Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao các đồng minh Arab của Mỹ không lên án Nga...

Vì sao các đồng minh Arab của Mỹ không lên án Nga tấn công Ukraine?

Các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông không hề lên tiếng chỉ trích Nga tấn công Ukraine, thay vào đó là các kêu gọi kiềm chế, giải quyết xung đột bằng đối thoại theo đúng trạng thái “quốc gia trung lập”.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết ề chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine do Mỹ và Albania đồng soạn thảo.

Phiếu trắng bất ngờ

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã gây bất ngờ cho các đồng minh phương Tây khi bỏ phiếu trắng với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án Nga tấn công Ukraine do Mỹ soạn thảo.

Động thái này giống như một tuyên bố trung lập từ một trong những đồng minh Trung Đông thân cận nhất của Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine đang gây phân cực trong cộng đồng quốc tế.

Cố vấn của Tổng thống UAE – ông Anwar Gargash cho biết: “Ưu tiên của UAE là khuyến khích tất cả các bên sử dụng biện pháp ngoại giao và đàm phán để tìm ra một giải pháp chính trị cho tình hình Ukraine”.

Cuộc chiến ở Ukraine xảy ra chưa đầy hai tháng sau khi UAE chính thức đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2022-2023. Quốc gia vùng Vịnh đang thúc đẩy chính sách đối ngoại đang thay đổi của mình ra trường quốc tế, theo đó, cố gắng đan xen mối quan hệ giữa các đồng minh truyền thống và quan hệ với các đối tác đang phát triển.

Điều này đồng nghĩa với việc phương Tây không hề dễ dàng tìm được sự ủng hộ của các đồng minh Arab trong việc lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine.

Đến đầu tuần qua, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, Thái tử tiểu vương Abu Dhabi của UAE đã kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine theo hướng đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia của tất cả các bên. Nội dung điện đàm cũng đề cập hợp tác năng lượng giữa UAE và Nga.

Một số quốc gia Arab khác cũng không lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Trong đó, Saudi Arabia coi Nga là đối tác chính trong liên minh OPEC + để điều phối sản lượng dầu, theo đó, quốc gia giàu mỏ này tuyên bố ủng hộ các nỗ lực giảm leo thang ở Ukraine.

Liên đoàn Arab hồi đầu tuần có thông cáo chung kêu gọi giảm leo thang và kiềm chế trong chiến sự tại Ukraine.

Ông Abdulkhaleq Abdulla, một giáo sư khoa học chính trị tại UAE nhận định: “Chúng tôi có quan hệ tuyệt vời với Mỹ, nhưng không có nghĩa là chúng tôi nhận lệnh từ Washington. Chúng tôi phải làm những việc phù hợp với chiến lược và ưu tiên của riêng mình”.

Các nước Arab tìm thấy ở Nga điều Mỹ không có

UAE đã có động thái mở đường rõ ràng cho một chính sách đối ngoại độc lập trong bối cảnh Abu Dhabi thất vọng với cách xử lý của chính quyền Tổng thống Biden đối với các vấn đề có ý nghĩa đối với quốc gia vùng Vịnh này. Trong đó, phải kể đến việc ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã loại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. Và chưa đầy một năm sau, Houthi đã bắt đầu một chiến dịch tấn công chí mạng vào Abu Dhabi. Dù Mỹ đã cam kết tăng cường hỗ trợ khả năng phòng thủ của UAE, nhưng Abu Dhabi muốn Mỹ đưa Houthi trở lại danh sách khủng bố.

Đến tháng 12/2021, UAE đã đình chỉ các cuộc đàm phán về thỏa thuận mua máy bay chiến đấu F-35 trị giá 23 tỷ USD với Mỹ. Chỉ sau đó một tháng (1/2022), UAE thông báo đã lần đầu tiên mua máy bay chiến đấu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, quan hệ Abu Dhabi với Moscow ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Cách đây hơn 2 năm, Thái tử tiểu vương Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan đã chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Abu Dhabi bằng một buổi lễ lớn. Thái tử tiểu vương Abu Dhabi đã mô tả Nga là “quê hương thứ hai” của mình và cùng Tổng thống Putin chứng kiến lễ ký kết một loạt 6 bản thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD trên các lĩnh vực bao gồm năng lượng, giao thông, văn hóa, công nghệ cao và y tế.

Báo chí địa phương gọi đây là sự khởi đầu của một “mối quan hệ đặc biệt”. Tờ The National của Abu Dhabi thời điểm đó đưa tin: “Rõ ràng là hai nhà lãnh đạo có mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ”.

Trong khi đó, lần duy nhất một Tổng thống Mỹ đến thăm UAE là cách đây 14 năm, khi George W. Bush đang là ông chủ Nhà Trắng.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, thương mại giữa UAE và Nga dù ở mức khiêm tốn nhưng đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1997. Với tư cách là nhà sản xuất dầu đứng thứ ba và thứ bảy trên thế giới, Nga và UAE điều phối các chính sách sản lượng dầu thô trong khuôn khổ liên minh OPEC +. UAE cũng phụ thuộc nhiều vào khách du lịch Nga và ngược lại Nga đã trở thành thị trường lớn thứ hai của ngành du lịch của UAE trong năm 2021.

Ngoài quan hệ về năng lượng và thương mại. Nga cũng là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất cho UAE trong năm 2021, với khoảng 50% thị phần.

Song cũng có ý kiến cho rằng, trạng thái trung lập này có thể không bền vững nếu xung đột kéo dài. “Có thể duy trì sự trạng thái trung lập ở thời điểm này… nhưng không phải trong tương lai gần khi diễn biến tình hình leo thang”, ông Nasser al-Shaikh, Cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Tài chính Dubai nhận định.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới