Kinh tế TP.HCM dần hồi phục, trở lại vị thế dẫn đầu so với cả nước, doanh nghiệp đang từng bước gượng dậy sau khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Báo cáo tại cuộc họp chiều 4/3, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM (KH&ĐT) Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thực hiện chủ trương năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”; Tiếp tục triển khai “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”, mở rộng đối tượng quản lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19 trên 18 tuổi; Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu COVID-19 cũng được UBND TP HCM ban hành nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thành phố.
Hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng mùa xuân do Bộ Y tế phát động, đầu năm 2022, TPHCM đã tổ chức tiêm vắc xin xuyên Tết tại 36 điểm tiêm cố định, tiêm cho khoảng 13.000 người dân đang sinh sống trên địa bàn Thành phố. Lũy kế đến nay đã thực hiện hơn 20 triệu mũi (hơn 8,1 triệu mũi 1, hơn 7,3 triệu mũi 3, hơn 0,674 triệu mũi bổ sung và hơn 4 triệu mũi nhắc lại).
Sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, ngày 14/2/2022, học sinh TP.HCM đã đồng loạt trở lại trường học. Hiện nay, các trường học đang linh hoạt chuyển đổi việc dạy và học trực tiếp, duy trì nhiều mô hình đứng lớp trước bối cảnh F0 tại trường học gia tăng.
Với các biện pháp điều hành kinh tế và phòng chống dịch hiệu quả, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trên các lĩnh vực.
Về dịch vụ – du lịch – ngân hàng: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2 ước đạt khoảng 89.093 tỷ đồng, cao hơn 0,4% so với tháng trước và tăng 0,9% so cùng kỳ. Số liệu 2 tháng đầu năm cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 177.803 tỷ đồng.
Hoạt động du lịch có tổng doanh thu trong tháng ước đạt 3.212 tỷ đồng, giảm 51,34% so với cùng kỳ. TPHCM tiếp tục triển khai thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch. Từ ngày 15/3, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch bằng cả đường hàng không, đường bộ, đường biển. TPHCM là một trong 7 địa phương được thí điểm đón khách du lịch quốc tế, mang đến nhiều hy vọng cho việc phục hồi du lịch TP.
Hoạt động ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.169.000 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 0,81% so với cuối năm 2021; Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 2.934.300 tỷ đồng, tăng 1,0% so với cuối tháng trước và tăng 3,54% so với cuối năm 2021.
Về lĩnh vực công nghiệp, TP xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục có xu hướng chuyển biến tích cực.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2/2022 ước giảm 2,4% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số trên tăng 2,1% so với cùng kỳ. Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tính chung 2 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ.
Cũng theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới. Dù vậy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố đạt được nhiều khởi sắc. 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP ước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 9,95 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, lũy kế từ đầu năm đến nay TPHCM đã giải quyết việc làm cho 54.950 lượt người (đạt 18,31% kế hoạch năm) và tạo ra 24.988 chỗ việc làm mới (đạt 17,85% kế hoạch năm). So với cùng kỳ năm 2021, số lao động dược giải quyết việc làm trong tháng tăng 793 lượt người (tăng 0,26%); chỗ việc làm mới tăng 208 (tăng 0,15%).
Ước tính tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) thực hiện là 88.044,567 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ. Bao gồm, thu nội địa đạt 25,75% dự toán, tăng 19,07% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15,88% dự toán, tăng 1,35% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 5.787,566 tỷ đồng, đạt 5,81% dự toán, giảm 39,62% so với cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 11,82% dự toán, tăng 1,80% so với cùng kỳ.
Đánh giá công tác thu ngân sách trên địa bàn, Giám đốc Sở Tài Chính TP Phạm Thị Hồng Hà cho hay, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022 – 2025, TP đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khắc phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Hiện tại, TP.HCM tập trung và đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, linh hoạt, thích ứng an toàn trong tình hình mới, nhất là “chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ”, tiêm vắc xin và phân phối thuốc điều trị COVID-19. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, công khai, truyền thông để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình.
Trên lĩnh vực doanh nghiệp – kinh doanh và tài chính, xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2020- 2030” năm 2022. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong nông nghiệp. Tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; triển khai thực hiện hiệu qủa chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 và lớp 12 cấp Thành phố; tổ chức thi giáo viên giỏi và giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi giáo dục thường xuyên, học sinh giỏi giáo dục thường xuyên Thành phố. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại.
T.P