Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóng“Đòn pháp lý” phủ đầu trong năm 2022 của Washington đối với...

“Đòn pháp lý” phủ đầu trong năm 2022 của Washington đối với Bắc Kinh ở Biển Đông

Việc Washington đưa ra “đòn pháp lý” đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông ngay trong những ngày đầu năm 2022 là bước kế thừa và phát triển các quan điểm pháp lý đã được Mỹ đưa ra trước đây. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cục diện Biển Đông trong thời gian tới, chúng ta cùng phân tích để thấy rõ.

Ngày 05/12/2014, Washington lần đầu tiên chính thức công bố một văn kiện phân tích cặn kẽ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông trong bản đồ “đường 9 đoạn” và nêu bật các tính chất mơ hồ, phi lý và phi pháp của các yêu sách. Vụ Các vấn đề Đại dương, Môi trường và Khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo số 143 về các Ranh giới trên biển (Limits in the Seas) mang tựa đề: Trung Quốc Yêu sách trên Biển Đông (China Maritime Claims in the South China Sea).

Báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc đã không làm rõ bằng luật lệ, tuyên cáo, hoặc văn kiện chính thức nào khác các cơ sở hay bản chất pháp lý của các yêu sách liên quan đến tấm bản đồ “đường 9 đoạn”. Báo cáo nhấn mạnh “đường 9 đoạn” được vẽ ra một cách lung tung và không nhất quán; đồng thời khẳng định không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử trong “đường 9 đoạn”. Điểm đáng chú ý là Báo cáo này được Washington đưa ra vào lúc vụ Philippines kiện yêu sách “đường 9 đoạn” Trung Quốc ở Biển Đông chuẩn bị bước vào giai đoạn tranh tụng.

Tiếp đó, đầu tháng 6/2020, Mỹ gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và ngày 13/7/2020, trưởng Ngoại trưởng Mỹ ra Tuyên bố chính thức về lập trường pháp lý về các tranh chấp ở Biển Đông. Theo đó, bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và phản đối các hành động bắt nạt cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ven Biển Đông; yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài.

Việc Mỹ gửi công hàm lên Liên hợp quốc (6/2020) và ra Tuyên bố chính thức về lập trường pháp lý trên vấn đề Biển Đông (7/2020) đã tạo ra hiệu ứng “Domino”, kéo theo một loạt nước đồng minh của Mỹ như Úc, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản và New Zealand tham gia vào cuộc chiến pháp lý, gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong gần 1 năm cầm quyền của chính quyền Tổng thống Biden, Washington liên tiếp lên tiếng ở các cấp và có các hành động phản đối các yêu sách và hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mới đây nhất, hôm 12/01/2022, Vụ Các vấn đề Đại dương, Môi trường và Khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo mang tựa đề “Ranh giới trên biển (Limits in the Seas)” số 150, kèm theo tựa “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Các yêu sách hàng hải tại Biển Đông” (gọi tắt là Báo cáo 150). Trong thông cáo báo chí giới thiệu về Báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết là công trình nghiên cứu dài 47 trang này đã kết luận rằng Trung Quốc đang “khẳng định những yêu sách chủ quyền phi pháp trên đa phần Biển Đông, kể cả một yêu sách lịch sử phi pháp”.

Thông cáo nhắc lại rằng bản nghiên cứu mới này dựa trên một phân tích năm 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ về các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh bên trong “đường 9 đoạn” mơ hồ ở Biển Đông. Kể từ năm 2014, Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với một vùng rộng lớn trên Biển Đông cũng như tại những nơi mà Trung Quốc gọi là “vùng nội thủy” và “quần đảo xa”, và tất cả các yêu sách đó đều không phù hợp với luật pháp quốc tế như được thấy trong UNCLOS 1982.

Thông cáo nhấn mạnh: “Với việc công bố bản nghiên cứu mới nhất này, Mỹ một lần nữa kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa điều chỉnh các yêu sách hàng hải của mình sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế như đã được phản ánh trong UNCLOS 1982, tuân thủ phán quyết về Biển Đông ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài, và chấm dứt các hoạt động cưỡng chế và trái pháp luật trên Biển Đông”.

Theo Báo cáo 150, Bắc Kinh đã có đến 4 bốn loại yêu sách chủ quyền khác nhau trên Biển Đông, nhưng tất cả đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là:

Thứ nhất, các yêu sách liên quan đến các thực thể trên biển (maritime features). Báo cáo chỉ ra rằng, Trung Quốc đòi “chủ quyền” đối với hơn một trăm thực thể ở Biển Đông, những bãi cạn hay rạn san hô vốn chìm dưới mặt biển khi thủy triều lên cao và nằm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào. Trên bình diện pháp lý, những yêu sách như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đó các thực thể nửa chìm nửa nổi không thể là đối tượng của một yêu sách chủ quyền hợp pháp hoặc không có khả năng tạo ra các vùng biển từ lãnh hải cho tới vùng đặc quyền kinh tế.

Thứ hai, loại yêu sách liên quan đến các đường cơ sở thẳng. Bắc Kinh đã vạch ra “đường cơ sở thẳng” xung quanh quần đảo Hoàng Sa và đang mưu toan vẽ “đường cơ sở thẳng” quần đảo Trường Sa, thậm chí đòi hỏi yêu sách theo “đường 9 đoạn” bao quanh các đảo, vùng biển và các thực thể chìm bên trong một không gian đại dương rộng lớn ở Biển Đông.
Báo cáo mới của Mỹ khẳng định, không một nhóm nào trong số 4 “nhóm đảo” mà Trung Quốc đòi yêu sách chủ quyền ở Biển Đông (quần đảo Đông Sa (đảo Pratas), quần đảo “Tây Sa” (tức là Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa (bãi Macclesfield), và quần đảo “Nam Sa” (tức là Trường Sa) đáp ứng được các tiêu chí địa lý cho việc sử dụng các đường cơ sở thẳng theo UNCLOS 1982. Ngoài ra, không có một tập quán pháp lý quốc tế riêng biệt nào biện minh cho quan điểm của Trung Quốc, theo đó nước này có thể xác định các đường cơ sở thẳng bao quanh các nhóm đảo.

Thứ ba, yêu sách về các vùng biển. Trung Quốc đòi hỏi các yêu sách chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên việc coi mỗi nhóm đảo trên Biển Đông mà nước này tự nhận chủ quyền là “một thực thể đơn nhất”.

Báo cáo 150 nhấn mạnh rằng yêu sách về các vùng biển nói trên của Bắc Kinh không được luật pháp quốc tế cho phép. Phạm vi của các vùng biển phải được đo từ các đường cơ sở được thiết lập hợp pháp, thường là ngấn nước dọc theo bờ biển lúc thủy triều thấp. Ngoài ra, trong các vùng biển mà họ tự cho là thuộc chủ quyền của mình, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều yêu sách về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thứ tư, yêu sách về các quyền lịch sử, Trung Quốc luôn nói rằng họ có “quyền lịch sử” ở Biển Đông. Theo Báo cáo, những tuyên bố về quyền lịch sử này “không có cơ sở pháp lý” và Trung Quốc không đưa ra được chi tiết cụ thể để chứng minh cho đòi hỏi vô lý này của họ.

Quan điểm của Mỹ bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông cũng không khác gì phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, đã cho rằng các yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc bên trong “đường 9 đoạn” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Tóm lại, Báo cáo 150 khẳng định “yêu sách chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông là phi pháp”; nhấn mạnh “những tuyên bố sai lệch của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền trên các đại dương và nhiều quy định được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế được nêu tại UNCLOS 1982”; đưa ra kết luận Trung Quốc không có cơ sở nào theo luật pháp quốc tế cho yêu sách mà Bắc Kinh đưa ra để chồng lên vùng biển của Philippines, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác; lên án những hành vi “đơn phương o ép láng giềng ở Biển Đông” của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh “chấm dứt các hoạt động trái pháp luật và cưỡng chế ở Biển Đông”.

Với những phân tích cụ thể, lập luận sắc bén dựa trên căn cứ pháp lý trong quy định của luật pháp quốc tế, Báo cáo 150 đã làm rõ thêm lập trường pháp lý của Mỹ trên các vấn đề liên quan ở Biển Đông, theo đó Washington bác bỏ hầu như toàn bộ các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Điều này cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden không chỉ tiếp tục duy trì quan điểm của chính quyền tiền nhiệm về vấn đề Biển Đông mà còn nâng nó lên một cấp độ cao hơn, mạnh mẽ hơn trên khía cạnh pháp lý và có ý nghĩa quan trọng đối với cục diện Biển Đông trong thời gian tới:

Một là, từ thời điểm này, theo cách nhìn nhận của Washington thì toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc trong phạm vi nước này yêu sách ở Biển Đông đều phi pháp và vô hiệu trước luật pháp quốc tế. So với Báo cáo 143 năm 2014 và công hàm hay Tuyên bố năm 2020 của Mỹ thì Báo cáo 150 cụ thể hóa thêm một bước các vấn đề pháp lý liên quan ở Biển Đông trên cơ sở kế thừa những văn kiện trước và căn cứ pháp lý trong phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài. Giới phân tích cho rằng đây có thể là bước chuẩn bị về mặt pháp lý cho các bước đi tiếp theo của Mỹ để hỗ trợ các nước nhỏ ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Hai là, tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến pháp lý xung quanh vấn đề Biển Đông. Nếu như Báo cáo 143 năm 2014 giúp cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về yêu sách theo “đường chín đoạn” của Trung Quốc dưới góc độ luật pháp quốc tế; công hàm và Tuyên bố của Mỹ năm 2020 tạo ra làn sóng với việc một loạt nước gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông thì việc Mỹ công bố Báo cáo 150 có thể trở thành “cú hích mới” thúc đẩy thêm một bước cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông.

Ba là, Báo cáo 150 có ý nghĩa khích lệ đối với việc hình thành nhóm 5 nước liên quan trực tiếp tới Biển Đông (gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunei) đang được nhen nhóm hình thành từ cuối năm 2021 khi Indonesia đứng ra mời 4 nước còn lại tham gia một cuộc họp để trao đổi về cách ứng phó với sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo cáo 150 được công bố vào thời điểm này được coi là sự hậu thuẫn về mặt pháp lý cho nhóm 5 nước dễ dàng có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.

Bắc Kinh hết sức tức tối trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo 150, khẳng định chủ quyền hàng hải của Trung Quốc ở hầu hết Biển Đông là bất hợp pháp. Ngày 13/01, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lên tiếng chỉ trích Mỹ đang tìm cách bóp méo luật pháp quốc tế và gieo rắc bất hòa ở các khu vực xung quanh Biển Đông; cho rằng Mỹ chưa tham gia UNCLOS nên “không có quyền phán xét”. Phát biểu của ông Uông Văn Bân càng làm cho dư luận thấy rõ bản chất ngang ngược của Bắc Kinh bởi mặc dù là thành viên của UNCLOS, nhưng chính Trung Quốc là kẻ đang cố tình diễn giải tùy tiện UNCLOS vì mưu đồ bành trướng của họ ở Biển Đông và dùng tiêu chuẩn kép để thao túng nước ven Biển Đông nhỏ bé, phá hoại luật pháp quốc tế. Cho dù chưa tham gia UNCLOS, song Mỹ hoàn toàn có thể bày tỏ quan điểm pháp lý của mình ở Biển Đông, phù hợp với UNCLOS bởi đây là “Hiến pháp đại dương” mà tất cả các quốc gia lớn nhỏ là thành viên hay không đều áp dụng.

Sơn Hà

RELATED ARTICLES

Tin mới