Tham vọng của Trung Quốc với dự án “Con đường Tơ lụa” tại Bắc Cực được dự đoán sẽ bị tác động không nhỏ do chiến sự căng thẳng ở Ukraine.
SCMP dẫn lời các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc phải thận trọng trong việc điều hướng hợp tác giữa Bắc Cực với Nga khi chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine làm gián đoạn hợp tác quốc tế ở khu vực này và khiến các hoạt động của Hội đồng Bắc Cực bị “đóng băng”.
Bảy trong số tám thành viên Hội đồng Bắc Cực đã tuyên bố tẩy chay các cuộc họp, bao gồm cả các cuộc đàm phán sắp tới ở Nga, quốc gia hiện nắm ghế chủ tịch luân phiên.
Mỹ, Canada, Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Na Uy và Thụy Điển đã ra tuyên bố chung hôm 3/3, trong đó đặt câu hỏi về tương lai của diễn đàn liên chính phủ hàng đầu cho các quốc gia Bắc Cực.
Được thành lập vào năm 1996, Hội đồng Bắc Cực tạo điều kiện hợp tác, cộng tác và tương tác trong các vấn đề ảnh hưởng đến vùng cực Bắc, bao gồm quản lý tài nguyên, bảo tồn, ô nhiễm cũng như tác động của biến đổi khí hậu làm tan chảy các chỏm băng ở vùng cực.
Trung Quốc không phải là quốc gia ở Bắc Cực nhưng đóng vai trò quan sát viên cùng 12 quốc gia khác. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường hợp tác trong khu vực với đối tác chiến lược Nga, khi băng tan mở ra các tuyến vận tải biển mới mà Trung Quốc gọi là “Con đường Tơ lụa” ở Bắc Cực.
Bị phủ bóng bởi chiến sự Ukraine
SCMP dẫn lời Phó giáo sư Marc Lanteigne tại Đại học Tromso ở Na Uy, mặc dù Nga cho biết sẽ vẫn tổ chức các sự kiện, nhưng việc các nước trong Hội đồng Bắc Cực tẩy chay sẽ phủ bóng lên sự hợp tác khu vực giữa các chính phủ thuộc và không thuộc Bắc Cực.
“Chúng ta đang chứng kiến một danh sách ngày càng tăng về các mối nguy hiểm đối với môi trường ở Bắc Cực như nhiệt độ tăng cao, mất lớp băng vĩnh cửu và cháy rừng ở các vĩ độ cao hơn”, ông Lanteigne cho biết.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây hiện nay làm dấy lên lo ngại sẽ kích hoạt sự gia tăng hiện diện quân sự ở Bắc Cực.
Hôm 14/3, NATO cho biết khoảng 30.000 binh sĩ từ 27 quốc gia, bao gồm các đối tác thân thiết và các thành viên hội đồng như Phần Lan và Thụy Điển, đang tham gia cuộc tập trận mùa đông khắc nghiệt Cold Response 2022 do Na Uy dẫn đầu, mà theo thường lệ diễn ra 6 tháng một lần. Không giống những năm trước, Nga đã từ chối cử quan sát viên tập trận lần này.
Cùng ngày, Canada và Mỹ tuyên bố khởi động một chiến dịch phòng không ở Bắc Cực thuộc Canada, nhằm kiểm tra năng lực “phản ứng với máy bay và tên lửa hành trình” vốn có thể đe dọa Bắc Mỹ.
Cả hai cuộc tập trận đều là những sự kiện được lên kế hoạch từ trước và không liên quan đến diễn biến ở Ukraine, nhưng vẫn mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh địa chính trị hiện tại.
Nga, hiện nắm ghế Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực đến năm 2023, cũng đang tìm cách phục hồi hợp tác an ninh với các nước phương Tây ở vùng cực. Điều đó sẽ bao gồm các cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng Bắc Cực và Hội nghị Bàn tròn Lực lượng An ninh Bắc Cực, đã bị tạm dừng hoặc không có sự tham dự của Nga kể từ khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cấp cao Zhao Long tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (SIIS) trực thuộc chính phủ, không có nhiều kỳ vọng cho những hội nghị này.
Nhưng vấn đề là Hội đồng Bắc Cực sẽ khó tiếp tục hoạt động nếu không có sự tham gia của Nga, quốc gia có đường bờ biển Bắc Cực lớn nhất và là trung tâm của nhiều sáng kiến khu vực, bao gồm ngoại giao môi trường và khoa học.
Nga kiểm soát hơn một nửa đường bờ biển Bắc Băng Dương và khoảng 2 triệu công dân của nước này sống trong khu vực này, hoặc khoảng một nửa tổng số người sống ở vùng cực bắc, theo Arctic Institute, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.
Chuyên gia Zhao nói: “Thật khó nếu không có Nga. Không có Nga, rất khó để Hội đồng Bắc Cực hoạt động”.
Lo ngại của Trung Quốc
Giống nhiều quốc gia khác không thuộc Bắc Cực, Trung Quốc đã tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong các hoạt động quản lý Bắc Cực thông qua hội đồng và tuyên bố mình là một “quốc gia cận Bắc Cực” hồi năm 2018.
Là nền kinh tế số 2 thế giới, nước này cũng đang tìm kiếm các cơ hội phát triển kinh tế ở khu vực giàu tài nguyên do biến đổi khí hậu gây ra.
Khái niệm “Con đường Tơ lụa ở Bắc Cực” của Trung Quốc liên quan đến việc tạo ra các tuyến vận chuyển hàng hóa mới nối Đông Á, Tây Âu và Bắc Mỹ qua Vòng Bắc Cực. Nó cũng bao gồm các nỗ lực khai thác tài nguyên, môi trường và khoa học.
Khái niệm này đã được nêu bật trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Bắc Kinh được đưa ra vào năm ngoái và là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá nghìn tỷ USD nhằm mở rộng ảnh hưởng thông qua đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu.
Bà Xu Qingchao, một phó giáo sư của Đại học Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết việc tạm thời đóng băng các hoạt động của Hội đồng Bắc Cực sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược Bắc Cực của Trung Quốc. Với tư cách là một quan sát viên, Trung Quốc không có vai trò thực chất nào trong quá trình ra quyết định của hội đồng, bà lưu ý.
Tuy nhiên, chuyên gia Zhao tại SIIS cho rằng, sự hợp tác của Trung Quốc với Nga ở Bắc Cực sẽ bị giám sát chặt chẽ do các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây nhằm vào Moscow.
Các chương trình nghiên cứu khoa học chung có thể bị hoãn lại, trong khi dự án nhà máy Yamal LNG ở miền bắc nước Nga, khoảng 30% trong số đó thuộc sở hữu của Trung Quốc, có thể bị gián đoạn.
Chuyên gia Lukin lại cho rằng, cuộc xung đột tại Ukraine sẽ tăng cường sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực.
“Hiện Nga gần như bị cắt đứt hoàn toàn khỏi nguồn vốn và công nghệ của phương Tây, và vì vậy việc hợp tác với Trung Quốc là rõ ràng nếu muốn tiến hành các kế hoạch phát triển lớn ở Bắc Cực, thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, đặc biệt là vào cơ sở hạ tầng giao thông, khai thác tài nguyên và quản trị”, ông Lukin nhấn mạnh. Nga vẫn là một đối tác lý tưởng đối với Trung Quốc, ông nói thêm.