Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMột nỗ lực của Việt Nam

Một nỗ lực của Việt Nam

Không tính lò lửa chiến tranh Ukraine bùng lên tức cách đây hơn hai tháng, Biển Đông là một trong những điểm nóng nhất hiện nay, xét trên phạm vi toàn cầu. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế.

Nạn nhân đang bỏng rát vì sức nóng đó, trước hết, là các quốc gia trong số “5 nước, 6 bên” (Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) trong khu vực liên quan trực tiếp, nhất là Việt Nam, Philippines, Malaysia.

Nói cách khác, ở thế gầm gừ hiện thời, Trung Quốc một mình một phe. Một mình, nhưng không vì thế mà Trung Quốc lép vế. Ngược lại, quốc gia khổng lồ, khồng lồ không chỉ về diện tích, dân số, mà còn về kinh tế, quân sự này, đang giữ thế thượng phong trên thực địa. Thượng phong không phải vì lý, vì lẽ phải, mà vì cơ to, bắp khỏe – một cách nói hình tượng để chỉ kẻ luôn ỷ vào vũ khí, mang tên lửa, máy bay, chiến hạm ra đe dọa, gây hấn, chèn ép nhằm buộc các nước láng giềng khuất phục.

Trong cuộc đấu không cân sức chống lại âm mưu bành trướng và tham vọng nuốt gọn Biển Đông của Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực từ nhiều năm nay luôn coi Công ước LHQ về Luật Biển (Unclos 1982), được LHQ thông qua 40 năm trước đây, như một “Hiến pháp Biển” giải quyết các vấn đề tranh chấp.

Tuy nhiên, đó là kỳ vọng. Còn trong thực tế, hiệu lực, hiệu quả giải quyết các xung đột của Unclos, có thể nói là hạn chế. Đến phán quyết của PCA – tòa án trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Unclos – trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông – ban hành 2016, một cái phẩy tay ông Tập Cận Bình, đủ khiến giá trị của nó không vượt quá một tờ giấy mỏng, huống chi…

Tuy nhiên, khi mà Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tác dụng còn hạn chế hơn; khi mà Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC) còn phải tranh cái dài dài giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về những điểm mấu chốt, thì Unclos, không thể khác, vẫn còn là chỗ dựa trong cuộc đấu lý hiện nay giữa các bên để giải quyết vấn đề Biển Đông. Thế nên, có thể coi, việc việc thành lập “Nhóm bạn bè của UNCLOS” là một sáng kiến.

Ý tưởng về “Nhóm bạn bè của UNCLOS” là của Việt Nam và Đức, nhằm tập hợp các nước cùng quan tâm một vấn đề cụ thể. Nỗ lực hiện thực hóa ý tưởng, Việt Nam là một thành viên cốt cán. Cùng với một số thành viên tích cực khác, Hà Nội đã làm tất cả để “Nhóm bạn bè của UNCLOS” được thành lập tháng 6/2021. Tới nay, con số 120 quốc gia, gồm đại diện cho tất cả các khu vực địa lý, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, nhiều nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Indonesia, Philippines, Brunei, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Australia, New Zealand và các khu vực khác, nói lên sự ghi nhận, quan tâm, đồng tình, hy vọng của cộng đồng quốc tế đối với sáng kiến. Và tới nay, Việt Nam vẫn đang là một trong các thành viên nòng cốt điều phối các hoạt động của nhóm.

Đó cũng là lý do, trong phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ khóa 76 kỷ niệm 40 năm ngày thông qua UNCLOS (30/4/1982-30/4/2022) tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), trong bài phát biểu của mình, cùng với khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng, tích cực của UNCLOS trong việc điều chỉnh toàn bộ các hoạt động trên biển và đại dương, đại sứ Việt Nam Đặng Hoàng Giang đã đề cập, khằng định ý nghĩa của “Nhóm bạn bè của UNCLOS”. Cụ thể, theo người đại diện nhà nước Việt Nam, “Nhóm bạn bè của UNCLOS” kiên trì và thúc đẩy mục tiêu nâng cao hiểu biết về UNCLOS, cách áp dụng UNCLOS trong thực tiễn hàng hải, tận dụng cơ hội hợp tác cũng như giải quyết những thách thức trong thực hiện Công ước.

Một sáng kiến góp phần làm ổn định tình hình trên các đại dương nói chung, Biển Đông nói riêng, bao giờ cũng đáng ghi nhận và có ý nghĩa quan trọng. Nhưng điều quan trọng đầu tiên vẫn phải là thiện chí của các bên tham gia. Liên quan mục tiêu giải quyết triệt để những phức tạp, tranh chấp trên Biển Đông hiện nay, hy vọng nhiều vào một Trung Quốc thiện chí ư? Nhiều người cho rằng, dễ thành thất vọng lắm, dù Trung Quốc là thành viên của Công ước.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới