Monday, January 27, 2025
Trang chủQuân sựĐổi kế hoạch B, Nga tính toán "chiến thắng" đúng ngày 9/5:...

Đổi kế hoạch B, Nga tính toán “chiến thắng” đúng ngày 9/5: Điều dữ dội đang chờ Ukraine?

Ngay cả khi kế hoạch B này gặp phải sự phản kháng lớn từ Ukraine, Nga vẫn có nhiều mục tiêu dễ đạt được. Ít nhất sẽ có một “chiến thắng” vào Ngày Chiến thắng?

Chiến thắng mang tính biểu tượng

Ngay khi Nga chuyển hướng trọng tâm chiến dịch quân sự ở Ukraine theo hướng khác, đã có những suy đoán về hình hài “kế hoạch B” của Moscow sẽ được triển khai như thế nào trong thời gian tới.

Ngay cả khi kế hoạch B này gặp phải sự phản kháng lớn từ Ukraine, Nga vẫn có nhiều mục tiêu dễ đạt được. AFP suy đoán, điều đầu tiên Moscow muốn lúc này là sẽ một “chiến thắng” ít nhất là mang tính biểu tượng đúng vào thời điểm đặc biệt.

Theo đó, Tổng thống Vladimir Putin sẽ muốn tuyên bố một số thành công vào ngày 9/5 khi Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng.

“Tổng thống Putin luôn ưa thích những ngày tháng mang tính biểu tượng và mang tính chất lịch sử nên ông rất cần một phác hoạ chiến thắng trước ngày 9/5”, Alexander Grinberg, nhà phân tích tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem (JISS) cho biết.

Sergei Karaganov, chủ tịch danh dự Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Moscow, đồng thời là cựu cố vấn của Điện Kremlin, cũng đồng quan điểm, Nga “không thể để thua nên chúng tôi cần một chiến thắng”.

Trong lúc lực lượng Nga dường như đang rút khỏi Kiev và các khu vực khác ở phía bắc, Nga đã không thực hiện động thái tương tự quanh thành phố Mariupol ở phía đông nam, nơi bị bao vây trong nhiều tuần trước.

Việc chiếm giữ Mariupol sẽ là một bước đi quan trọng của Nga trong việc thực hiện mục tiêu rõ ràng là mở hành lang trên bộ nối liền bán đảo Crimea. “Sẽ có giao tranh dữ dội cho đến khi quân kháng cự Ukraine phải rút khỏi Mariupol”, Grinberg nói.

Ở phía bắc có hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk, vì vậy việc chiếm thành phố này sẽ giúp Moscow kiểm soát một vùng lãnh thổ ở phía đông Ukraine.

Với Mariupol, các lực lượng Nga có thể “đi lên phía bắc để nắm bắt phần còn lại của Donbass và duy trì kiểm soát phía nam của Ukraine và bờ Biển Azov”, Pierre Razoux, chuyên gia tại Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải, nói với AFP.

Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết: “Chiến dịch còn lâu mới kết thúc và Nga vẫn có thể xoay chuyển tình thế nếu quân đội nước này tiến hành một chiến dịch thành công ở miền đông Ukraine”.

Kéo dài thời gian và gây chia rẽ

Cuối tuần trước, Nga đã tiến hành không kích vào cảng phía Tây Odessa, trong khi các nguồn phương Tây chưa bao giờ loại trừ một cuộc tấn công đổ bộ vào thành phố này, dù cho kịch bản đó vẫn ít khả năng xảy ra ở thời điểm hiện tại.

“Nếu một lệnh ngừng bắn được áp đặt theo nguyên tắc ai giữ gì là của người đấy, Nga có thể giữ lại quyền kiểm soát một số vùng mới của Ukraine”, Ivan U. Klyszcz, học giả tại Đại học Tartu, Estonia, cho biết.

Chiến dịch ở Ukraine đã cho thấy những tổn hại đáng kể đối với Nga cả về vật chất lẫn nhân lực, khi đối mặt với sự kháng cự vốn được cho là quyết liệt hơn nhiều so với dự đoán ban đầu.

Gustav Gressel, chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) nhận định, nhân sự là “nguồn lực chính” mà Moscow đang thiếu hụt.

Các nhà phân tích cũng nói rằng một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài cũng sẽ nguy hiểm cho Nga, do chiến thuật du kích Ukraine tỏ ra thành công trong những tuần qua.

“Nếu mọi thứ sau cùng trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, thì Ukraine nhìn chung có vẻ ở một vị trí thuận lợi hơn”, Michael Kofman, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, nêu quan điểm.

Cuộc chiến càng kéo dài, Điện Kremlin được dự đoán ​​sẽ áp dụng một trong những chiến thuật quen thuộc đó là tìm cách chia rẽ phương Tây giữa những quốc gia muốn có đường lối cứng rắn chống lại Moscow và những quốc gia có quan điểm hòa giải hơn, AFP nhận định.

Trong một dự báo về những căng thẳng sắp xảy ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông Putin không nên tiếp tục nắm quyền nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phản pháo lại rằng những lời hùng biện như vậy chỉ vô ích.

Tổng thống Macron đầu tuần này tuyên bố EU sẽ xem xét thêm các biện pháp trừng phạt đối với các ngành công nghiệp dầu mỏ và than của Nga nhưng không đề cập đến khí đốt tự nhiên mà châu Âu vẫn đang phụ thuộc sâu sắc.

“Mục đích của trò chơi sau cùng vẫn là gây chia rẽ”, Razoux nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới