của phương Tây.
Đây là điều Mỹ và NATO không thể xem nhẹ và còn sớm phải cùng Nga bàn về các giải pháp xuống thang chiến tranh. Cuộc chiến đang diễn ra hiện nay cũng một phần nguyên do là các bên không hiểu nhau, và các quan ngại an ninh của Nga có phần bị xem nhẹ.
Khủng hoảng tại Ukraina sẽ không bó buộc hay làm phân tán các quan tâm an ninh của Mỹ ở các khu vực khác, đặc biệt là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Còn nhớ, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, mặc dù ưu tiên của Mỹ là đối phó với Liên Xô và an ninh của các đồng minh châu Âu, nhưng Mỹ vẫn can dự vào chiến tranh nóng ở Triều Tiên (1950 – 1953) ngay cả khi trước đó Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson phát biểu trong cuộc họp báo tại câu lạc bộ báo chí ở thủ đô Washington DC không liệt kê Bán đảo Triều Tiên nằm trong khu vực vành đai bảo vệ an ninh phía tây của nước Mỹ kéo dài từ Philippines qua đảo Đài Loan, đến quần đảo Nhật Bản, kéo dài qua quần đảo Aleutian, nối với Bán đảo Alaska.
Chừng nào phương Tây và thế giới chưa có nguồn năng lượng thay thế và vẫn còn lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, thì chừng đó nước Nga, với kho vũ khí hạt nhân lớn số 1 thế giới, cộng với đòn bẩy về năng lượng sẽ tiếp tục có đủ lực để chống lại hiệu quả các sức ép của Mỹ và phương Tây tại khu vực không gian hậu Xô Viết và các khu vực ngoại vi.
Câu chuyện chính hiện nay là khủng hoảng Ukraina và an ninh châu Âu, tuy nhiên, nếu bất ổn tiếp tục kéo dài thì cả thế giới, trong đó có Việt Nam, phải gánh chịu một loạt các tác động “phi quân sự”, chẳng hạn: (i) Giá xăng dầu neo cao; (ii) Giá cả một loạt các mặt hàng lương thực, thực phẩm đồng loạt tăng theo (Nga và Ukraina là các quốc gia xuất khẩu lúa mì, thực phẩm hàng đầu thế giới); (iii) Lạm phát leo thang khắp nơi, gần như không có ngoại lệ.
Việc đối phó cùng lúc với nhiều mối đe doạ an ninh, như ở châu Âu và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, không phải là điều quá mới đối với nước Mỹ. Từ khi trở thành cường quốc số 1 thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ vừa phải lo củng cố an ninh cho các đồng minh ở châu Âu, trong khi vẫn tham chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và đối phó với liên minh Trung – Xô (1950 – 1953).
Tuy đang bận tâm với vấn đề an ninh châu Âu, khủng hoảng Ukraina, nhưng chính quyền Biden vẫn quan tâm đến ưu tiên số 1 trong chiến lược quốc gia của mình, đó là Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngày 11/2 vừa qua, đúng lúc khủng hoảng Ukraina đang diễn ra hết sức căng thẳng thì Chính quyền Biden đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với 5 ưu tiên gồm: (i) Duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở; (ii) Kết nối; (iii) Thịnh vượng; (iv) Hòa bình và an ninh; và (v) Củng cố sự tự cường khu vực.
Và cũng lần đầu tiên, đi kèm với chiến lược mới này, chính quyền Biden công bố Chương trình hành động gồm 6 điểm, trong đó nhấn mạnh đến vai trò ASEAN, Nhóm bộ tứ, các công cụ ngoại giao và các đòn bẩy kinh tế. Điều này cho thấy Mỹ không vì vấn đề an ninh châu Âu mà sao nhãng quan tâm của Mỹ tại địa bàn ưu tiên số 1 và có tầm quan trọng đặc biệt đối với vị thế và tương lai của nước Mỹ là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
T.P