Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnThỏa thuận an ninh – kinh tế của TQ ở Thái Bình...

Thỏa thuận an ninh – kinh tế của TQ ở Thái Bình Dương bị rò rỉ

Theo một tài liệu dự thảo bị rò rỉ với báo chí, Trung Quốc đang xây dựng thỏa thuận an ninh – kinh tế chưa từng có với 10 đảo quốc ở Thái Bình Dương.

Theo RT, tài liệu dự thảo về thỏa thuận an ninh – kinh tế này bị rò rỉ trùng với thời điểm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm chính thức một số quốc đảo ở Thái Bình Dương (từ ngày 25/5). Kế hoạch này được đưa ra ngay sau khi Bắc Kinh ký thỏa thuận an ninh chưa từng có với quần đảo Solomon.

Hãng tin AFP và The Guardian là những tờ báo đầu tiên tiếp cận tài liệu dự thảo có tên “Tầm nhìn phát triển toàn diện” của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Bắc Kinh kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận chung với 10 quốc đảo trong khu vực.

Ngoài hàng triệu USD viện trợ, các đề xuất được cho sẽ giúp các quốc gia Thái Bình Dương dễ dàng tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Một điểm đáng quan tâm ở kế hoạch này là việc tăng cường hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương, ví dụ như hỗ trợ đào tạo lực lượng an ninh địa phương.

Theo AFP, Ngoại trưởng Vương Nghị nhiều khả năng sẽ đề cập dự thảo này tại quốc đảo Thái Bình Dương mà ông này sẽ đến thăm, gồm Fiji, Papua New Guinea và các điểm đến nằm ngoài lịch trình như Vanuatu, Samoa, Tonga và Kiribati.

Cũng theo AFP, một số đề xuất của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương có thể được đưa ra thảo luận trong hội nghị lần thứ hai giữa Trung Quốc với các ngoại trưởng đảo quốc Thái Bình Dương tại Fiji vào cuối tháng này.

Chuyến đi của ông Vương Nghị diễn ra chỉ một tháng sau khi hiệp ước an ninh song phương giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon được ký kết vào tháng 4. Hiệp ước này vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ chính phủ Australia và một số đồng minh phương Tây.

Chính phủ Công đảng mới được bầu ở Australia đã tuyên bố sẽ “tăng cường” sự hiện diện của nước này ở Thái Bình Dương. Chính quyền mới ở Canberra lo ngại việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực.

Vấn đề Trung Quốc cũng được các ứng cử viên Công đảng đưa để chỉ trích chính phủ của cựu Thủ tướng Scott Morrison, điển hình như tân Ngoại trưởng Australia Penny Wong. Bà Wong cũng đã có chuyến thăm bất ngờ đến Fiji vào hôm nay 26/5 ngay sau khi mới nhậm.

Bà Wong cho rằng Canberra khó có thể chấp nhận viễn cảnh Trung Quốc đặt căn cứ cách bờ biển Australia chưa đầy 2.000km.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự nào tại các quần đảo ở Thái Bình Dương.

Phát biểu sau các báo cáo về tài liệu dự thảo của Trung Quốc, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định Canberra cần phải hành động, đồng thời đưa ra cam kết tăng cường chi tiêu cho an ninh và cơ sở hạ tầng ở Thái Bình Dương thêm ít nhất 350 triệu USD.

“Điều này cho thấy Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực nơi Australia luôn là đối tác an ninh đáng tin cậy kể từ sau Thế chiến thứ 2”, Thủ tướng Albanese nói.

Về phía Mỹ, nước này cũng chỉ trích thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomons, đồng thời cảnh báo các quốc gia khác trong khu vực không nên ký các thỏa thuận tương tự với Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới