Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ gặp khó khi Nga công nhận độc lập cho đông Ukraine

TQ gặp khó khi Nga công nhận độc lập cho đông Ukraine

Trong khi hầu hết các nhà ngoại giao tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ trích Mátxcơva leo thang căng thẳng với Ukraine, đại sứ Trung Quốc thận trọng không đề cập đến Nga.

“Tất cả các bên liên quan cần kiềm chế và tránh bất kỳ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng”, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân nói trong tuyên bố dài 6 dòng tại cuộc họp cuối ngày 21/2. “Tình hình hiện nay ở Ukraine là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp. Trung Quốc luôn đưa ra lập trường của mình, tuỳ theo tính chất của từng vấn đề”, ông Trương Quân nói.

Phát biểu ngắn gọn lần này trái ngược tuyên bố chung rất dài được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng này. Sau cuộc gặp đó, Bắc Kinh ủng hộ Mátxcơva đòi hỏi sự bảo đảm an ninh mang tính ràng buộc từ Mỹ và NATO trong cuộc đối đầu ở Ukraine.

Nhưng giờ đây, Trung Quốc thể hiện quan điểm thận trọng hơn. Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh tôn trọng “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine”, đồng thời cũng chỉ trích phương Tây “gây hoảng sợ”.

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập cho 2 khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, ông Vương Nghị thúc giục các bên bảo vệ các nguyên tắc của hiến chương Liên Hợp Quốc khi điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân sau đó kêu gọi các bên liên quan “xuống thang thông qua đàm phán và đối thoại”.

“Trung Quốc sẽ phải thận trọng trong cuộc khủng hoảng này. Họ sẽ tránh công khai chỉ trích các hành động của Nga ở Ukraine, trong khi vẫn khẳng định ủng hộ các nguyên tắc về toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp. Tình hình Ukraine càng nóng thì Bắc Kinh càng khó xử”, Noah Barkin, một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ châu Âu – Trung Quốc tại hãng nghiên cứu Rhodium Group (tại Mỹ), nói với Bloomberg.

Theo bà Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall, Bắc Kinh đang thể hiện rằng họ không muốn liên quan trực tiếp đến các bước đi của Mátxcơva. “Làm như vậy sẽ phải hứng tổn thất lớn trong quan hệ với Mỹ và châu Âu”, bà Glaser nói.

Ngày 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nợ nước ngoài và giới tinh hoa của Nga, cảnh báo sẽ trừng phạt thêm nếu Mátxcơva tiến sâu hơn nữa. Trước đó, Nhà Trắng cảnh báo Bắc Kinh rằng xung đột giữa Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng đến các lợi ích của Trung Quốc trên khắp thế giới.

Giới quan sát cho rằng mối quan tâm lớn của Trung Quốc là ổn định trong một năm nhạy cảm về chính trị. Cuối năm nay, ông Tập dự kiến sẽ được bầu lãnh đạo nhiệm kỳ 3 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành đại hội.

Giá dầu thô đã tiệm cận cận mức 100 USD/thùng, và các biện pháp trừng phạt Nga sẽ càng khiến giá dầu tăng thêm nữa. Trung Quốc là nước nhập khẩu các mặt hàng cơ bản nhiều nhất thế giới, trong khi Nga là nước xuất khẩu lớn về dầu khí, nhôm và lúa mì.

“Bắc Kinh không muốn thấy giá dầu lên 100 USD/thùng, bất kỳ tác động nào từ các biện pháp trừng phạt thứ cấp hay quan hệ xấu đi với các đối tác thương mại chính ở châu Âu”, Christian Le Miere, sáng lập viên hãng tư vấn chiến lược Arcipel, nhận định.

Vấn đề Đài Loan

Bắc Kinh cũng không muốn thể hiện sự ủng hộ đối với các phong trào ly khai. Chính phủ Trung Quốc lâu nay vẫn đổ lỗi cho Mỹ kích động bất ổn ở những nơi như Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, và thường xuyên kêu gọi phương Tây tránh ủng hộ những người muốn độc lập ở đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Tình hình ở Ukraine tạo ra tiền lệ có thể bất lợi cho yêu sách của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan, nơi đang được quản lý bởi một chính quyền riêng biệt. Việc Mátxcơva công nhận độc lập cho miền đông Ukraine có thể trở thành tiền lệ để các nước phương Tây công nhận độc lập cho đảo Đài Loan (Trung Quốc), PGS Chong Ja Ian, công tác tại ĐHQG Singapore, nhận định.

“Những bước đi và tuyên bố của Nga có thể tạo ra tình thế bất lợi cho Trung Quốc. Bắc Kinh có vẻ rất thận trọng khi đề cập đến những vấn đề này, thay vào đó là nhấn mạnh hoà bình”, PGS Chong nói.

Theo GS Shi Yinhong, công tác tại ĐH Nhân dân Bắc Kinh, việc Ngoại trưởng Trung Quốc ủng hộ chủ quyền của Ukraine cho thấy Bắc Kinh đang “dè dặt” trước những bước đi của ông Putin. Ông Shi cho rằng Trung Quốc sẽ không công khai chỉ trích Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới