Ukraine nuôi tham vọng gia nhập NATO từ năm 2008, nhưng mong muốn đó vẫn là giấc mơ xa vời ngay cả trước khi căng thẳng với Nga leo thang thành xung đột.
14 NĂM NUÔI MỘNG GIA NHẬP NATO
Năm 2008, các lãnh đạo NATO hứa hẹn với Ukraine rằng quốc gia này một ngày nào đó sẽ có cơ hội gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt. Lời hứa hẹn này đã nhen nhóm hy vọng cho Ukraine với mong muốn xích lại gần phương Tây, xa rời vùng ảnh hưởng của Nga. Nếu Ukraine gia nhập NATO, liên minh này có nghĩa vụ bảo vệ họ trước bất cứ cuộc tấn công nào, nghĩa là, nếu Nga phát động một cuộc chiến với Ukraine thì toàn bộ NATO phải cùng tham chiến.
Đầu năm 2014, một cuộc nổi dậy nổ ra ở Ukraine để phản đối xu hướng thân Nga của chính quyền cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, sau khi ông từ chối một thỏa thuận lớn với Liên minh châu Âu (EU). Phong trào nổi dậy đã khiến ông Yanukovych bị phế truất và phải sống lưu vong. Cuộc nổi dậy ở Ukraine được cho là lý do chính khiến Nga quyết định sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn phe ly khai ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Bất chấp điều này, Ukraine vẫn không từ bỏ giấc mộng gia nhập NATO. Thậm chí, vào năm 2019, Ukraine đã đưa quyết tâm gia nhập các tổ chức phương Tây vào hiến pháp. “Ukraine sẽ gia nhập EU, Ukraine sẽ gia nhập NATO”, Chủ tịch Hạ viện Ukraine Andriy Parubiy thời điểm đó tuyên bố.
Chỉ đến gần đây khi Nga triển khai chiến dịch tấn công quân sự trên lãnh thổ Ukraine, Kiev dường như nhận ra giấc mơ đó ngày càng xa vời. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã liên tục kêu gọi Mỹ và các nước thành viên NATO hỗ trợ lập vùng cấm bay và nhanh chóng kết nạp nước này trở thành thành viên. Tuy nhiên, những đề xuất đó đã nhanh chóng bị bác bỏ. Mỹ và NATO từ chối lập vùng cấm bay, từ chối điều lực lượng đến Ukraine tham chiến để chống lại Nga.
Giới chức Mỹ và châu Âu một mặt không chấp thuận yêu cầu của Nga về việc cam kết không kết nạp Ukraine, nhưng mặt khác họ thừa nhận chưa có kế hoạch sớm đưa Ukraine trở thành thành viên của liên minh.
Tổng thống Zelensky đã liên tục chỉ trích NATO, cho rằng các nước châu Âu sợ ủng hộ Ukraine gia nhập NATO và Kiev đã bị bỏ rơi trong cuộc đối đầu với Nga.
“Ai sẵn sàng đảm bảo Ukraine trở thành thành viên NATO? Thành thật mà nói, ai cũng sợ. Tôi đã hỏi tất cả các nước đối tác xem họ có đứng về phía chúng ta không? Họ đứng về phía chúng ta, nhưng không sẵn sàng kết nạp chúng ta vào cùng liên minh với họ… Chúng ta đã bị bỏ lại một mình trong cuộc chiến bảo vệ đất nước”, ông Zelensky phát biểu một ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Mới đây, nhà lãnh đạo Ukraine cũng tuyên bố, ông không còn “mặn mà” với việc gia nhập NATO sau khi nhận ra liên minh này không sẵn sàng kết nạp Ukraine.
VÌ SAO GIẤC MỘNG VẪN XA VỜI?
Theo giới chuyên gia, có nhiều lý do cả khách quan và chủ quan khiến Ukraine đến nay vẫn chưa thể gia nhập NATO.
Thứ nhất, Mỹ chưa sẵn sàng mở rộng các cam kết quân sự của liên minh do nước này dẫn dắt.
Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã thành công trong việc hối thúc NATO kết nạp Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc trở thành thành viên vào cuối những năm 1990. Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi đó là thành viên đứng đầu đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đánh giá rằng việc biến các cựu thù trong Chiến tranh Lạnh thành đồng minh sẽ là “khởi đầu của 50 năm hòa bình mới” cho châu Âu. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, sau hai thập niên chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, sự hăng hái của ông Biden đối với việc mở rộng NATO đã giảm đi đáng kể.
Hồi tháng 6/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các thượng nghị sĩ rằng Mỹ “ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine trong NATO”. Trong khi đó, Tổng thống Biden lại tỏ ra khá thận trọng trong các bình luận công khai của mình về việc kết nạp Ukraine vào NATO.
Ngay cả vào thời điểm năm 2014 khi Nga vừa sáp nhập bán đảo Crimea, ông Biden lúc đó là Phó tổng thống Mỹ đã tuyên bố thẳng thắn với giới chức Ukraine trong chuyến thăm nước này rằng, những hỗ trợ quân sự từ Mỹ nếu có cũng sẽ rất hạn chế vì Washington không còn tư duy theo kiểu Chiến tranh lạnh nữa và lợi ích của Mỹ không còn bị Nga ảnh hưởng quá nhiều như trong quá khứ.
Thứ hai, về chủ quan, Ukraine đến nay vẫn chưa gia nhập NATO chính là sự do dự của chính quyền nước này.
Giới lãnh đạo Ukraine không phải lúc nào cũng quyết liệt với kế hoạch gia nhập NATO. Cựu Tổng thống Viktor Yushchenko muốn gia nhập liên minh này nhưng người dân Ukraine ngày càng ngần ngại sau những diễn biến ở Gruzia. Người kế nhiệm của ông, cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, thậm chí đã chuyển hướng việc tham gia NATO, thay vào đó tìm cách thúc đẩy mối quan hệ thân thiết hơn với Nga. Hiện nay tâm lý muốn gia nhập NATO ở Ukraine đang gia tăng nhưng kế hoạch này của Kiev vẫn vướng quá nhiều rào cản, trong đó có việc Ukraine chưa đáp ứng các tiêu chí thành viên.
Quốc gia muốn gia nhập NATO phải đáp ứng các tiêu chuẩn chính trị, kinh tế và quân sự nhất định. Theo đó, các thành viên của NATO phải đề cao dân chủ, bao gồm cả việc chấp nhận sự đa dạng, phải tiến bộ theo hướng kinh tế thị trường. Ngoài ra, lực lượng quân sự của các thành viên phải nằm dưới sự kiểm soát dân sự vững chắc.
Trong khi giới lãnh đạo Ukraine khẳng định họ đã đáp ứng được các tiêu chí này thì Mỹ và châu Âu không có chung nhận định đó. Trong một phân tích năm 2020, Tổ chức Minh Bạch Quốc tế – một tổ chức giám sát chống tham nhũng đã xếp Ukraine ở vị trí 117 trong số 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng, thấp hơn tất cả các nước thành viên NATO.
Một số quan chức phương Tây cũng đặt câu hỏi về việc liệu Ukraine có thể đáp ứng tiêu chí đóng góp vào khả năng phòng thủ tập thể của NATO hay không.
“Có những bước đi mà Ukraine cần thực hiện, đó là nỗ lực thúc đẩy hệ thống luật pháp, hiện đại hóa ngành quốc phòng và mở rộng sự tăng trưởng kinh tế”, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki từng nhấn mạnh.
Thứ ba, NATO không có ý định kết nạp Ukraine ít nhất vào thời điểm này do lo ngại xung đột trực tiếp với Nga.
Nga đã nhiều lần khẳng định, Moscow coi việc Ukraine hoặc Gruzia gia nhập NATO là một “lằn ranh đỏ”, nếu điều đó xảy ra, phương Tây sẽ phải đối mặt những hậu quả nghiêm trọng. Nga nắm trong tay một loại “vũ khí địa chính trị” có thể làm giảm sự mặn mà của phương Tây với kế hoạch kết nạp Ukraine hay Gruzia, đó chính là dầu mỏ và khí đốt.
Với những nước phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga như Đức và một số thành viên NATO, họ không hề mong muốn một cuộc xung đột với Nga.
Vì lý do đó, Ukraine gần như không thể đáp ứng tiêu chí quan trọng để gia nhập NATO, đó là sự tán thành của tất cả 30 nước thành viên. Trên thực tế, việc thông qua tư cách thành viên của một quốc gia trong NATO yêu cầu sự nhất trí tuyệt đối, tức là chỉ cần một thành viên không tán thành thì thỏa thuận sẽ không thể thông qua.
UKRAINE MẮC KẸT GIỮA NGA VÀ NATO
Trong khi giấc mơ gia nhập NATO ngày càng xa vời, Ukraine lại “mắc kẹt” trong cuộc đối đầu giữa Nga và NATO.
Chính sách mở rộng phía Đông (hay Đông tiến) của NATO đang đặt ra những thách thức cấp bách với Nga khi tầm ảnh hưởng của liên minh quân sự này đã lan đến cả những “vùng đệm” của Moscow.
Năm 1999, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc gia nhập NATO. Đến năm 2004, đến lượt Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia và Slovenia, Albania, Croatia, và Bắc Macedonia cũng tìm đến sự bảo vệ của NATO. Trong vòng 20 năm, Nga đã chứng kiến 14 nước từng trong trường ảnh hưởng của mình nhiều thập kỷ, lần lượt gia nhập NATO ở các mức độ khác nhau. Đến khi NATO hứa hẹn kết nạp Ukraine – quốc gia có chung đường biên giới với Nga – Moscow cho rằng đây là “lằn ranh đỏ” mà phương Tây không nên vượt qua.
Mary Sarotte, nhà sử học về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, nhận định: “Chính sách mở cánh cửa gia nhập NATO đã làm gia tăng căng thẳng với Nga vốn đã lên đến đỉnh điểm. Tôi tin rằng, Nga thực sự không hài lòng với trật tự thế giới hậu Chiến tranh lạnh”.
Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, cho rằng việc hứa hẹn kết nạp Ukraine và Gruzia là “một sai lầm thực sự”. “Nó khiến người Nga tức giận, đồng thời tạo ra những kỳ vọng ở Ukraine và Gruzia mà sau đó không được đáp ứng. Nó chỉ khiến cho toàn bộ vấn đề về mở rộng liên minh trở nên phức tạp”, ông Pifer nói.
Theo giới quan sát chính trị, Nga không chỉ đang tìm cách ngăn Ukraine gia nhập NATO mà còn muốn tách quốc gia láng giềng này khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây.
Chiến dịch quân sự mà Nga đang tiến hành ở Ukraine được coi là một trong những bước đi như vậy. Trước khi khai hỏa trên lãnh thổ Ukraine, Nga đã nhiều lần nhấn mạnh đến yêu cầu Mỹ và NATO phải đưa ra các cam kết an ninh, trong đó NATO phải cam kết ngừng mở rộng về phía Đông, không kết nạp Ukraine, không triển khai vũ khí gần biên giới Nga. Moscow cũng tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Ukraine đảm bảo trạng thái trung lập và đưa ra một số cam kết khác.
Những đề xuất của Nga không được phương Tây chấp thuận và Ukraine một lần nữa “mắc kẹt” giữa cuộc đối đầu Nga – NATO ngay cả khi giấc mơ gia nhập liên minh quân sự vẫn xa vời.
T.P