Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiXung đột Nga - Ukraine và phép thử với QUAD

Xung đột Nga – Ukraine và phép thử với QUAD

Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khi căng thẳng chiến sự Nga-Ukraine chưa hạ nhiệt, hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ được kỳ vọng sẽ đưa ra những cam kết mới nhằm thúc đẩy hợp tác và tăng cường vai trò của các bên trong việc duy trì hoà bình và ổn định.

Hội nghị được tổ chức sớm hơn dự kiến 2 tháng?

Trên thực tế, đây chỉ là một cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo nhóm Bộ Tứ và hội nghị thượng đỉnh của nhóm này vẫn diễn ra vào tháng 5 tại Nhật Bản. Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, các bên đã ra thông báo chung, tái khẳng định cam kết đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất các nước được tôn trọng và là nơi các nước không phải chịu cưỡng ép quân sự, kinh tế và chính trị.

Lãnh đạo các nước cũng thảo luận cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine đồng thời đánh giá những ảnh hưởng của tình hình tại Ukraine. Các bên cũng thống nhất thiết lập một cơ chế mới về giảm nhẹ thiên tai và trợ giúp nhân đạo nhằm giúp nhóm Bộ Tứ đối phó với những thách thức nhân đạo trong tương lai ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đồng thời cung cấp một kênh liên lạc trong bối cảnh mỗi nước có các cách thức riêng để ứng phó và xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraine.   

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Nga vẫn đang tiếp tục các hoạt động quân sự tại Ukraine và Mỹ đang tập hợp các đồng minh và đối tác nhằm thống nhất và phối hợp các biện pháp trừng phạt Nga và nhằm cô lập nước này trong khi Nhật Bản, Australia và Ấn Độ là những đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cuộc họp này được tổ chức sau khi Hội đồng bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp quốc bỏ phiếu về nghị quyết lên án hành động quân sự của Nga tại Ukraine và Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong khi Mỹ cùng Australia và Nhật Bản bỏ phiếu ủng hộ. Ngoài ra, một ngày trước khi hội nghị này diễn ra thì Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đây là cuộc điện đàm thứ hai sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Có thể thấy, thông qua cuộc gặp lần này, Mỹ muốn có một lời giải thích rõ ràng từ Ấn Độ về lập trường của nước này đối với hành động quân sự của Nga ở Ukraine, đồng thời sẽ vận động và thuyết phục Ấn Độ tham gia các nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm trừng phạt và cô lập Nga. Đây cũng là dịp để Mỹ tiếp tục tham vấn với các đồng minh thân cận để phối hợp xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine.   

Lá phiếu trắng của Ấn Độ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Thực ra, không phải tới phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 1/3, Ấn Độ mới đưa ra quan điểm chính thức và khá nhất quán về tình hình Ukraine. Trong các cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong phát ngôn của lãnh đạo và quan chức ngoại giao Ấn Độ đều khẳng định quan điểm khá cân bằng, trung lập. Ấn Độ không lên án Nga, không kêu gọi việc áp đặt cấm vận Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.

New Delhi khẳng định cách tiếp cận vào lúc này là giảm leo thang, giảm xung đột, quay trở lại bàn đàm phán. Ngoại giao là lựa chọn duy nhất. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có 2 cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky, trong đó nhà lãnh đạo Ấn Độ nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức và quay trở lại bàn đối thoại.

Ông Modi cho rằng rằng sự khác biệt giữa Nga và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại trung thực và chân thành. Phát biểu trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bàn về diễn biến tại Ukraine ngày 21/2, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc Tirumurti cũng đã nhấn mạnh quan điểm này. Ông Tirumurti cho rằng thế giới không thể để xảy ra một cuộc xung đột nào khác. Ấn Độ, với tư cách là thành viên không thường trực HĐBA LHQ, cũng khẳng định tất cả các bên cần thiết phải thực hiện các biện pháp kiềm chế tối đa và tăng cường các nỗ lực ngoại giao để đảm bảo một giải pháp hòa giải. Thông điệp của Ấn Độ, theo tôi, rất rõ ràng ở đây, các bên cần kiềm chế, dừng xung đột, trở lại bàn đàm phán.

Bài toán cân bằng vai trò các đồng minh Bộ Tứ

Ấn Độ đã được đánh giá là thành viên kém “nhiệt thành” nhất trong Nhóm Bộ Tứ và sự ra đời của AUKUS sẽ càng khiến Ấn Độ tỏ ra thận trọng hơn khi tham gia vào các hoạt động của Nhóm Bộ Tứ.

Những ngày qua, Mỹ đã tập hợp, hối thúc các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hà khắc đối với hàng loạt thực thể và cá nhân Nga nhằm khiến Moscow phải chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine và rút quân đội về nước. Mỹ cũng yêu cầu tất cả các nước tuân thủ nghiêm những biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Tại phiên điều trần trước tiểu ban trực thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 2/3, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam Á Donald Lu, cho biết Chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc mức độ đe dọa từ mối quan hệ quân sự mật thiết giữa Ấn Độ và Nga đối với an ninh của Mỹ. Theo ông Donald Lu, đây là vấn đề lớn phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng và Nhà Trắng đang xem xét một vấn đề lớn hơn, đó là có nên áp đặt Ấn Độ theo Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) hay miễn trừ biện pháp trừng phạt đó hay không.

Ông Donald Lu tiết lộ, Chính quyền Tổng thống Biden đã tham gia vào một “cuộc chiến căng thẳng” với giới chức Ấn Độ từ vài tháng qua, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Blinken và các quan chức cấp cao khác trong Bộ Ngoại giao kêu gọi New Delhi thực thi một lập trường rõ ràng hơn trong việc phản đối hành động của Nga. Phía Mỹ đánh giá, việc Ấn Độ bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine và cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine là những “bước đi đầy hứa hẹn”, một sự thay đổi lập trường công khai của New Delhi đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Để thuyết phục Ấn Độ tham gia sâu hơn vào các chiến lược, sáng kiến và cấu trúc an ninh khu vực, trong đó có Nhóm Bộ tứ, nhiều khả năng Washington sẽ tạm thời miễn trừng phạt New Delhi theo CAATSA.

Tính toán của Ấn Độ

Những phản ứng trước các diễn biến tại Ukraine của Ấn Độ xét một cách toàn diện cho thấy sự trung lập và cân bằng trong đường lối đối ngoại của nước này. Nó cho thấy sự tỉnh táo và linh hoạt trong phản ứng vào thời điểm mà rất nhiều bên chờ đợi vào thái độ của New Delhi. Nhìn tổng thể, có thể thấy Ấn Độ đang có cách tiếp cận khá thực tế. Nước này muốn tận dụng mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác lớn để phục vụ sự phát triển của mình, phục vụ mục tiêu an ninh quốc gia của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, Ấn Độ sẵn sàng thể hiện quan điểm độc lập. Điều này đã được Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla tuyên bố hôm 1/3 rằng, cách tiếp cận của Ấn Độ trong vấn đề Ukraine đã được cân nhắc kỹ và phục vụ tối đa cho lợi ích của đất nước.

Sự trung lập trong chính sách đối ngoại, không tham gia vào các liên minh quân sự, ủng hộ hòa bình và các biện pháp đối thoại luôn là nền tảng ngoại giao của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua. Đã từng có nhiều quan điểm nghi ngờ rằng chính quyền hiện tại ở Ấn Độ đang dần xa rời các định hướng này khi tham gia vào nhóm Đối thoại Bốn bên về An ninh (QUAD), thực dụng hơn khi siết chặt quan hệ với phương Tây.

Có người còn so sánh QUAD như là NATO của châu Á khi không ngừng củng cố các liên kết an ninh, quân sự để ngăn chặn quyền lực ngày càng lớn của Trung Quốc trong hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, với diễn biến này, Ấn Độ cho thấy họ vẫn duy trì sự độc lập tương đối về chính sách đối ngoại, cũng như cách xử lý các vấn đề dựa trên quan điểm và lợi ích riêng; không cho rằng đây là đòn bẩy để Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng trong QUAD. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã đặt ra thách thức đối với nội bộ QUAD. Nó như một bài kiểm tra xem liệu 4 quốc gia được coi là ‘đồng chí hướng’ này có sẵn sàng để đi xa hơn khỏi các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay không

RELATED ARTICLES

Tin mới