Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, hiện Việt Nam đang miễn thị thực cho 104 quốc gia theo các điều ước quốc tế, song phương “có đi có lại” hoặc đơn phương.
Ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, cho biết đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc áp dụng có đi có lại miễn thị thực với 91 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang triển khai chính sách miễn thị thực đơn phương với 13 quốc gia bao gồm Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ai -len, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus.
Ngoài ra, các quan chức Ban thư ký ASEAN cũng được miễn thị thực ASEAN theo diện này.
Giải thích về lý do Việt Nam chỉ miễn thị thực trong thời gian 15 ngày, bà Hằng cho hay, điều này được quy định theo Điều 31 luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi 2019).
“Để có thể cư trú với thời hạn hơn 15 ngày, công dân các nước có thể làm thủ tục đề nghị cấp thị thực du lịch với thời hạn lên đến 90 ngày hoặc thị thực điện tử với thời hạn 30 ngày. Các thủ tục cấp thị thực cho người nước ngoài được triển khai rất thuận lợi, nhanh chóng”, bà Hằng nhấn mạnh.
Về hướng mở rộng chính sách miễn thị thực, bà Hằng thông tin, Bộ Ngoại giao đã và đang tích cực trao đổi với phía nước ngoài về các phương án tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho công dân nước ngoài và công dân Việt Nam, trong đó có các quy định về miễn thị thực song phương.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng chính sách xuất nhập cảnh phù hợp đối với các đối tác trong khuôn khổ quan hệ song phương, đa phương và tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu các đề xuất liên quan đến lĩnh vực này để báo cáo cấp có thẩm quyền trong dịp sửa đổi hay thay thế luật hiện hành.
Cũng theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bên cạnh việc đơn giản hoá thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch, để thực sự thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững ngành du lịch, các cơ quan chức năng và địa phương liên quan cần chú trọng hơn nữa việc phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đa dạng hoá và tạo điểm nhấn tại các địa điểm du lịch trọng tâm, tăng cường truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam, đặc biệt là trên nền tảng công nghệ thông tin.
Trước đó, có ý kiến cho rằng, các công ty lữ hành cùng nhiều chuyên gia cho rằng “cánh cửa” miễn thị thực vẫn còn quá hẹp, chưa thực sự cạnh tranh và thu hút khách du lịch khi số lượng quốc gia, vùng lãnh thổ được Việt Nam miễn thị thực là ít, thời gian 15 ngày cũng là quá ngắn so với các nước trong khu vực cũng như xu hướng khách du lịch hiện nay (du lịch trên 15 ngày).