Có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng Trung Quốc đang phát triển một mẫu tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay có thể được triển khai từ các máy bay ném bom H-6N.
Theo cây bút Thomas Newdick của tờ The Drive, những đoạn video về quá trình thử nghiệm máy bay ném bom H-6N của Trung Quốc gần đây cho thấy nước này đang phát triển một dòng tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) mới có khả năng triển khai từ trên không.
Mẫu tên lửa này được biết tới với cái tên YJ-21 và gần như không có nhiều thông tin về loại vũ khí này ngoại trừ việc nó được thiết kế để phóng đi từ các máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6N của không quân Trung Quốc.
Phiên bản trên không của DF-21D
Dựa trên đoạn video về quá trình thử nghiệm giữa H-6N và YJ-21 được đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Newdick cho rằng YJ-21 có thể là một biến thể rút gọn của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D được quân đội Trung Quốc đưa vào trang bị từ năm 2010. Bản thân DF-21D được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”, được thiết kế để vô hiệu hóa nhóm tàu sân bay đối phương từ khoảng cách lên đến hơn 1.000 km.
Cũng từ đoạn video trên, YJ-21 nhiều khả năng đang ở giai đoạn thử nghiệm trước khi được biên chế chính thức. Hiện vẫn chưa rõ mẫu tên lửa này có thể triển khai đầu hạt nhân hay không.
Theo báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2021 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, H-6N hiện đã được đưa vào hoạt động, nhưng không có bất cứ thông tin nào về việc mẫu máy bay ném bom này được trang bị tên lửa đạn đạo chống hạm.
H-6N hiện là biến thể hiện đại nhất của dòng máy bay ném bom H-6 do Trung Quốc phát triển dựa trên máy bay Tu-16 của Liên Xô. Sau nhiều lần cải tiến và nâng cấp, H-6 giờ đây đã có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công tầm xa, bên cạnh tên lửa YJ-21, biến thể này còn có thể mang theo một máy bay không người lái siêu thanh.
Việc sở hữu máy bay ném bom có thể mang theo một tên lửa đạn đạo chống hạm rõ ràng mang lại cho Trung Quốc khả năng răn đe vô cùng lớn trong việc bảo vệ các vùng biển ven bờ. Nhưng rất khó để xác định năng lực tác chiến của bộ đôi vũ khí này khi các thiếu các thông số kỹ thuật cụ thể.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng YJ-21 là được phát triển từ DF-21D nên tầm bắn của nó ước tính sẽ từ 1.200 km đến 1.400 km, đi kèm với đó là một đầu đạn thông thường. Dĩ nhiên nó phải có khả năng tấn công các mục tiêu di động trên biển.
Việc đầu đạn của YJ-21 (tương tự như DF-21) có thể đạt tới vận tốc siêu thanh ở pha cuối đang tạo ra một đe dọa lớn đối với bất cứ tàu chiến nào, kể cả khi nó được trang bị các hệ thống phòng thủ trên hạm tiên tiến. Chính điều này đã mang lại cho DF-21 biệt danh “sát thủ tàu sân bay”.
Trong một cuộc đối đầu quân sự trên biển với các đối thủ tiềm tàng, Trung Quốc hoàn toàn có thể triển khai song song DF-21 và YJ-21 đánh gọng kìm vào nhóm tàu sân bay kẻ thù từ xa. Bằng cách này Trung Quốc có thể vô hiệu hóa lực lượng tấn công đối thủ trước khi chúng kịp tham chiến.
Đó là lý thuyết, trên thực tế các dòng tên lửa chống hạm đều cần đến nguồn dữ liệu chính xác để có thể bay đến đúng mục tiêu thì mới đạt được mục đích đề ra, tuy nhiên Trung Quốc lại gần như không công khai về hệ thống giữ vai trò dẫn đường cho DF-21D.
Tuy nhiên, với việc DF-21D đã được biên chế hơn một thập kỷ, Trung Quốc rõ ràng có cách để các tên lửa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Điều này một phần nào đó được chứng minh qua việc họ phát triển YJ-21.
Lợi thế của Trung Quốc khi có YJ-21
Lợi thế của việc phóng một tên lửa đạn đạo chống hạm từ H-6N là tầm bắn của tên lửa sẽ được mở rộng hơn so với các hệ thống tên lửa đặt trên mặt đất. Về cơ bản điều này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng vùng phòng thủ ven biển, đẩy nhóm tàu chiến đối phương ra xa hơn, thông qua việc kết hợp giữa YJ-21, tàu ngầm tấn công và tên lửa DF-26.
Trong trường hợp YJ-21 được phóng từ trên không, tên lửa sẽ không chỉ được hưởng lợi từ phạm vi hoạt động của chính chiếc máy bay, được cho là khoảng 5.900 km mà không cần tiếp nhiên liệu trên không, việc phóng đi từ trên không còn mở rộng đáng kể tầm bắn của tên lửa. Đồng thời, việc các tên lửa đạn đạo chống hạm di chuyển bằng máy bay giúp chúng tăng khả năng sống sót so với các hệ thống mặt đất.
Cũng như khả năng triển khai YJ-21, có nhiều báo cáo liên tục chỉ ra H-6N cũng có thể được sử dụng để triển khai tên lửa siêu thanh. Nếu Trung Quốc thực sự đang theo đuổi một tên lửa siêu thanh phóng từ trên không, chẳng hạn như DF-17 kết hợp với H-6N, thì họ rõ ràng đang muốn đuổi kịp Nga và Mỹ trong việc phát triển tên lửa siêu thanh không đối đất.
Một lần nữa, khả năng triển khai tên lửa siêu thanh cách lãnh thổ Trung Quốc hàng trăm hoặc hàng nghìn km sẽ nâng cao hơn nữa chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của nước này. Vũ khí siêu thanh sẽ giúp Bắc Kinh đưa các cơ sở quân sự chủ chốt của đối phương vào tầm ngắm mà không cần tiếp cận quá gần, ngoài ra chúng cũng có thể được sử dụng để chống hạm như YJ-21.
Tuy nhiên, các nhà phân tích dường như đồng ý rằng khó có thể phân tích được YJ-21 sẽ làm được những gì thông qua một vài video bay thử nghiệm, nhưng đây lại là bằng chứng về những bước tiến mà Trung Quốc đang đạt được trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập. Trong kịch bản này, các mối đe dọa mà hải quân Mỹ và đồng minh của họ sẽ đối mặt trong tương lai ngày càng trở nên thách thức hơn khi phạm vi tấn công của các loại vũ khí này tiếp tục được mở rộng.
T.P