Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc rượt đuổi Mỹ-Trung trên Biển Đông

Cuộc rượt đuổi Mỹ-Trung trên Biển Đông

Mỹ và Trung Quốc đang đưa các tàu chiến lớn nhất, hiện đại nhất ra Biển Đông và Biển Hoa Đông. Về mục đích, cả hai bên đều tuyên bố, các cuộc tập trận nhằm đề phòng mối đe dọa đến từ phía bên kia. Nhưng đằng sau câu chuyện này là mục tiêu xa hơn rất nhiều.

Hồi giữa tháng 3 vừa qua, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Momsen của Hải quân Mỹ đã tập trận chung trên Biển Đông với tàu của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản và Hải quân Hoàng gia Úc. Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho hay: cuộc tập trận này nhằm tăng cường khả năng chung duy trì an ninh trên biển, sẵn sàng và đối phó với bất cứ tình huống nào trong khu vực giữa các đồng minh.

Đợt tập trận diễn ra khi Hải quân Mỹ đang âm thầm thay đổi bố trí tàu ở Nhật Bản, chuyển những tàu mới hơn và mạnh hơn đến gần eo biển Đài Loan. Việc Mỹ tăng cường tập trận với hai đồng minh Nhật Bản và Úc và tiếp tục các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải khiến Trung Nam Hải hết sức cay cú.

Trước sự “ngông nghênh” của Mỹ, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách đưa tàu chiến hiện đại nhất ra để dằn mặt. Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 15/5, tàu Thành Quan, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tàng hình Type 055 (loại tàu chiến lớn và tiên tiến nhất của quân đội Trung Quốc) đã tiến hành một loạt cuộc tập trận với ba tàu hộ tống Type 056A ở Hoàng Hải. Cuộc tập trận được tổ chức nhằm kiểm tra khả năng hoạt động chung giữa các loại tàu chiến trong môi trường điện từ phức tạp.

Các tàu đã thực hiện các cuộc tập trận phòng không, chống hạm và chống tàu ngầm trong ba ngày. Thành Quan, được tuyên bố sẵn sàng chiến đấu vào đầu năm nay. Đây là tàu chiến Type 055 thứ hai của hải quân Trung Quốc, có lượng choán nước 12.000 tấn, nó được coi là tàu khu trục mạnh thứ hai trên thế giới, sau USS Zumwalt của Mỹ. Còn tàu hộ tống Type 056A chỉ có lượng choán nước 1.440 tấn.

Ông Châu Thần Minh – nhà nghiên cứu quân sự ở Bắc Kinh, giải thích: “Các cuộc tập trận chung giữa Type 055 và Type 056A có thể rất phức tạp và đầy thách thức vì sự tham gia của nhiều công nghệ và chiến thuật mới trong tác chiến hải quân hiện đại”.

Vì sao có sự phối hợp giữa siêu tàu với tàu nhỏ? Theo một nhà phân tích ở Đài Loan, cuộc diễn tập hỗn hợp ở Hoàng Hải kết hợp giữa tàu chiến khổng lồ và tiên tiến với những tàu nhỏ hơn và tương đối kém hơn có thể nhằm mục đích mô phỏng các cuộc chạm trán với lực lượng hải quân yếu kém hơn. Rõ ràng Hải quân Trung Quốc có mục đích cụ thể đằng sau hành động này.

Được biết, tàu Thành Quan được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ ở vùng biển xa. Sau cuộc huấn luyện với các tàu hộ tống, tàu chiến Thành Quan hoàn toàn sẵn sàng cho nhiệm vụ. Đội tàu này có khả năng tác chiến các loại vũ khí hiện đại, bao gồm pháo chính, hệ thống vũ khí tầm gần, đạn gây nhiễu và ngư lôi, nhằm huấn luyện toàn diện khả năng phòng không, tấn công trên biển và chống tàu ngầm của tàu trong môi trường điện từ phức tạp.

Thành Quan được cho là một trong những tàu mặt nước hiện đại, có khả năng nhận biết tình huống và 112 ô tên lửa phóng thẳng đứng, có khả năng phóng kết hợp tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm, tên lửa tấn công đất liền và tên lửa chống tàu ngầm.

Đương nhiên, so với tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Momsen của Hải quân Mỹ thì chưa có kiểm chứng tàu nào có khả năng chiến đấu cao hơn. Có điều, cả Mỹ và Trung Quốc đều cố gắng phô phang sức mạnh của mình, và đều tuyên bố, họ chỉ đề phòng mối đe dọa đến từ đối phương.

Các chuyên gia Trung Quốc từng khoe khoang, Quân đội Trung Quốc đang hướng tới xây dựng một “Hải quân biển xanh”. Lực lượng có khả năng hoạt động ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, đặc biệt là ở các vùng biển xa đất liền và cảng nhà.

Thế nhưng, các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm và thậm chí có thể trong vài thập niên mới có được “Hải quân biển xanh”. Trước năm 2049, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tròn 100 tuổi, Trung Quốc đặt mục tiêu có một Quân đội tầm vóc toàn cầu. PLA có khả năng chiến đấu và chiến thắng các cuộc chiến tranh và vươn sức mạnh ra toàn cầu. Đó là “giấc mơ Trung Hoa”. Nhưng những con sóng dữ không dễ để ai đó tự do bơi trên mặt nước bình yên.

Và thế là hai cường quốc Mỹ-Trung vẫn đang vờn nhau như mèo vờn chuột trên Biển Đông và Biển Thái Bình Dương. Câu chuyện ai thắng ai trên biển không hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiện đại của các con tàu, mà tùy thuộc vào tất cả các yêu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tranh thủ tiếng nói, hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế, nhất là khu vực Đông Nam Á, Mỹ và Trung Quốc như hai chiến hạm khổng lồ đang tăng tốc vượt lên.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới