Monday, November 18, 2024
Trang chủQuân sựVai trò của các cơ quan tình báo Mỹ trong chiến tranh...

Vai trò của các cơ quan tình báo Mỹ trong chiến tranh kinh tế

Thế giới hậu Chiến tranh Lạnh là thế giới của những nền kinh tế siêu cạnh tranh. Vì vậy, Mỹ đã liên tục cải tổ bộ máy chính quyền để nó có khả năng tham chiến vào mặt trận kinh tế. Từ Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao đến các cơ quan an ninh và tình báo, tất cả đều được huy động để tham gia cuộc chiến kinh tế này nhằm đưa đất nước của họ trở lại vị trí lãnh đạo kinh tế của nền thế giới…

Cựu Giám đốc CIA Robert Gates Từng nhấn mạnh nhiệm vụ cơ quan tình báo Mỹ trong lĩnh vực tình báo kinh tế.

Sự thức tỉnh của người Mỹ

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Washington cảm thấy cần định hướng lại các ưu tiên quốc gia theo hướng bảo vệ các lợi ích kinh tế. Người Mỹ có cảm thấy mình bị tụt hậu. Vào thập niên 1990, dường như người chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh không phải là Mỹ mà là Đức, và Nhật, hai quốc gia có nền kinh tế phát triển tốt nhất ở vào thời kỳ đó. Trớ trêu thay, đó lại là hai quốc gia đã bị Đồng Minh đánh bại 40 năm trước đó.

Các công ty của Đức và Nhật Bản tỏa sáng rực rỡ; khắp nơi trên thế giới người ta cố gắng sao chép các kỹ thuật quản lý của hai nước này để vươn lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Mỹ hiển nhiên là một gã khổng lồ về chính trị và quân sự nhưng lại đang gặp khó khăn trong lĩnh vực kinh tế. Nước Mỹ từ lâu đã không còn là ngọn hải đăng của nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng chuyện đó sẽ không kéo dài. Một khi cuộc đối đầu trong Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ sẽ rảnh tay để giành lại vị trí lãnh đạo kinh tế thế giới. Giờ đây, họ cho rằng tất cả bạn bè của mình trong quá khứ và hiện tại nên được coi như những kẻ thù thương mại. Đối với nước Mỹ, cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu đã thay thế cho Chiến tranh Lạnh.

Ngày 13-1-1993, Ngoại trưởng Warren Christopher tuyên bố trước Quốc hội Mỹ: “An ninh kinh tế của Mỹ phải được nâng lên thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ… An ninh kinh tế của Mỹ phải được thúc đẩy với nhiều năng lượng và nguồn lực giống như cuộc Chiến tranh Lạnh yêu cầu”. Theo ông, nước Mỹ đang bước vào một cuộc chiến tranh kinh tế, mục tiêu của Mỹ là giành chiến thắng trong cuộc xung đột mới này. Và vì thế an ninh quốc gia của Mỹ không thể tách rời với an ninh kinh tế.

Trong cuộc đối đầu này, các nhân viên công ty thay thế các tiểu đoàn binh lính; sức mạnh hỏa lực nhường chỗ cho sức mạnh tài chính. Để áp đặt một mô hình kinh tế mới thì truyền hình, điện ảnh, trò chơi điện tử và các sản phẩm văn hóa là những vũ khí hiệu quả hơn nhiều so với súng, xe tăng và máy bay chiến đấu. Với 5 trụ cột: tiền tệ, quân đội, Hollywood, CNN và Internet – Mỹ đã nắm trong tay một “vũ khí thống trị” vô song trong lịch sử. Chỉ cần dựa vào những con át chủ bài này là đủ để Mỹ tiếp tục là “một quốc gia duy nhất không thể thiếu” và định dạng lại thế giới phù hợp với các quyền lợi của Mỹ.

Vậy thế giới sẽ được định hình như thế nào để phục vụ quyền lợi của Mỹ? Chắc chắn không phải bằng cách tạo ra một đế chế về lãnh thổ: nó quá nặng nề và phức tạp để quản lý. Thiết lập quyền bá chủ là một con đường ít rủi ro hơn. Và để làm được điều này, không có gì tốt hơn giải pháp kinh tế và thương mại.

Tình báo Mỹ trên tuyến đầu của mặt trận kinh tế

Người Mỹ chưa bao giờ che giấu sự thật rằng các cơ quan tình báo của họ luôn được sử dụng để do thám các đồng minh của họ. Trước khi Edward Snowden, cựu nhân viên NSA và cũng là cựu điệp viên CIA, tiết lộ về việc NSA tiến hành giám sát toàn cầu, một cựu Giám đốc CIA cũng đã công khai điều này từ năm 2000.

Ngày 17-3-2000, James Woolsey đã viết trên tờ Wall Street Journal một bài báo có tiêu đề rất rõ ràng: “Tại sao chúng ta lại phải theo dõi các đồng minh của mình?”. James Woolsey cho rằng hệ thống thương mại tự do của Mỹ cho phép các công ty Mỹ sản xuất các sản phẩm tốt hơn so với các sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh châu Âu. Do đó, các công ty ở lục địa già không còn cách nào khác là phải dùng đến tham nhũng và hối lộ để bán được hàng của mình, đó chính là lý do để biện minh cho việc Mỹ theo dõi mọi đối thủ thương mại của mình.

Những tiết lộ của Edward Snowden đã khẳng định sự tồn tại của hệ thống giám sát toàn cầu của Mỹ. Mọi thứ đều được nghe, ghi lại, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu khổng lồ, không có gì có thể thoát khỏi những ăng-ten của NSA. NSA giải thích rằng 35% nguồn lực của họ được phân bổ cho cuộc chiến chống khủng bố. Vậy 65% còn lại thì đi đâu? “Nó được dành cho các hoạt động gián điệp trong lĩnh vực chính trị, quân sự và trên hết là kinh tế” một chuyên gia trong lĩnh vực an ninh thông tin khẳng định như vậy. Nói tóm lại, đó thực sự là một cuộc chiến tình báo kinh tế.

Hoạt động tình báo kinh tế của Mỹ dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân. Thông qua các ban ngành của mình, chính phủ Mỹ luôn khuyến khích các công ty trao đổi thông tin hữu ích để tìm hiểu và chinh phục thị trường nước ngoài. Tất cả các cơ quan công quyền đều tham gia vào đây, kể cả những cơ quan liên quan đến an ninh quốc gia.

Hội đồng Cố vấn An ninh Hải ngoại (OSAC), được thành lập vào năm 1985, cho phép các giám đốc an ninh của các công ty đa quốc gia của Mỹ sát cánh với các quan chức từ Cục An ninh ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao. OSAC cũng là nơi có sự tham gia của bộ máy an ninh và tình báo Hoa Kỳ. OSAC thường xuyên công bố các nghiên cứu và các cảnh báo về các rủi ro chính trị, xã hội và kinh tế ở hầu hết các quốc gia được phân loại theo vùng địa lý. Ngoài các vấn đề an ninh, mục tiêu chính của OSAC là thúc đẩy sao cho lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ ở nước ngoài ngày một bành trướng rộng rãi hơn.

Một cầu nối khác giữa khu vực công và khu vực tư nhân là Tổ chức Điều hành Doanh nghiệp vì An ninh Quốc gia (BENS) thành lập năm 1982. Thông qua BENS, các công ty trong lĩnh vực tư nhân sẽ đề xuất các giải pháp với chính phủ để cải thiện an ninh kinh tế của Mỹ. Các thành viên của BENS bao gồm các nhà lãnh đạo và giám đốc điều hành của các công ty lớn của Mỹ. Sự gần gũi giữa các yếu tố tư nhân và công cộng mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Đối với các cơ quan công quyền, họ sẽ hiểu rõ hơn về các vấn đề an ninh của doanh nghiệp. Đối với khu vực tư nhân, sự hợp tác này có hai mặt: được bảo vệ tốt hơn và khả năng tiếp cận thị trường mới bằng cách áp đặt các tiêu chuẩn kỹ thuật của nó. Việc nâng cao hiểu biết về thế giới kinh doanh cũng cho phép chính phủ giám sát được tốt hơn.

Giám đốc CIA Robert Gates trong một lần tuyên bố “hớ hênh” đã thú nhận rằng: “40% các yêu cầu được đưa ra cho chúng tôi có bản chất kinh tế. Hầu hết các thành viên chính phủ tin rằng các mối đe dọa và cơ hội của thập kỷ mới sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế quốc tế”. Một tuần sau cái tuyên bố gây chấn động này, Robert Gates cố gắng sửa sai. Ông cải chính trên báo chí rằng CIA không theo dõi mọi công ty nước ngoài mà chỉ là những công ty chơi xấu đối với các đối thủ cạnh tranh người Mỹ của họ. Nhưng có một điều là chắc chắn: thương mại quốc tế đã trở thành công việc của CIA.

Khi tham gia vào mặt trận kinh tế, CIA không tự bằng lòng chỉ với tư cách là một cơ quan tình báo. Trung tâm Langley của CIA cũng là một nhà thầu. Năm 1999, Langley thành lập In-Q-Tel, một quỹ đầu tư chuyên về công nghệ mới có trụ sở tại trung tâm Thung lũng Silicon, In-Q-Tel mua cổ phần của 38 công ty khởi nghiệp đang trên đà phát triển với mục đích muốn làm chủ các công nghệ tương lai liên quan đến giám sát mạng.

Ngay trong thời kỳ sơ khai, In-Q-Tel đã có một tiềm lực đáng kể với 30 tỷ USD. CIA quan tâm tới tất cả các công nghệ tiên tiến: công nghệ nano, công nghệ sinh học, phần mềm phân tích, biên dịch, phiên dịch tiếng nước ngoài (đặc biệt là các ngôn ngữ Phương Đông), cơ sở hạ tầng mạng và truyền thông, Dữ liệu lớn…

Vào tháng 1-2001, cộng đồng tình báo Mỹ đã thành lập Cơ quan Điều hành Phản gián Quốc gia (NCIX), về sau được đổi tên là Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (NCSC). Mục tiêu của NCSC là chống lại tất cả các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, đặc biệt là các nguy cơ gián điệp công nghiệp và kinh tế.

Nhiệm vụ hàng đầu của NCSC là cung cấp số liệu thống kê về các lĩnh vực kinh tế của Mỹ bị tấn công nhiều nhất và “vạch mặt” một số quốc gia đặc biệt hung hăng đối với các công ty Mỹ như Trung Quốc, Iran, Nga… và cả một số đồng minh của Mỹ như Pháp hoặc Đức! NCSC cũng cung cấp các quy tắc thực hành thiết thực cho các giám đốc điều hành người Mỹ để bảo vệ bí mật thương mại và công nghệ của công ty họ: cách sử dụng điện thoại, máy tính bảng và máy tính, e-mail, khóa USB…

Nước Mỹ hùng mạnh và thường xuyên áp đặt các quy tắc của mình trong những vấn đề chính trị, quân sự và kinh tế. Những tiết lộ động trời của Snowden dường như không làm thay đổi gì nhiều cách hành xử của các cơ quan tình báo Mỹ. Rất ít người đủ dũng khí để lên tiếng phản đối họ. Chỉ có Nghị viện châu Âu một vài lần đã lên tiếng trước sự lạm dụng của hệ thống tình báo kinh tế Mỹ (vụ Swift, vụ dữ liệu cá nhân của hành khách, vụ Snowden… Nhưng trong cuộc đối đầu kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay, lời nói chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng không đi kèm với những hành động cụ thể và có sức mạnh đáng kể.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới