Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ: TQ phá hoại trật tự quốc...

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ: TQ phá hoại trật tự quốc tế với ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, ĐCS Trung Quốc đang cố ý làm xáo trộn và phá hoại hệ thống quốc tế vốn đã biến nước này trở thành cường quốc toàn cầu. Bà cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh đã sẵn sàng cạnh tranh mạnh mẽ để chống lại nỗ lực này, và trừng phạt nặng nề chính quyền này vì đã ủng hộ Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman tổ chức một họp báo chung với Ngoại trưởng Maroc sau cuộc gặp của họ tại Rabat hôm 08/03/2022.

Hôm 21/04, bà Sherman phát biểu tại một cuộc họp của tổ chức tư vấn Friends of Europe ở Brussels rằng, “Hoa Kỳ đã tuyên bố rõ ràng rằng chúng tôi sẽ cạnh tranh, và cạnh tranh mạnh mẽ với [Trung Quốc] trong những lĩnh vực mà chúng tôi nên thực thi công nghệ và đổi mới, trong đó có thương mại và kinh tế cũng như các lĩnh vực khác”.

“Chúng tôi cũng đã nói rõ ràng rằng chúng tôi cam kết kiểm soát sự cạnh tranh này giữa các quốc gia của chúng tôi để việc cạnh tranh không trở thành xung đột”.

Bà Sherman cho biết, để đạt được mục tiêu đó, Hoa Kỳ sẽ cần phải hợp tác với Trung Quốc nếu có lợi cho Hoa Kỳ, và sẽ phản đối ĐCS Trung Quốc khi các hành động của họ đi ngược lại với các lợi ích của Hoa Kỳ và đồng minh hoặc phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Bà Sherman nói rằng trật tự quốc tế này là yếu tố thúc đẩy lớn nhất trong sự trỗi dậy của Trung Quốc, và ĐCS Trung Quốc là “một trong những bên hưởng lợi lớn nhất từ ​​trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đó trong nửa thế kỷ qua”.

“Tuy nhiên, ngày nay, Bắc Kinh đang tìm cách phá hoại chính hệ thống mà họ đã được hưởng lợi từ đó, và quay lại một hệ thống mà lẽ phải thuộc về kẻ mạnh, và các quốc gia lớn có thể cưỡng ép các quốc gia nhỏ hơn hành động đi ngược lại các lợi ích của chính họ”, bà Sherman cho biết.

Bà Sherman đã chỉ ra sự gây hấn của ĐCS Trung Quốc đối với Lithuania, đồng thời lưu ý cách Bắc Kinh vũ khí hóa nền kinh tế của mình để ngăn Lithuania tiếp cận thị trường như một sự trả đũa cho việc mở một văn phòng đại diện của Đài Loan ở Vilnius, thủ đô của Lithuania.

Bà cũng nhấn mạnh việc ĐCS Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các công ty Mỹ, trong đó có H&M, Adidas, và Nike, vốn là những công ty đã nhận được phản ứng dữ dội tại Trung Quốc sau khi thể hiện lập trường phản đối nạn lao động cưỡng bức ở Tân Cương, nơi ĐCS Trung Quốc bị cáo buộc thực hiện một cuộc diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác.

Có lẽ điều quan trọng nhất là bà Sherman cũng đã nhắc lại lời hứa của Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm (21/04) về “những hậu quả” đối với ĐCS Trung Quốc nếu họ tiếp tục phát triển mối quan hệ trên thực tế là đồng minh với Nga.

Bà đã lên án thông báo hôm 04/02 giữa nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn tuyên bố một mối quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa Trung Quốc và Nga, được biết đến là “không có lĩnh vực nào bị cấm”.

Kể từ khi ra thông báo đó, sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc đối với nỗ lực chiến tranh của Nga đã dẫn đến sự lên án của cộng đồng quốc tế. Các báo cáo tình báo quốc tế cho biết thêm rằng, các quan chức ĐCS Trung Quốc đã biết trước về kế hoạch xâm lược của Nga và yêu cầu hoãn chiến tranh cho đến khi Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh kết thúc.

Các tin tức mới từ Ukraine cũng cho thấy rằng các tin tặc do nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tấn công mạng lớn vào cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự quan trọng ở Ukraine một ngày trước khi Nga xâm lược.

Điều này xảy ra bất chấp thực tế là trước đó Trung Quốc đã ký một “Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác” với Ukraine, trong đó nước này cam kết sẽ cung cấp các bảo đảm an ninh không xác định cho Ukraine trong trường hợp có sự đe dọa tấn công hạt nhân.

Tuyên truyền của Trung Quốc cũng đã không ngừng hoạt động nhằm che giấu thông tin sai lệch của nhà nước Nga, đồng thời đi xa hơn nữa là kiểm duyệt các bài đăng trên mạng xã hội mà đã gọi cuộc chiến ở Ukraine là một “cuộc xâm lược” và lặp đi lặp lại tuyên bố của Nga rằng, chính sự mở rộng của NATO mới là nguồn cơn gây ra chiến tranh.

Ukraine đã không được xem xét để trở thành thành viên NATO và thậm chí nếu có, thì cũng sẽ bị từ chối với lý do nước này không duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ ở Crimea.

Bà Sherman nói: “Tôi có thể đưa ra hàng tá ví dụ về các hành động [của Trung Quốc] trong việc tìm cách làm suy yếu quyền tự chủ chính trị của các quốc gia, ép buộc các doanh nghiệp ra quyết định, và hơn thế nữa, theo đúng nghĩa đen là ăn cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại, nhằm truy lùng và bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền và các thành viên của các dân tộc thiểu số và tôn giáo đã rời khỏi [Trung Quốc], để bẻ cong các quy tắc của hệ thống quốc tế cho phù hợp với lợi ích của họ bằng cái giá phải trả là phần còn lại của thế giới”.

Các bình luận này dường như đề cập đến một loạt các vụ án gián điệp nổi tiếng được Bộ Tư pháp công bố trong tháng qua, trong đó có các âm mưu bị cáo buộc của các đặc vụ Trung Quốc nhằm bạo lực can thiệp vào chiến dịch tranh cử của một cựu chiến binh quân đội ở New York, và theo dõi và đe dọa một vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic người Mỹ và cha của cô.

Bà Sherman cho rằng tuy nhiên, sự cạnh tranh liên tục giữa phương Tây và Trung Quốc đã vượt ra ngoài sự ủng hộ đối với Nga hay chủ nghĩa chống Mỹ đơn thuần, và đại diện cho một cuộc cạnh tranh về bản chất của trật tự thế giới trong tương lai. Bà nói, đó là một cuộc đấu tranh giữa các giá trị của chính phủ đại diện và chủ nghĩa độc tài thuần túy.

“Đây chính là điểm mấu chốt”, bà Sherman nói. “Câu hỏi mà tất cả chúng ta phải đối mặt ở Hoa Kỳ, ở Âu Châu, và ở các quốc gia trên thế giới, là một câu hỏi đơn giản. Chúng ta muốn thế giới trông như thế nào? Chúng ta muốn tương lai của mình sẽ ra sao?”

“Chúng ta có muốn có những xã hội mà ở đó, mọi người được tự do nói lên suy nghĩ của mình, có thể gọi tên một cuộc chiến và phản đối một cách hòa bình, hay những xã hội mà ở đó các chính quyền được tự do đàn áp gay gắt bất cứ ai trái với đường lối của đảng?”

“Chúng ta có muốn những chính phủ minh bạch và có trách nhiệm giải trình với người dân, hay đổi lại là các chính phủ tồn tại để củng cố quyền lực và kiểm soát người dân của mình?”

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới