Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNGA XOAY CHUYỂN BÀN CỜ CHIẾN SỰ UKRAINE

NGA XOAY CHUYỂN BÀN CỜ CHIẾN SỰ UKRAINE

Nga đã xoay chuyển thế trận và tập trung lực lượng cho mục tiêu ở “chảo lửa” Donbass , sau khi tuyên bố giải phóng thành phố Mariupol và yêu cầu hơn 2.000 lính Ukraine ra hàng.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga thông báo toàn bộ binh sĩ trú ẩn bên trong nhà máy gang thép Azovstal ở thành phố Mariupol, phía Nam Ukraine đã đầu hàng, đồng thời tuyên bố “khu công nghiệp cùng thành phố Mariupol được giải phóng hoàn toàn”.

Nga cho biết số binh sĩ hạ vũ khí đầu hàng tại nhà máy Azovstal lên tới hơn 2.400 người, trong đó có các chỉ huy của Ukraine. Những người bị thương được điều trị tại bệnh viện, trong khi số còn lại bị đưa vào nhà tù ở Donetsk – khu vực do Nga và phe ly khai kiểm soát ở Đông Ukraine.

Hiện chưa rõ số phận của những quân nhân đầu hàng tại Azovstal, mặc dù phía Kiev cho biết đang nỗ lực đàm phán trao đổi tù binh với Moscow. Điện Kremlin khẳng định, các tù binh của Ukraine sẽ được đối xử theo thông lệ quốc tế mặc dù một số nghị sĩ Nga đề nghị xét xử họ với cáo buộc “tội ác chiến tranh”.

Azovstal là một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất châu Âu, nằm ở phía Đông của cảng miền Nam Ukraine. Khu công nghiệp này nhìn ra Biển Azov, có diện tích hơn 11 km2 với nhiều tòa nhà, lò luyện kim, cùng một mê cung các con đường và hầm ngầm.

Nhà máy Azovstal được xem là thành trì cuối cùng của lực lượng phòng thủ Ukraine ở thành phố cảng chiến lược Mariupol. Việc kiểm soát nhà máy Azovstal đồng nghĩa Nga kiểm soát hoàn toàn thành phố Mariupol sau nhiều tuần xung đột.

Vai trò chiến lược của Mariupol

Thành phố cảng Mariupol đã phải hứng chịu những đợt pháo kích nặng nề nhất kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2. Mariupol trở thành mục tiêu bao vây của quân đội Nga từ đầu tháng 3 và lực lượng này tiếp tục tiến sâu vào thành phố, bất chấp sự kháng cự của Ukraine.

Với vị trí địa lý chiến lược và tầm quan trọng thương mại, thành phố Mariupol là một trong những mục tiêu hàng đầu Nga muốn kiểm soát tại Ukraine. Đây là trung tâm giao thương hàng hải nhộn nhịp nhất tại khu vực Biển Azov và được coi là “mắt xích” không thể thiếu trong hành lang trên bộ của Nga tại Ukraine.

Mariupol nằm gần biên giới Ukraine – Nga, cách các khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát khoảng 10 km. Vị trí địa lý của Mariupol khiến thành phố này trở nên quan trọng về mặt chiến lược, vì việc kiểm soát Mariupol sẽ cho phép Nga thiết lập hành lang trên bộ từ Lugansk đến Donetsk và xuống bán đảo Crimea. Lugansk và Donetsk là 2 vùng lãnh thổ ly khai được Nga công nhận độc lập ở Donbass, Đông Ukraine hồi tháng 2.

Nếu kiểm soát được Mariupol, Nga có thể kiểm soát hầu như toàn bộ Biển Azov và mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng của Moscow ở khu vực gần Crimea – bán đảo Nga sáp nhập năm 2014.

Mariupol cũng là cảng lớn nhất trong khu vực Biển Azov. Các bến nước sâu giúp cảng Mariupol có tầm quan trọng đáng kể đối với hoạt động giao thương hàng hải. Các cảng khác trong khu vực, bao gồm các cảng ở các thành phố Azov, Primorsko-Akhtarsk, Rostov-on-Don, Taganrog và Yeysk của Nga, đều có khả năng cập bến hạn chế. Việc kiểm soát một cảng như Mariupol sẽ cải thiện đáng kể thời gian vận tải hàng hải và hoạt động hậu cần giữa Nga, vùng Donbass và Crimea.

Mariupol cũng là một trung tâm công nghiệp quan trọng, nơi tập trung các xí nghiệp luyện kim trọng điểm. Các doanh nghiệp sản xuất sắt thép tại đây có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Ukraine. Moscow hiểu rằng việc kiểm soát thành phố, cảng chính cũng như các ngành công nghiệp quan trọng ở Mariupol sẽ gây áp lực kinh tế lên chính phủ Ukraine.

Mariupol đóng vai trò quan trọng đối với các chiến dịch quân sự của Ukraine trước đà tiến công của quân đội Nga. Nếu thành phố này bị kiểm soát, các lực lượng Ukraine đang đóng tại đây sẽ phải đối mặt với sự cô lập về hậu cần hoặc bị bao vây. Đối với Moscow, việc kiểm soát Mariupol đồng nghĩa với việc có thể kết nối lực lượng ly khai được cho là do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine với quân đội Nga ở Crimea.

Vào tháng 5/2014, phe ly khai ở miền Đông Ukraine được cho là do Nga hậu thuẫn từng tạm thời chiếm quyền kiểm soát Mariupol trong vài tuần trước khi quân đội chính phủ Ukraine tái chiếm thành phố này vào tháng 6/2014.

Mariupol được xem là một mục tiêu quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Nga và Ukraine. Ukraine, đặc biệt sau năm 2014, coi Mariupol là chìa khóa cho bất kỳ hình thức phòng thủ nào mà nước này cần để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Mason Clark, nhà phân tích hàng đầu về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, cho rằng “quân đội Ukraine đã chuẩn bị cho điều này trong 8 năm qua”.

Ý nghĩa trận chiến Mariupol

Giới phân tích cho rằng cuộc chiến ở Mariupol có ý nghĩa đối với cả Nga và Ukraine. Olga Oliker, giám đốc chương trình châu Âu và Trung Á tại Quỹ Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng, đối với Ukraine, trận chiến tại Mariupol là biểu tượng của “chủ nghĩa anh hùng và sự hy sinh”, còn đối với Nga, đó là biểu tượng của chiến thắng sau các cuộc giao tranh khốc liệt kéo dài nhiều tuần.

Trong khi phía Nga coi các binh sĩ Ukraine tại nhà máy Azovstal là tù binh đầu hàng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi họ là những “người hùng của đất nước”. “Tôi muốn nhấn mạnh: Ukraine cần những người hùng còn sống. Đây là nguyên tắc của chúng tôi”, ông Zelensky nhấn mạnh.

Sự kháng cự của các binh sĩ Ukraine ở Mariupol đã giúp “cầm chân” lực lượng và nguồn lực của Nga, ngăn Moscow đạt được mục tiêu tác chiến ở những nơi khác.

“Từ quan điểm chiến thuật, sự kháng cự (ở Mariupol) đã giúp lực lượng Ukraine có thêm thời gian quý giá để phản công ở các khu vực khác, đồng thời tập hợp lại lực lượng và nhận thêm vũ khí từ phương Tây”, Natia Sekuria, chuyên gia về Nga, nhận định.

Theo Wang Yiwei, giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, ý nghĩa chiến lược đầu tiên của việc Nga kiểm soát Mariupol là củng cố lợi thế của Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, đồng thời khôi phục quyền kiểm soát chiến lược của Moscow đối với khu vực Biển Đen. Trong khi đó, Ukraine cũng sẽ có đánh giá về lực lượng sau trận chiến Mariupol.

“Phía Ukraine sẽ có nhận định và đánh giá mới về tình hình chung sau khi Nga kiểm soát Mariupol, vì việc tiếp quản thành phố cảng này không chỉ mang tính biểu tượng, mà thực chất, nhằm đánh thức chính phủ Ukraine về mức độ khẩn cấp của tình hình và tránh đánh giá sai về sức mạnh của quân đội Nga”, chuyên gia Wang nói.

Trước trận chiến quyết định tại nhà máy thép Azovstal, Nga đã tuyên bố “giải phóng” Mariupol từ tháng 4. Vào thời điểm đó, các chuyên gia tin rằng, ngoài nhóm binh sĩ cố thủ tại nhà máy Azovstal, Nga về cơ bản đã kiểm soát Mariupol. Tuy nhiên, động thái đầu hàng của hơn 2.400 binh sĩ Ukraine vẫn được xem là biểu tượng cho “sự chiến thắng” của Nga, nhất là khi Moscow đang tìm cách củng cố lực lượng ở phía đông và phía nam Ukraine. Theo chuyên gia Igor Korotchenko, “đây là biểu tượng của thành công, chiến thắng quân sự lớn đầu tiên ở một thành phố lớn” của lực lượng Nga.

Việc giành quyền kiểm soát Mariupol sẽ cho phép Nga thiết lập hành lang trên bộ từ Crimea trên Biển Đen đến vùng Donbass ở phía đông. Đối với Moscow, hành lang trên bộ này sẽ đảm bảo khả năng kiểm soát bờ biển Azov và giúp thông suốt các tuyến cung ứng bằng đường biển.

“Kiểm soát Mariupol sẽ đặt nền tảng cho giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch quân sự của Nga ở Donbass, vì có nhiều dấu hiệu cho thấy, với sự hỗ trợ quân sự của phương Tây do Mỹ dẫn đầu, Ukraine có thể kháng cự mạnh mẽ ở Donbass, trong khi đối với Nga, đây là trận chiến không được phép thua”, một chuyên gia về địa chính trị tại Bắc Kinh nhận định với Global Times.

Một số chuyên gia cho rằng, trận chiến Mariupol có thể coi là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine. Sau trận chiến ở Mariupol, Nga sẽ tập trung lực lượng và hướng tới mục tiêu chính trong giai đoạn hai của chiến dịch quân sự tại Ukraine là “giải phóng” hoàn toàn khu vực Donbass.

Tương lai của binh sĩ ra hàng

Bộ Quốc phòng Nga đăng video cho thấy khoảnh khắc binh sĩ Ukraine rời nhà máy Azovstal, một số nằm trên cáng, số khác giơ tay trên đầu cho binh sĩ Nga khám xét. Một nhân chứng của Reuters cho biết, xe buýt chở binh sĩ Ukraine từ Azovstal đã đến một nhà tù mới mở ở Olenivka, gần tỉnh Donetsk ở miền đông Ukraine. Điện Kremlin khẳng định, tất cả tù binh sẽ được đối xử theo công ước quốc tế.

Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) ngày 19/5 tuyên bố, hàng trăm binh sĩ Ukraine đầu hàng Nga và rời khỏi nhà máy Azovstal sẽ được đăng ký là “tù binh chiến tranh” (POW).

Công ước Geneva đã đặt ra các yêu cầu để đảm bảo rằng các tù binh được đối xử nhân đạo. Các yêu cầu này bao gồm một số vấn đề như nơi họ bị giam giữ, những hình thức cứu trợ mà họ được nhận, bao gồm trợ giúp y tế cho thương binh và các thủ tục pháp lý mà họ có thể phải đối mặt.

“Trong trường hợp này, Nga cần phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ theo Công ước, gồm đối xử nhân đạo với các tù binh, cho phép ICRC có quyền tiếp cận với họ, thông báo cho ICRC tên của họ, cho phép họ viết thư cho gia đình, chăm sóc họ nếu bị thương hoặc bị bệnh, cung cấp thực phẩm và nhiều vấn đề khác”, Marco Sassoli, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Geneva, cho biết.

“Nhưng rõ ràng, họ có thể bị giam giữ cho đến khi kết thúc xung đột vũ trang và Nga có thể giữ họ trên lãnh thổ của mình. Vì vậy, họ có thể được đưa đến Nga”, ông Sassoli nói.

Giới chức Ukraine nói rằng, những binh sĩ rời khỏi nhà máy Azovstal có thể sẽ là một phần trong các cuộc trao đổi tù binh với Nga. Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk xác nhận, Kiev sẽ thu xếp một cuộc trao đổi tù binh sau khi tình hình của các thương binh ổn định.

Tuy nhiên, một ủy ban của Nga dự kiến sẽ thẩm vấn các binh sĩ Ukraine, coi đó là một phần trong cuộc điều tra mà Moscow gọi là “điều tra tội ác của chính quyền Ukraine”.

Trong số các binh sĩ Ukraine đầu hàng lực lượng Nga có các thành viên của Tiểu đoàn Azov, vốn là lực lượng dân quân theo chủ nghĩa dân tộc tại Ukraine. Tiểu đoàn Azov đã gia nhập Vệ binh Quốc gia Ukraine và trở thành lực lượng nòng cốt chống lại quân đội Nga ở thành phố Mariupol.

Tòa án Tối cao Nga dự kiến sẽ xem xét đề nghị coi Tiểu đoàn Azov là “tổ chức khủng bố”. Động thái này có thể làm phức tạp thêm việc trao đổi các tù nhân giữa hai nước.

Nhiều nghị sĩ Nga, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Vyacheslav Volodin, lên tiếng phản đối việc trao đổi tù binh với các tay súng Azov mà họ gọi là “các phần tử tân phát xít”. Nghị sĩ Leonid Slutsky, một trong các thành viên của đoàn đàm phán Nga với Ukraine, kêu gọi truy tố, xử tử họ.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko hôm 25/5 cho biết, Moscow sẽ cân nhắc việc trao đổi tù binh với Ukraine sau khi các binh sĩ Ukraine đầu hàng “bị truy tố, kết án thích đáng”.

Andreas von Arnauld, trưởng khoa luật tại Đại học Christian Albrechts ở Kiel, Đức giải thích rằng, chỉ khi các tù binh phạm tội ác chiến tranh thì họ mới có thể bị xét xử và kết án, còn nếu chỉ là bên tham chiến trong một cuộc xung đột vũ trang, họ không thể bị trừng phạt.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, trao đổi tù nhân là hoạt động do quân đội quản lý. Vì vậy, bất cứ yêu cầu nào về trao đổi tù nhân, kể cả những người đã ra hàng từ nhà máy Azovstal đều cần được Bộ Quốc phòng Nga thông qua. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của các tù binh Ukraine.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới