Trung Quốc tin rằng Mỹ đang dẫn đầu cuộc đua vũ trụ ảo (metaverse) nhưng họ sẽ vượt trội trong dài hạn nhờ nền văn hóa lớn. Với sự cạnh tranh gay gắt hiện tại, khả năng hai cường quốc này va chạm nhau trong metaverse là khó tránh khỏi.
Vào tháng 12 năm ngoái, trong một văn phòng nhỏ của không quân Mỹ, các quan chức quân đội đã tổ chức một cuộc họp với khoảng 250 người với bảng trắng, các ghi chú và tập tài liệu màu vàng như thường thấy ở mọi phòng họp tác chiến.
Nhưng phòng họp đó không tồn tại trên thực tế và những người tham dự ở cách nhau hàng trăm hoặc hàng ngàn cây số từ Mỹ đến Nhật Bản. Tất cả đều đeo thiết bị thực tế ảo tăng cường (VR) Oculus.
Quen mà lạ với Mỹ
Trên thực tế, khi có khái niệm “metaverse”, từ nhiều năm trước, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm khái niệm rộng về thế giới ảo được kết nối với nhau.
Năm 1978, đại úy không quân Jack Thorpe đã xuất bản một bài báo phác thảo ý tưởng xây dựng một trang web dùng để kết nối các kế hoạch tác chiến. Ý tưởng này được để mắt và phát triển, nâng cấp thành hệ thống SIMNET sau đó được chuyển giao cho Lầu Năm Góc.
“Nếu metaverse chỉ đơn giản là một chuỗi các thế giới ảo được kết nối với nhau, tôi hoàn toàn có thể nói rằng đã có những loại metaverse kỳ quặc trong quân đội kể từ những năm 90 của thế kỷ 20”, nhà nghiên cứu Jennifer McArdle thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới nêu vấn đề với trang Breaking Defense chuyên về quốc phòng.
Ông Palmer Luckey, người sáng lập Công ty khởi nghiệp quốc phòng Anduril Industries – nơi đã tạo ra thiết bị VR Oculus – đồng ý với quan điểm của bà McArdle. Quân đội Mỹ rất tỉnh táo khi đề cập đến metaverse và đang cố gắng đào sâu hơn thế giới ảo này cho các mục đích quân sự.
“Những người trong quân đội hiểu cách VR có thể giải quyết các vấn đề mà họ đã suy nghĩ trong 20, 30 hoặc thậm chí 40 năm qua”, ông Luckey giải thích. “Khi công nghệ tiến bộ, họ có thể sử dụng nó cho hàng loạt thứ trong quân đội”.
Tại thành phố Orlando của bang Florida, nhóm của chuẩn tướng William Glaser đang cố gắng xây dựng một “Môi trường huấn luyện tổng hợp” (STE) cho quân đội Mỹ. Công nghệ này, về mặt nào đó, có thể xem như một metaverse quân sự khi thực sự kết nối những người khác qua thế giới ảo.
STE được sử dụng như một môi trường huấn luyện bổ sung cho các binh sĩ bên cạnh thực địa. Nó cho phép nhiều người tham dự, với cấp từ trung đội trở lên có thể lên kế hoạch chiến đấu trong các tình huống và môi trường mô phỏng từ đô thị đến miền núi, sa mạc hay đầm lầy.
3 loại đối đầu
Trong một bài báo xuất bản vào tháng trước trên Hiệp hội Chuyên gia không gian mạng quân sự, nhà nghiên cứu Josh Baughman (Đại học Quốc phòng Mỹ) khẳng định Trung Quốc coi metaverse là một nơi không gian kỹ thuật số kết hợp các kịch bản chiến đấu thực tế.
Bắc Kinh cũng tin rằng một cuộc tấn công vào metaverse của đối thủ có thể “ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức và việc ra quyết định hành động của đối phương”.
Thật vậy, trong một bài viết xuất bản trên nhật báo của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 3-3, các nhà nghiên cứu của PLA đã nói về việc ứng dụng metaverse vào chiến tranh nhận thức trong tương lai.
Người viết đến từ Viện công tác chính trị quân sự thuộc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc vốn là viện nghiên cứu cấp cao nhất của PLA và trực thuộc Quân ủy Trung ương. Metaverse, theo cách hiểu của PLA, là một thế giới nhận thức phát triển cao và mặc dù ảo, nó lại là một phần mở rộng của thực tế.
PLA dự đoán sẽ có ba loại đối đầu trong metaverse. Đầu tiên là “đối đầu nền tảng” liên quan đến các lực lượng thù địch sử dụng metaverse cho các cuộc tấn công hoặc phòng thủ để phá vỡ, ngăn chặn, tiêu diệt và loại bỏ đối phương trong metaverse.
Thứ hai là các cuộc tấn công vào “chuỗi cung ứng và hệ thống” sẽ chặn các nút mạng (node) và hoạt động chiến thuật then chốt trong metaverse của kẻ thù. Cuối cùng là tấn công, làm hỏng các thiết bị công nghệ để thay đổi cách thức hoạt động của metaverse.
Những lo ngại của Chính phủ Mỹ về sự phát triển chiến tranh nhận thức của Trung Quốc đã được phơi bày vào tháng 12 năm ngoái, sau khi Bộ Thương mại Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty công nghệ Trung Quốc vì tham gia vào nghiên cứu chiến tranh “kiểm soát não bộ”.
Đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi cạnh tranh Mỹ – Trung đang ngày càng gay gắt. Đặt trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh giữa hai nước trong metaverse, một lĩnh vực mới mẻ, chắc chắn sẽ có sự huy động từ nhiều cấp và lớn hơn những thứ mà người ngoài đang hình dung.