Thánh đường Jamia Al-Musulman rộng 2.000m2 nằm trên đường Đông Du (quận 1, TP. HCM) được xây dựng cách đây gần 90 năm, là nơi cầu nguyện của những tín đồ Hồi giáo.
Thánh đường Jamia Al-Musulman được xây dựng vào năm 1935, có diện tích khoảng 2.000 m2. Đây là thánh đường do cộng đồng người Ấn kiều quyên góp xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của những tín đồ Hồi giáo đến từ Nam Ấn Độ sinh sống tại TP. HCM.
Lối vào chính điện có gắn bảng ghi tên và năm xây dựng. Đặc biệt, biểu tượng trăng lưỡi liềm và ngôi sao năm cánh của Hồi giáo hiện hữu trên nhiều họa tiết trang trí của thánh đường. Được biết, trăng lưỡi liềm là biểu tượng cho lịch Hồi giáo, còn ngôi sao là biểu tượng cho sự tuân theo ý Chúa.
Lối kiến trúc của thánh đường mang đậm dấu ấn Hồi giáo vùng Nam Á. Đặc trưng với những vòm cuốn cửa nhọn đầu hình lá đề và chỏm cầu hình búp sen.
Theo phong tục của người Hồi giáo, trước khi vào làm lễ, nam tín đồ phải thanh tẩy cơ thể. Vì thế, ngay bên cạnh cửa ra vào có bể nước phục vụ cho nghi thức này.
Bên trong chính điện luôn được trải thảm để phục vụ các tín đồ quỳ hành lễ. Theo phong tục của người Hồi giáo, chính điện chỉ dành cho nam tín đồ cầu nguyện. Đối với phụ nữ, nếu muốn cầu nguyện, họ sẽ đứng dọc hành lang thánh đường Jamia Al-Musulman.
Phong cách trang trí trong thánh đường Hồi giáo Jamia Al-Musulman không quá cầu kỳ. Tường được ốp gạch men trắng với nhiều cửa ra vào, điểm nhấn là những họa tiết nhiều màu trên ô cửa.
Bức tranh thánh địa Mecca ở Saudi Arabia, thủ đô tinh thần của thế giới Hồi Giáo, được treo trang trọng.
Được biết, các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện 5 lần/ngày vào các khung giờ đã được quy định: rạng đông (SuBoh) 4h30, trưa (Zuhur) 12h30, chiều (Asar) 15h30, hoàng hôn (Magh-Rib) 18h, tối (Saha) 19h30.
Thứ 6 là ngày cầu nguyện quan trọng nhất, thế nên thảm được mang thêm ra để trải xung quanh thánh điện chính. Theo một tín đồ đã ở thánh đường 20 năm: “Vào thánh lễ trưa ngày thứ 6 hằng tuần, các tín đồ thường về đây cầu nguyện rất đông. Thế nên chúng tôi phải chuẩn bị mọi thứ kỹ càng”. Ngoài ra, nơi đây còn được xem là một thánh đường Hồi giáo quốc tế khi rất nhiều người nước ngoài cũng đến đây.