Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác nước phản ứng thỏa thuận an ninh TQ - Solomon

Các nước phản ứng thỏa thuận an ninh TQ – Solomon

Ngày 25/4, Nhật Bản cử một thứ trưởng ngoại giao sang Quần đảo Solomon, khi đang có nhiều lo ngại rằng thỏa thuận an ninh mà đảo quốc Thái Bình Dương này vừa ký với Trung Quốc sẽ làm tăng ảnh hưởng quân sự của Bắc Kinh ở khu vực.

Chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Thứ trưởng Kentaro Uesugi diễn ra ngay sau chuyến thăm của đoàn quan chức cấp cao Mỹ. Washington cảnh báo sẽ có hành động nếu thỏa thuận an ninh của Quần đảo Solomon với Trung Quốc đe dọa các lợi ích của Mỹ và đồng minh.

Tuần trước, TQ và Quần đảo Solomon xác nhận đã ký thỏa thuận này, khiến các nước xung quanh lo ngại về nguy cơ tập hợp lực lượng ở khu vực.

“Chúng tôi tin rằng thỏa thuận có thể ảnh hưởng đến an ninh của toàn bộ châu Á – Thái Bình Dương và chúng tôi đang theo dõi diễn biến này với sự quan ngại”, Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi phát biểu hôm 22/4.

Trong chuyến thăm Quần đảo Solomon, Thứ trưởng Uesugi dự kiến sẽ chuyển tải quan ngại của Nhật về thỏa thuận và thảo luận về các vấn đề song phương cũng như khu vực.

Nhật Bản coi việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự trên Biển Đông và biển Hoa Đông là mối đe dọa đối với những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

Trong những năm gần đây, Tokyo tăng cường hợp tác an ninh và mở rộng tập trận với Mỹ và các đối tác như Úc, Ấn Độ, Pháp, Anh và Đức, khi các quốc gia này đều chia sẻ quan ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Ngày 23/4, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố sẽ coi việc Trung Quốc mở căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon là “vạch đỏ”.

Ông Morrison cho biết Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã bảo đảm với cá nhân ông rằng sẽ không có căn cứ quân sự ở đảo quốc này.

Khi báo chí nêu câu hỏi rằng sẽ làm gì nếu Trung Quốc thực sự mở căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon, ông Morrison không trả lời.

Liên minh đảng Tự do – Quốc gia cầm quyền đang cố gắng hạn chế tác động chính trị từ việc Trung Quốc và Quần đảo Solomon ký thỏa thuận. Chi tiết của thỏa thuận chưa được công bố, nhưng bản dự thảo rò rỉ vào cuối tháng 3 cho thấy các tàu hải quân Trung Quốc sẽ được cập cảng chỉ nằm cách Úc khoảng 2.000km.

Công đảng đối lập cho rằng thỏa thuận này là “thất bại tồi tệ nhất trong chính sách đối ngoại của Úc ở Thái Bình Dương kể từ sau Thế chiến 2”.

Phát biểu với đài ABC sáng 25/4, ông Brendan O’Connor, người phụ trách chính sách quốc phòng của Công đảng, nói rằng ông sẽ yêu cầu chính phủ họp để báo cáo về việc sẽ làm gì nếu Trung Quốc vượt qua “vạch đỏ”.

“Thực tế là chúng ta phải quay sang sử dụng ngôn ngữ như vậy theo cách quá ít và quá muộn. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa”.

RELATED ARTICLES

Tin mới