Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiASEAN- Hoa Kỳ khởi động thời kỳ mới

ASEAN- Hoa Kỳ khởi động thời kỳ mới

Thời kỳ mới mà Hội nghị Thượng đỉnh tại Washington-DC, Mỹ lần thứ 25 vừa kết thúc khẳng định, đó là thời kỳ mà Mỹ xác định rõ tầm quan trọng chiến lược mang tính sống còn của vùng Đông Nam Á.

Tại hội nghị đặc biệt này, các nhà lãnh đạo Mỹ và ASEAN đã ra Tuyên bố chung: Nâng quan hệ hai bên từ “đối tác chiến lược” lên “đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 11/2022.

Nội hàm và ngọai diên của khái niệm này sẽ tiếp tục được làm rõ, nhưng khi xác định “thời kỳ mới” trong quan hệ là đã có được thành công mỹ mãn. Niềm vui đến với cả Washinghon và các nước Đông Nam Á. Đương nhiên trong tiếng kèn đám cưới ấy vẫn vẳng tiếng kèn đám ma. Người thổi “giai điệu buồn” có thể là Campuchia, hoặc một thành viên nào đó.

Washington đã đặt được một chân vào Đông Nam Á – một khu vực năng động nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Lại cử hẳn một vị Đại sứ sành sỏi trông coi “ngôi đền” thiêng tại Jakarta, Indonesia. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ sẽ được chắp cánh bởi khả năng hội tụ và sức đẩy của những đồng minh tin cậy trong khu vực.

Xin nhắc lại, đây là lần đầu tiên các lãnh đạo ASEAN họp tại Washington. Đây cũng là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên do một Tổng thống Mỹ làm “nhạc trưởng”, kể từ năm 2016.

Trong cuộc họp hôm 13/05, Tổng thống Joe Biden tuyên bố: Từ nay Mỹ sẽ luôn luôn sát cánh thật sự và lâu dài với các nước Đông Nam Á. Sự “sát cánh” này là nhằm tạo ra một sức đề kháng mạnh mẽ trước đà bành trướng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ cho rằng, quan hệ đối tác Mỹ-ASEAN là “rất quan trọng”. Kể từ đây mốc lịch sử này “chúng ta sẽ khởi động một thời kỳ mới cho quan hệ Mỹ – ASEAN”

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, Phó tổng thống Kamala Harris làm rõ thêm quan điểm của Tổng thống. Rằng, chính quyền Mỹ “nhìn nhận tầm quan trọng chiến lược mang tính sống còn” của vùng Đông Nam Á. Mỹ sẽ hiện diện ở khu vực này “trong nhiều thế hệ nữa”. Bà Harris cũng nhấn mạnh việc bảo đảm tự do hàng hải ở các vùng biển mà Mỹ đang bị Trung Quốc quấy rối.

Ngay sau Hội nghị này, ông Yohannes Abraham, Chánh văn phòng của Hội đồng An ninh Quốc gia, sẽ nhận nhiệm vụ làm đại sứ Mỹ bên cạnh Ban thư ký của ASEAN ở Jakarta. Chiếc ghế bị để trống kể từ năm 2017, khi tỷ phú Donald Trump ngồi vào ghế ông chủ Nhà trắng.

Bản Tuyên bố chung có khá nhiều vấn đề cụ thể, sát với tình hình hiện nay. Ngoài 28 điểm đã nêu trong Tuyên bố, lãnh ASEAN và Mỹ bày tỏ sự ủng hộ bản “Đồng thuận 5 điểm” về Myanmar, đạt được ở Jakarta vào tháng 04/2021. Hội nghị kêu gọi chấm dứt bạo lực và đối thoại xây dựng giữa các bên để chấm dứt khủng hoảng tại quốc gia này (tập đoàn quân sự Myanmar không được mời tham dự Hội nghị).

Ngoài ra, Tuyên bố chung Mỹ-ASEAN cũng tái khẳng định sự tôn trọng “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraina, tuy nhiên, “tế nhị” không chỉ trích Moscow đã gây cuộc chiến Nga-Ukraine trong gần ba tháng qua.

Khá kín tiếng về Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ, nhưng chắc chắn Bắc Kinh không vui vẻ gì khi chiếc bánh khổng lồ Đông Nam Á đang bị chia phần. Mới cách đây vài tháng, ngày 22/11/2021, Trung Quốc đã mở Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc (1991-2021). Do “cơn bão” Covid-19 tàn phá nặng nề, Hội nghị này được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tại Hội nghị trực tuyến này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: Thúc đẩy Sáng kiến phát triển toàn cầu do Trung Quốc đề xuất trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Theo đó, Sáng kiến này sẽ bổ trợ cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, đóng góp cho nỗ lực khu vực và toàn cầu phục hồi, phát triển bền vững. Các nước cùng xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác; cam kết triển khai đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố DOC, thúc đẩy xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Vậy là “sáng kiến” của Bắc Kinh đang đứng trước những thách thức mà Washington can dự. Vẫn biết các nước Đông Nam Á đều tuyên bố như Việt Nam “không chọn phe”, chỉ chọn cái đúng, cái tốt đẹp. Nhưng quốc gia nào cũng yêu thích sự thẳng thắn, trung thực, chân thành, vì sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển thịnh vượng, vì hòa bình, ổn định lâu dài.

Tuyên bố chung đã nhấn mạnh đến việc cần thiết giải quyết tranh chấp trên biển thông qua biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Kẻ nào hung hăng muốn biến Biển Đông thành ao nhà, “miệng Nam mô, bụng bồ dao găm” sẽ bị lên án và bị trừng trị đích đáng.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới