Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCái kết “có hậu” cho Mỹ và Úc

Cái kết “có hậu” cho Mỹ và Úc

Úc, Mỹ, cùng một số đồng minh hẳn tạm “thở phào” trước việc Trung Quốc không đạt được nhất trí với nhóm 10 đảo quốc Nam Thái Bình Dương về hợp tác thương mại và an ninh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ngoại trưởng đảo quốc Salomon Jeremiah Manele họp báo chung

Cuộc họp do ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị, chủ trì. Mặc cho các quan chức ngoại giao Trung Quốc và truyền thông Trung Quốc trấn an dư luận quốc tế rằng: Yên tâm đi. Chuyến công du của ngoại trưởng Trung Quốc chỉ có tốt. Nó sẽ “tăng cường hơn nữa sự tin tưởng chính trị lẫn nhau giữa Trung Quốc với các quốc gia nói trên”; sẽ “đưa hợp tác trong nhiều lĩnh vực lên tầm cao mới” và “tạo động lực mới cho sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương”…

Tuy nhiên, dư luận vẫn không tránh khỏi hoài nghi động cơ thực của Trung Quốc trong trước cuộc họp sắp diễn ra. Sự hoài nghi càng tăng khi nó là sự kiện tiếp theo chỉ hơn một tháng, sau ngày Trung Quốc và Solomon chính thức ký thỏa thuận chung về hợp tác an ninh.

Còn nhớ khi thông tin trên được xác nhận chính thức, Washington và Canberra đã rất cay cú. Cay cú vì trước đó, cả hai đều “đọc vị” ra rằng, Trung Quốc đang làm mọi cách tạo thêm chỗ đứng, làm bàn đạp cho tham vọng mở rộng ảnh hưởng ra Thái Bình Dương, điều đó đe dọa trực tiếp an ninh, lợi ích của Mỹ, Úc.

Đọc vị thế nên cả Washington và Canberra tìm mọi cách ngăn cản, để rồi cuối cùng nhận một kết quả ngược lại.

Sau “ quả đắng” khó nuốt trôi đó, Trung Quốc thì thừa thắng xông lên với chuyến công du mới của ông Vương Nghị thăm nhóm 8 đảo quốc Nam Thái Bình Dương, bắt đầu từ ngày 25/5, bao gồm Quần đảo Solomon, Fiji, Kiribati, Samoa, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Timor Leste và chủ trì hội nghị lần thứ hai với các ngoại trưởng đảo quốc Thái Bình Dương tại Fiji. Đồng thời, như trả đũa truyền thông phương Tây đang soi mói, phá bĩnh chuyến đi của ông Vương Nghị, báo chí Trung Quốc chĩa mũi nhọn vào chuyến công du của tổng thống Mỹ, ông Biden, tới Nhật Bản, Hàn Quốc và chủ trì hội nghị thượng đỉnh nhóm “Bộ Tứ”.

Cũng như mọi khi, Bắc Kinh sử dụng con bài truyền thông chủ lực trong các vấn đề quốc tế, là tờ Hoàn Cầu – ấn phẩm của Nhân Dân nhật báo, công kích Nhà Trắng.Trong một bài viết, tờ báo này nhấn mạnh rằng: “Mỹ đang cố bao vây Trung Quốc bằng Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng dấu chân của Trung Quốc đã hiện diện ngoài chuỗi đảo thứ hai, và điều này chứng tỏ chiến lược bao vây của Mỹ không hiệu quả. Nỗ lực của Washington và Canberra để tạo nên một liên minh khu vực chống lại Trung Quốc sẽ thất bại”.

Còn Úc và Mỹ cũng như truyền thông phương Tây, vẻ như đã thấm bài học thất bại trong việc ngăn chặn thỏa thuận Trung Quốc đạt được với Solomon, nên lần này, dè dặt, thận trọng hơn, chỉ nhấn mạnh rằng họ lo ngại, chuyến đi của cáo già ngoại giao họ Vương là tín hiệu mới cho thấy quyết tâm của Trung Quốc đối với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng ra thế giới, trước hết, là đe dọa lợi ích của Mỹ, Úc.

Tuy nhiên, tới ngày cuối cùng của tháng 5 này, Mỹ, Úc và phương Tây như đã đạt được một cái kết “có hậu”. Cụ thể, liên quan chuyến công du của ông Vương Nghị, ngày 30/5, đại sứ Trung Quốc tại Fiji Qian Bo đã cho biết: các quan chức tham gia hội nghị đã đồng ý thảo luận về thông cáo chung và kế hoạch 5 năm “cho đến khi chúng tôi đạt được sự nhất trí”.

“Cho đến khi đạt được nhất trí” có nghĩa là còn những vấn đề chưa thể nhất trí. Với Úc và Mỹ, bước đầu, thế cũng có thể coi là thắng lợi vậy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới