Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnBí ẩn dòng tiền ‘ma’ và những dự án sai phạm của...

Bí ẩn dòng tiền ‘ma’ và những dự án sai phạm của Tân Hoàng Minh

Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng các công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Lực lượng C03 Bộ Công an khám xét trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội tối 5.4; (Ảnh nhỏ): Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn.

Chiều tối ngày 5.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – C03) Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Anh Dũng, 61 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh), để điều tra tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điều 174, bộ luật Hình sự.

Trong tối qua, C03 đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở và cũng là nơi làm việc của bị can Đỗ Anh Dũng và một số bị can trong vụ án tại tòa nhà Tân Hoàng Minh, số 24 Quang Trung, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội.

Huy động 10.300 tỉ đồng trái pháp luật

Bước đầu C03 cho biết trong thời gian từ tháng 7.2021 đến tháng 3.2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Cũng theo C03, để đảm bảo hoạt động bình thường của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị can Đỗ Anh Dũng trước khi bị bắt đã ủy quyền cho con trai thứ 2 là Đỗ Hoàng Minh điều hành tập đoàn. Ông Minh trước đó là Phó tổng giám đốc của tập đoàn này.

Trước đó, từ chiều 4.4, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã công bố thông tin hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Theo đó, 3 công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, gồm Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông và Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng từ tháng 7.2021 đến tháng 3.2022. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ.

C03 xác minh 11 dự án của Tân Hoàng Minh

Trước đó, vào đầu tháng 1, C03 đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và các sở, ngành liên quan đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu về các dự án do Tập đoàn Tân Hoàng Minh thực hiện tại Hà Nội. Có 11 dự án nằm trong diện xác minh được nêu rõ, gồm: D’.Le Pont D’ or Hoàng Cầu; D’. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên; D’.San Raffles Hàng Bài; D’. El Dorado I Phú Thượng; D’. Le Roi Soleil Quảng An, Tây Hồ; Tân Hoàng Minh Lò Đúc…

Liên quan hoạt động của Tân Hoàng Minh, năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng từng ban hành kết luận thanh tra 3 dự án vi phạm trong quá trình triển khai xây dựng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội gồm D’.Le Pont D’ or Hoàng Cầu, D’. Palais Louis và D’. Le Roi Soleil Quảng An. Các vi phạm chính gồm: dự toán xây dựng công trình chưa đúng mẫu quy định trước khi phê duyệt; một số gói thầu, cán bộ tư vấn giám sát không thực hiện giám sát theo đề cương đã được chủ đầu tư chấp thuận và quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng…

Tân Hoàng Minh và cá nhân ông Đỗ Anh Dũng được biết đến là đại gia trong ngành bất động sản khi sở hữu nhiều lô đất vàng tại Hà Nội và TP.HCM. Trong nhiều năm qua, các dự án bất động sản của Tập đoàn Tân Hoàng Minh luôn được quảng bá nằm trong phân khúc giới nhà giàu, không chỉ bởi nằm ở vị trí đắc địa mà còn có thiết kế và trang bị xa xỉ. Tuy nhiên, ông Dũng và Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng gắn liền với không ít tai tiếng khi nhiều dự án đều chậm tiến độ, bị nhà đầu tư khách hàng khiếu nại.

Một trong những dự án “dính” trái phiếu huy động trái pháp luật đã bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước hủy đợt phát hành, là dự án phía nam đường Đại Cồ Việt nằm ở góc đường Đại Cồ Việt – Trần Đại Nghĩa – Tạ Quang Bửu. Dự án này được UBND TP.Hà Nội phê duyệt vào năm 2002, giao cho CTCP tu tạo và phát triển nhà làm chủ đầu tư. Năm 2016, dự án có chủ đầu tư mới là Công ty TNHH đầu tư và phát triển Nam Đại Cồ Việt, thành lập năm 2016. Ngày 20.9.2021, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt phát hành 19 triệu trái phiếu với tổng giá trị 1.900 tỉ đồng, lãi suất cố định 11,5%/năm, cho toàn bộ các kỳ thanh toán, nhằm góp vốn hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh dự án đầu tư xây dựng dải đất phía nam đường Đại Cồ Việt để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình 2 tòa nhà chức năng văn phòng và chức năng hỗn hợp (thuộc Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội). Hiện trên khu đất dự án có 2 công trình cao tầng được hoàn thành, trong đó tòa nhà 4A ở góc đường Đại Cồ Việt – Tạ Quang Bửu vừa được xây mới, đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng.

Tại TP.HCM, ngoài vụ xin hủy cọc trúng giá đất Thủ Thiêm sau khi đẩy giá lên đến gần 2,5 tỉ đồng/m2 gây ồn ào, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng dính lùm xùm với vụ hủy kết quả đấu giá “đất vàng” 23 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM. Năm 2015, Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng thầu lô đất 3.000 m2 với giá cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm. Sau đó, Tân Hoàng Minh đề nghị hủy kết quả vì cho rằng đơn vị tổ chức có sai phạm về bước giá. Đến tháng 6.2016, doanh nghiệp này lại đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên. Ngoài số tiền trúng đấu giá, Tân Hoàng Minh phải nộp thêm 260 tỉ đồng tiền phạt. Tập đoàn này cho hay đến quý 3/2017 sẽ khởi công xây khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ. Nhưng sau đó việc khởi công không được thực hiện và đến năm 2019 thì mảnh đất này được chuyển nhượng cho Techcombank…

“Dòng tiền ma” trong những lô trái phiếu ngàn tỉ

Sau những dự án tai tiếng, Tân Hoàng Minh còn dồn lực để làm Siêu dự án phức hợp du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí tại Nam Phú Quốc. Tổ hợp quần thể du lịch Tân Hoàng Minh dự kiến xây dựng trên quy mô hơn 34 ha với vị trí hiếm có khi nằm tại Bãi Trường – bãi biển đẹp nhất Phú Quốc, sở hữu không gian kiến trúc đặc biệt, đầy đủ các dịch vụ đẳng cấp 5 sao với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 24.000 tỉ đồng. Đây là dự án mà Tân Hoàng Minh đã liên tiếp huy động hơn 2.000 tỉ đồng trái phiếu. Số trái phiếu này sau đó đã bị Ủy ban Chứng khoán hủy giao dịch.

Tân Hoàng Minh theo giới thiệu có vốn điều lệ 10.000 tỉ đồng, trong đó ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT, đang sở hữu 51,48%. Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Tân Hoàng Minh khoảng 20.051 tỉ đồng. Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn 2016 – 2020, Tân Hoàng Minh đem về gần 4.200 tỉ đồng, song thua lỗ hơn 1.800 tỉ đồng.

Đáng chú ý, 3 công ty vệ tinh của Tân Hoàng Minh được lập ra với rất nhiều bí ẩn trong kinh doanh và dòng tiền. Theo tìm hiểu, đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của Ngôi Sao Việt là 1.600 tỷ đồng, trong đó, ông Lê Mạnh Dũng nắm 80,729% và Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc nắm 19,271% còn lại.

Trong đó, Hoàng Hải Phú Quốc có vốn điều lệ gần 882 tỷ đồng, do ông Đỗ Hoàng Việt (con trai thứ 2 của ông Đỗ Anh Dũng) làm chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật. Ông Việt cũng là phó tổng giám đốc phụ trách Trung tâm đấu thầu; Trung tâm tài chính kế toán Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông cũng là một trong 6 bị can bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố cùng với ông Dũng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngôi Sao Việt hiện là công ty con lớn nhất trong hệ sinh thái của Tân Hoàng Minh với tổng tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng tài sản công ty này biến động rất mạnh trong giai đoạn 2016-2020, thời điểm xây dựng và mở bán dự án D’.Capitale.

Cụ thể, năm 2016, tổng tài sản của công ty này là 8.310 tỷ đồng và tăng vọt lên mức 16.131 tỷ chỉ một năm sau đó (2017). Giá trị tài sản doanh nghiệp những năm tiếp theo đạt lần lượt 17.313 tỷ (năm 2018); 8.301 tỷ (năm 2019) và 7.605 tỷ đồng (năm 2020).

Dù sở hữu tổng tài sản trên dưới chục nghìn tỷ, nhưng phần lớn số này lại được cấu thành từ các khoản nợ phải trả.

Năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty này là hơn 1.900 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên tới trên 6.400 tỷ đồng, tương đương hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 3,4 lần. Khoản nợ phải trả thời điểm này cũng chiếm gần 80% tổng tài sản công ty.

Đến năm 2020, trong số 7.605 tỷ đồng tổng tài sản thì nợ phải trả của Ngôi Sao Việt cũng là hơn 6.800 tỷ, vốn chủ sở hữu chỉ là hơn 800 tỷ đồng, tương đương hệ số nợ/vốn chủ ở mức 8,4 lần. Mức rất cao so với cơ cấu tài chính của một doanh nghiệp bất động sản.

Cũng trong giai đoạn này, kết quả kinh doanh của Ngôi Sao Việt tương đối trồi sụt. Sau giai đoạn 2016-2017 không ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán hàng, đến năm 2018, công ty ghi nhận 80,3 tỷ đồng doanh thu, nhưng chịu lỗ 10 tỷ đồng.

Doanh thu công ty tăng đột biến lên 10.036 tỷ đồng trong năm 2019 sau đó cùng với khoản lãi sau thuế kỷ lục 271 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, doanh thu của công ty này đã giảm mạnh về 783 tỷ đồng cùng khoản lỗ ròng hơn 1.000 tỷ.

Tính trong 5 năm giai đoạn này, Ngôi Sao Việt ghi nhận gần 11.000 tỷ đồng doanh thu nhưng lại lỗ lũy kế hơn 700 tỷ. Đây cũng là nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2020 của doanh nghiệp chỉ còn gần 804 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.902 tỷ năm trước đó.

Cũng sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng là Công ty Soleil, chủ đầu tư Dự án D’. Le Roi Soleil Quảng An tại số 2 Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ, Hà Nội). Đến cuối năm 2020, công ty có tổng tài sản 6.255 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 281 tỷ đồng, còn lại hơn 5.974 tỷ là nợ phải trả. Như vậy, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Soleil lên tới 21,2 lần.

Tương tự Ngôi Sao Việt, năm kinh doanh hiệu quả nhất của Soleil cũng là 2019 với 2.595 tỷ đồng doanh thu và 71,5 tỷ đồng lãi trước thuế. Các năm còn lại, công ty này chủ yếu thua lỗ. Riêng năm 2020, công ty ghi nhận 318 tỷ đồng doanh thu nhưng lỗ ròng 135 tỷ.

Tính trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu lũy kế của công ty này là 2.900 tỷ, nhưng lại lỗ sau thuế hơn 128 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp có quy mô tài sản nhỏ nhất nhóm nhưng Cung Điện Mùa Đông, chủ đầu tư dự án D’. El Dorado I, lại là công ty phát hành trái phiếu lớn nhất giai đoạn tháng 7/2021-3/2022 của Tân Hoàng Minh.

Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong nửa năm trở lại đây, Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 3 lô trái phiếu và huy động 3.680 tỷ đồng, cao nhất trong số 3 công ty khiến ông chủ tập đoàn bị khởi tố.

Tuy nhiên, tương tự 2 công ty trên, chủ đầu tư này cũng sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao với tỷ lệ nợ/vốn chủ ở mức 6,3 lần vào cuối năm 2020.

Cụ thể, tổng tài sản đến cuối năm 2020 của Cung Điện Mùa Đông là 2.177 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả chiếm hơn 86%, tương đương 1.879 tỷ, vốn chủ sở hữu chỉ là 298 tỷ đồng.

Tương tự Soleil, Cung Điện Mùa Đông cũng chưa ghi nhận doanh thu bán hàng giai đoạn 2016-2018. Đến năm 2019, công ty này đạt 1.141 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế gần 77 tỷ đồng. Khoản doanh thu đã giảm mạnh trong năm tiếp theo còn 113 tỷ và lợi nhuận giảm về 4,3 tỷ đồng.

Việc 3 công ty này làm ăn thua lỗ nhưng vẫn phát hành trái phiếu hơn 10.000 tỉ đồng đang là những vấn đề báo động với các nhà đầu tư. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các tổ chức kiểm toán, định giá; các ngân hàng và các cơ quan quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới