Tổng thống Mỹ Biden đổ lỗi cho Tổng thống Nga Putin và sự gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu do chiến sự tại Ukraine khiến lạm phát tại Mỹ tăng 8,5% – mức cao nhất kể từ năm 1981.
TRT World đưa tin, theo dữ liệu của chính phủ, người Mỹ đã phải chi trả nhiều hơn cho xăng dầu, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác vào tháng trước trong bối cảnh làn sóng lạm phát cao kỷ lục trở nên tồi tệ hơn do xung đột Nga – Ukraine.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong 12 tháng tính đến tháng 3 đã tăng 8,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981. Điều này cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải chịu áp lực ngay cả khi họ cố gắng tìm các biện pháp để trừng phạt Moscow.
Sự gia tăng lạm phát đã kéo sự ủng hộ Tổng thống Biden xuống thấp hơn và ông đã tìm cách đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine làm gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu.
“Giá cả hàng hóa đã tăng 70% trong tháng 3 đến từ sau sự kiện ông Putin làm tăng giá xăng”, ông Biden lập luận trong bài phát biểu ở Iowa.
Giá hàng hóa đã bắt đầu tăng vào năm ngoái khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Báo cáo mới nhất cho thấy chi tiêu nhiều mặt hàng đã đạt mức cao mới, nhưng đồng thời cũng cho thấy mức tăng đột biến có thể đang chững lại.
So với tháng 2, giá cả hàng hóa tăng 1,2% – con số này phù hợp với dự báo của các nhà phân tích, nhưng giá “cốt lõi”, trừ lĩnh vực thực phẩm và năng lượng dễ bay hơi, chỉ tăng 0,3%, ít hơn so với dự kiến.
Chuyên gia Kathy Bostjancic của Oxford Economics cho biết: “Xung đột Nga – Ukraine đã làm gia tăng tốc độ lạm phát chóng mặt thông qua việc tăng giá năng lượng, thực phẩm và các loại hàng hóa khác do vấn đề chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng”.
Chính sự kết hợp của nhiều yếu tố đã thúc đẩy lạm phát gia tăng, trong đó bao gồm cuộc tranh giành nhân sự và nguồn cung ứng của các doanh nghiệp, chính sách lãi suất thấp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các biện pháp kích thích nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ được Quốc hội thông qua.
Đáp lại, Nhà Trắng đã nỗ lực đưa ra các biện pháp cứu trợ như giải phóng kho dầu dự trữ chiến lược để hạ nhiệt giá xăng và từ bỏ lệnh cấm bán hỗn hợp xăng giá thấp trong những tháng mùa hè. Đây cũng là những biện pháp được ông Biden khuyến khích trong chuyến thăm Iowa vừa qua.
Tuy nhiên, tác nhân mạnh mẽ nhất trong việc chống lại lạm phát ở Washington chính là Fed.
Mặc dù việc tăng lãi suất dự kiến sẽ làm giảm giá hàng hóa trong những tháng tới, nhưng Thống đốc ngân hàng trung ương Lael Brainard cho biết hôm 12/4 rằng tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine “có thể làm tăng rủi ro và lạm phát”.
Ông Brainard cho biết trong một cuộc thảo luận sau khi công bố dữ liệu rằng việc Trung Quốc đóng cửa để ngăn chặn đại dịch cũng “có khả năng kéo dài một số hạn chế tồn tại trong chuỗi cung ứng”.
Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, người dân Mỹ đang phải đối mặt với nỗi đau thực sự về tài chính khi mua sắm những đồ dùng cần thiết. Giá thuê nhà ở tăng 0,5%, trong khi giá thực phẩm nói chung tăng 1%. Riêng giá hàng tạp hóa tăng 1,5% trong tháng trước và 10% trong cả năm qua, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/1981.
Ngược lại, giá ô tô cũ, một trong những mặt hàng tăng đầu tiên vào năm ngoái, giảm 3,8% vào tháng trước, đẩy CPI cơ bản xuống thấp hơn. Giá ô tô mới chỉ tăng 0,2% sau khi chứng kiến mức tăng hơn 1% hàng tháng trong những tháng cuối năm 2021.
Tuy nhiên, xem xét mức độ tăng giá cao đối với các mặt hàng khác, chuyên gia kinh tế Joel Naroff cho biết một số thành viên trong ủy ban chính sách của Fed có thể sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn việc tăng lãi suất 0,75 điểm vào tháng tới, và điều này không nhất thiết sẽ khiến giá giảm nhanh chóng.
“Việc tăng mạnh lãi suất của Fed không có nhiều khả năng làm giảm tốc lạm phát đang ở mức cực cao cũng như ngăn nền kinh tế khỏi suy thoái, đặc biệt là trước các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát như chiến tranh”, ông nói.
T.P