Rất ít khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc hơn Biển Đông. Bắc Kinh đang ngày càng coi Biển Đông như một “cái hồ của Trung Quốc”, thuộc “chủ quyền không thể chối cãi” của mình.
Các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cạnh tranh của Bắc Kinh với các quốc gia khác giáp Biển Đông đã khiến Trung Quốc can dự quân sự và hoạt động tích cực ở khu vực này trong nhiều năm. Điều này thường dẫn đến căng thẳng, nếu không muốn nói là trực tiếp đụng độ.
Vấn đề bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đang ngày càng ít hơn về kinh tế — trữ lượng dầu khí hay quyền đánh cá — và tập trung nhiều hơn về quyền kiểm soát và chủ quyền.
Nói một cách đơn giản, Biển Đông là một khu vực phòng thủ quan trọng đối với Bắc Kinh. Theo đó, Trung Quốc đặc biệt tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực thông qua các cuộc tuần tra mở rộng của Hải quân PLA (PLAN). Ngoài ra, đã có một sự mở rộng quân sự mạnh mẽ trên các đảo Hải Nam và Phú Lâm ở phía tây Biển Đông.
Đảo Phú Lâm đã chứng kiến việc xây dựng một đường băng dài 2.700 mét có thể chứa hầu hết các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, một bến cảng được nâng cấp và khai triển tên lửa đất đối không Hồng Kỳ-9B (HQ-9B SAM) tầm xa.
Bắc Kinh cũng đã thực hiện một nỗ lực lớn để tập hợp — và sau đó là quân sự hóa — một chùm các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, ở phần phía đông của Biển Đông. Chương trình xây dựng này bao gồm việc xây dựng các đường băng trên các rạn san hô Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi, và Đá Vành khăn, các bến cảng và doanh trại, và cuối cùng là lắp đặt các trạm radar, pháo phòng không, tên lửa đất đối không Hồng Kỳ-9B (HQ-9B SAM), và tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Ưng Kích-12B (YJ-12B ASCM) tới các đảo này.
Ngoài sự hiện diện quân sự công khai ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây đã mở rộng các hoạt động khác của mình. Việc này bao gồm các hoạt động truyền thống hơn, chẳng hạn như tăng cường tuần tra của Cảnh sát biển Trung Quốc và sử dụng “lực lượng dân quân hàng hải” không thường xuyên nhưng vẫn do Bắc Kinh kiểm soát.
Các lực lượng bảo vệ bờ biển thường không gây tranh cãi trong các vấn đề hàng hải. Họ chủ yếu quan tâm đến việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hoạt động trên các tuyến thông thương biển (SLOC). Điều này bao gồm chống cướp biển và các hoạt động tội phạm khác trên biển, buôn bán người, và buôn lậu ma túy.
Các lực lượng bảo vệ bờ biển cũng được sử dụng để thực thi các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Các vùng đặc quyền kinh tế là các lãnh thổ biển trong khu vực, mở rộng ra khỏi bờ biển không quá 200 hải lý, trong đó một quốc gia có độc quyền khai thác để thu lợi kinh tế; điều này bao gồm việc đánh bắt cá cũng như các mỏ dầu và khí đốt.
Các vùng đặc quyền kinh tế trong Biển Đông đặc biệt gây tranh cãi vì các tuyên bố chủ quyền của nhiều quốc gia chồng chéo lên nhau. Do đó, các lực lượng bảo vệ bờ biển trong khu vực đã tăng cường chức năng trong việc thực thi các quyền của EEZ.
Lợi thế của việc sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển trong các hoạt động thực thi chủ quyền là họ được trang bị vũ khí hạng nhẹ (thường chỉ là một khẩu pháo nhỏ hoặc súng máy). Điều này làm giảm nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ thảm khốc ở Biển Đông. Nhưng nếu các cuộc đụng độ như vậy gia tăng hoặc rủi ro tăng lên, thì xung đột có thể leo thang thành các hành động bạo lực hơn liên quan đến hải quân.
Ví dụ, việc sử dụng lực lượng bán hải quân (paranaval) để đánh chìm các tàu thương mại, dẫn đến thiệt hại lớn về nhân mạng hoặc sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển để buộc loại bỏ nhân viên khỏi các căn cứ ở Biển Đông hoặc ngăn chặn hoạt động khai thác dầu khí từ các khu vực tranh chấp và do đó, kích động đáp trả có vũ trang — tất cả những hành động này có thể làm tăng nguy cơ xung đột.
Không một ai bất ngờ với việc Hải cảnh Trung Quốc (CCG) là lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất trong Biển Đông và là một trong những lực lượng hoạt động tích cực nhất. Cho đến gần đây, Trung Quốc đã vận hành năm lực lượng hàng hải dân sự: Hải giám (CMS), Tuần duyên, Ngư chính (FLEC), Hải quan, và Cục An toàn Hàng hải (MSA). Nhiều trong số các lực lượng này đã chồng chéo trong các nhiệm vụ của họ và cạnh tranh với nhau. Năm 2013, bốn lực lượng đầu tiên được kết hợp thành một lực lượng duy nhất dưới sự chỉ huy của Cục Quản lý Đại dương Nhà nước (SOA), lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG).
Hải cảnh biển Trung Quốc điều hành hơn một trăm tàu tuần tra, đặc biệt là tàu tuần tra xa bờ Type-218 dài 41 mét, được trang bị hai súng máy 14,5 mm. Năm 2007, PLAN đã chuyển giao hai khinh hạm Type 053H 1700 tấn (Giang Hồ-I, phiên âm Jianghu-I) cho Hải cảnh Trung Quốc, biến chúng trở thành những con tàu lớn nhất trong lực lượng bảo vệ bờ biển.
Năm 2016, Trung Quốc đã cho ra mắt hai chiếc “tàu tuần duyên quái vật” nặng 12.000 tấn cho Hải cảnh Trung Quốc, con tàu bán hải quân lớn nhất còn tồn tại. Ít nhất một trong số các tàu này đã được khai triển thường xuyên tới Biển Đông.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Hải cảnh Trung Quốc là một trong những hạm đội bán hải quân hung hãn nhất ở Biển Đông. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Hải cảnh Trung Quốc đã tham gia vào phần lớn các vụ đụng độ ở Biển Đông, trong đó có các vụ bắt nạt, sách nhiễu, và thậm chí đâm vào tàu tuần duyên và tàu cá của các quốc gia khác. Tháng 11/2021, Hải cảnh Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng phun vào hai tàu tiếp tế của Philippines hoạt động trong EEZ của Philippines.
Nhưng các hành động của Hải cảnh Trung Quốc không là gì so với hành động của “ngư dân quân sự hóa” của Trung Quốc, cái gọi là “tiểu lam nhân” đi ra Biển Đông và cố tình đụng độ với tàu của các quốc gia khác, cả thương mại và hải quân. Đây không chỉ là những ngư dân tư nhân tham gia vào “các hoạt động yêu nước”. Ngược lại, trên thực tế, các tàu này là lực lượng dân quân hàng hải được Bắc Kinh trợ cấp và thực chất là một tổ chức quân sự bán thời gian.
Những chiếc thuyền này được gửi đi để thu thập thông tin tình báo, treo cờ, và quảng bá các tuyên bố chủ quyền. Hơn nữa, họ không chỉ là người tạo ra các cuộc đụng độ nhỏ với các tàu khác. Họ hỗ trợ cho các lực lượng hải quân và bán quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là Cảnh sát biển Trung Quốc, với lý do (bảo vệ “thường dân” Trung Quốc) để can thiệp và từ đó tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mặc dù lực lượng dân quân hàng hải này đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng gần đây họ đã trở thành một lực lượng tích cực và năng nổ hơn nhiều, và một lực lượng có mục đích chiến lược ngày càng tăng, thứ được mệnh danh là “3D” của chiến lược Biển Đông của Trung Quốc: declare — công bố (các tuyên bố của Trung Quốc), deny — phủ nhận (các tuyên bố của các quốc gia khác), và defend — bảo vệ (những tuyên bố đó).
Việc sử dụng các lực lượng hàng hải bán hải quân và không thường xuyên, cho phép Trung Quốc hoạt động với số lượng áp đảo trong Biển Đông. Một báo cáo của RAND Corporation gọi đây là một “hoạt động ‘vùng xám’ điển hình… nhằm mục đích ‘không đánh mà thắng’ bằng cách áp đảo đối thủ bằng hàng loạt tàu cá”, củng cố thêm tuyên bố của Trung Quốc về “chủ quyền không thể tranh cãi” trong khu vực.
Trung Quốc đã tạo ra một công cụ bán quân sự mạnh mẽ bằng cách kết hợp lực lượng bảo vệ bờ biển được củng cố lại với việc tăng cường sử dụng lực lượng dân quân hàng hải rộng lớn và hung hãn.
Theo ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các Vấn đề Hàng hải tại Đại học Philippines, mục tiêu cuối cùng là “thiết lập sự kiểm soát và thống trị trên thực tế đối với toàn bộ Biển Đông”.
b