Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGớm mặt Đài Loan!

Gớm mặt Đài Loan!

Dường như từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tiến đánh Ukraine thì Đài Loan càng nhận rõ những nguy cơ bị đe doạ từ phía Trung Quốc. Và do vậy vùng lãnh thổ này càng ra sức đẩy mạnh quốc phòng để sẵn sàng chống chọi một cuộc tấn công chớp nhoáng, chủ yếu bằng không quân.

Theo bình luận của truyền thông Trung Quốc thì hành động bám đuôi Mỹ và chạy đua vũ khí của Đài Bắc là “gớm mặt”, không biết phải trái, là “bắt nước chảy ngược”.

Cụ thể về cái gọi là chạy đua vũ trang, truyền thông Đài Loan công khai rằng: Hòn đảo này đang phát triển loại tên lửa có khả năng tấn công căn cứ không quân của “kẻ địch” và đủ sức bắn hạ tên lửa hành trình. Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn của Đài Loan đã công bố về những loại tên lửa và máy bay không người lái do viện này nghiên cứu – Hãng Reuters đưa tin hôm 22/4.

Loại tên lửa hiện đại nhất là Hùng Phong, có khả năng tấn công mục tiêu trên bộ, với tầm bắn lên tới 1.000 km. Hùng Phong có hai phiên bản, phiên bản thứ nhất với đầu đạn có sức công phá lớn được dùng để tấn công các boongke và những trung tâm chỉ huy, phiên bản còn lại nhằm phá hủy các cơ cở sân bay.

Đài Bắc không ngần ngại khi tuyên bố, tên lửa Hùng Phong có thể tấn công hầu hết các căn cứ thuộc Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc, kể cả những căn cứ gần Thượng Hải và tỉnh Chiết Giang. Nó giúp lực lượng phòng vệ Đài Loan gia tăng đáng kể khả năng làm trì hoãn hoặc làm tê liệt đà tấn công của quân đội Trung Quốc. Rõ ràng, Đại lục khó có thể tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng.

Ngoài tên lửa Hùng Phong còn có tên lửa đất đối không Thiên Cung III được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu của đối phương. Chương trình tên lửa của Đài Loan có thể giúp cho họ không phải dựa vào nguồn cung vũ khí từ Mỹ. Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn còn “nhắn” Đại lục: máy bay không người lái (UAV) do Viện này phát triển có thể tấn công các vị trí phóng tên lửa của đối phương. Đài Loan sẽ xây dựng 4 cơ sở mới, gồm có căn cứ và nhà máy sửa chữa loại UAV mới, dự kiến sẽ được xây dựng trước năm 2025.

Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố, ưu tiên hiện đại hóa lực lượng phòng vệ, đẩy mạnh các dự án đóng tàu chiến, trong đó có tàu chiến tàng hình thuộc lớp mới và tàu ngầm nội địa.

Để chống chiến tranh phải chuẩn bị với khả năng cao nhất sẵn sàng chiến đấu. Đài Bắc tăng cường chuẩn bị chiến tranh chính là vì những động thái đe dọa từ Bắc Kinh.Thời gian qua Trung Quốc liên tục đe dọa “diễn tập” một cuộc tấn công Đài Loan. Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan từng báo động, căng thẳng với Trung Quốc đã lên đến mức tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua, không ngoại trừ khả năng Đại lục sẽ tiến hành một cuộc xâm lược “toàn diện” vào năm 2025.

Theo nhận định của Ngoại trưởng Mỹ, ông Blinken, nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan “sẽ là một quyết định hàm chứa thảm họa”. Washington “kiên định trong cam kết” bảo đảm cho Đài Loan có đủ phương tiện để tự vệ. Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố: “Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẽ suy nghĩ thật kỹ. Không nên có một cuộc khủng hoảng có thể gây hậu quả khủng khiếp và sẽ không có lợi ích cho bất cứ ai, bắt đầu từ Trung Quốc”.

Tự tin ở khả năng của mình, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho rằng, quân đội Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn nếu tấn công hòn đảo, do hạn chế về năng lực đổ bộ và hậu cần. Đến hiện tại, năng lực chuyển quân qua eo biển của quân đội Trung Quốc, không thể triển khai toàn bộ lực lượng trong một đợt xuất quân, phải dựa vào các tàu đổ bộ trang bị cầu dẫn để thiết giáp lên xuống, hoặc sử dụng máy bay vận tải. Những khí tài này đòi hỏi PLA phải kiểm soát được các cảng biển và sân bay trên đảo Đài Loan để đổ quân. Điều này là không thể, vì Đài Bắc phòng thủ những cơ sở này rất chặt chẽ, chúng khó lòng bị chiếm đóng trong thời gian ngắn.

Đài Bắc nhận định Bắc Kinh sẽ không thể dồn toàn lực cho chiến dịch thu hồi Đài Loan bằng vũ lực, mà phải dành một lực lượng dự bị để đề phòng khả năng các lực lượng bên ngoài can thiệp khi chiến sự nổ ra ở eo biển Đài Loan.

Đó là nhận định có phần lạc quan. Bỏ ngoài tai tất cả, Quân đội Trung Quốc gần đây liên tục gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan bằng các biện pháp truyền thống và phi truyền thống. Ngoài các chuyến bay áp sát hòn đảo với số lượng phi cơ cao kỷ lục, PLA còn tiến hành nhiều cuộc diễn tập đổ bộ chiếm bờ biển ở khu vực gần Đài Loan. Hơn một năm qua, các hoạt động quân sự gần đảo Đài Loan tăng kỷ lục, trong đó quân đội Trung Quốc triển khai ngày càng nhiều tiêm kích tiến vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) Đài Loan, khu vực mà lực lượng này từng hạn chế hiện diện trong quá khứ.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định: Các hoạt động quân sự gần đảo Đài Loan đều nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước, đồng thời nhắm vào hành vi “cấu kết” giữa “lực lượng đòi ly khai” của hòn đảo với Mỹ, bên ủng hộ quan trọng nhất của Đài Loan.
Mặc dù giới hạn trong cụm từ “lực lượng đòi li khai” nhưng Đài Bắc hiểu rõ, đó chính là bộ máy lãnh đạo của “đất nước” này. Mọi chủ trương, mệnh lệnh đều xuất phát từ Tổng thống, Thủ tướng.

Và thế rồi Đài Bắc kiên định “việc mình mình làm”, như cái gai chọc vào mắt giới lãnh đạo Trung Nam Hải. Đài Loan… thật là gớm mặt!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới