Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiReam, giúp đỡ đầu tư hay bán đứt?

Ream, giúp đỡ đầu tư hay bán đứt?

Có một căn cứ hải quân ở Campuchia đang được dư luận thế giới, nhất là Việt Nam và các nước trong khu vực hết sức quan ngại. Nó như cái gai đâm vào mắt ông chủ Lầu Năm Góc. Nó như một đe dọa đối với chính quyền Hà Nội.

Căn cứ này có tên là Ream. Theo các nguồn tin nước ngoài, Trung Quốc đang xây dựng cơ sở cho quân đội của họ có thể sử dụng. Trong chương trình nghị sự những cuộc họp của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman khi bà đến thăm Việt Nam vào cuối tuần này sẽ bàn tới căn cứ hải quân Ream

Ream – một cái nhọt bọc đang mưng mủ trong quan hệ Mỹ-Campuchia trong nhiều năm nay. Từ lâu, Lầu Năm Góc cho rằng, nó đang được Trung Quốc chuyển đổi mục đích sử dụng để củng cố một mạng lưới tiền đồn quân sự.

Thế nhưng, Trung Quốc và Campuchia thì cho rằng, Washington đang làm nhiễu thông tin, làm phức tạp hóa một vấn đề bình thường. Ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia, khẳng định: việc xây dựng không gì khác hơn là nhằm hiện đại hóa căn cứ với một cơ sở bảo dưỡng tàu thuyền mới được phát triển dưới sự viện trợ của Trung Quốc. Đây không phải là một cơ sở “độc quyền” cho hạm đội Trung Quốc trong căn cứ hải quân Ream.

Bắc Kinh cũng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc cho rằng căn cứ này sẽ do quân đội Trung Quốc sử dụng. “Việc chuyển đổi căn cứ Hải quân Ream chỉ nhằm tăng cường khả năng của lực lượng hải quân Campuchia trong việc duy trì chủ quyền lãnh thổ trên biển và trấn áp tội phạm trên biển”- phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trả lời báo chí hôm 7/6.

Trở lại chuyến thăm Việt Nam của Thứ trưởng Ngoại giaoWendy Sherman. Theo lịch trình, bà sẽ không gặp các quan chức quốc phòng Việt Nam. Thế nhưng, năm 2014, bà Wendy Sherman (khi đó là phó Ngoại trưởng phụ trách Chính trị sự vụ) đã gặp Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, để nói rõ quan ngại của Mỹ về sự can thiệp quân sự của Bắc Kinh tại căn cứ Ream.

Việc Bắc Kinh giúp Phnom Penh cải tạo và nâng cấp những cơ sở tại Ream là một minh chứng cho sự hữu hảo giữa Trung Quốc và Bắc Kinh. Đồng thời, đó cũng là sự “mất mát” về ảnh hưởng Việt Nam tại Campuchia trong những năm gần đây. Hồi tháng 1/1979, chính Hải quân Việt Nam đã chiếm căn cứ Ream từ quân Pol Pol và sau đó chuyển giao nó từ Khmer Đỏ cho tân chính phủ Campuchia.

Sự “mất mát” của Hà Nội không chỉ ở mối quan hệ ngoại giao mà ngay ở chỗ địa quân sự, địa kinh tế. Bởi căn cứ Reaam ở ngay sát đảo Phú Quốc (cách khoảng 30 km) thuộc tỉnh Kiên Giang của Việt Nam.

Tháng 7/1982, Hà Nội và Phnom Penh ký một thỏa thuận về “vùng nước lịch sử”. Thỏa thuận này nhằm phân định biên giới biển và chủ quyền đối với các đảo trong Vịnh Thái Lan, giảm “hiểu nhầm” và ngăn ngừa những xung đột có thể xảy ra.

Mối đe dọa về an ninh đã và đang rập rình ở đây khi mà Trung Quốc có được cơ sở hải quân đầu tiên trên đất Đông Nam Á. Nắm được căn cứ hải quân Ream, Bắc Kinh sẽ có điều kiện mở rộng tuần tra khắp Biển Đông. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, đã có một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc bố trí nhân sự, tàng trữ vũ khí và cho chiến hạm đóng tại căn cứ này.

Bình luận về “cái gai Ream”, nhà nghiên cứu Sovinda Po tại Viện Hợp tác- Hòa Bình Campuchia nói: “Những tin tức mới nhất về Căn cứ Hải quân Ream là một chỉ dấu cho thấy Mỹ không chấp nhận thực tế Campuchia và Trung Quốc đã trở thành đối tác thân cận tại Đông Nam Á. Lý do chính đằng sau những cáo buộc thường xuyên của Mỹ là muốn răn đe chính phủ Campuchia đừng quá kết thân với Trung Quốc.”

Ông Sovinda Po bình luận thêm: “Việt Nam cũng sẽ rất bất bình khi Trung Quốc tiến gần hơn đến lãnh thổ của họ. Hiện tại Hà Nội và Bắc Kinh đang có những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Niềm tin vào nhau giữa chính phủ hai nước cũng không mấy mặn mà”.

Vậy là một căn cứ hải quân ở một quốc gia nhỏ mà gây hiệu ứng không nhỏ. Không hề nói quá khi nó trở nên một thế an ninh lưỡng nan cho Campuchia, Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc.

Hàng chục năm qua, với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã đổ không ít tiền của vào những dự án hạ tầng quan trọng ở Campuchia, như: Đặc khu Kinh tế Shihanukville, Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville, sân bay quốc tế mới Siem Reap, đường xá, cầu cống và các nhà máy thủy điện…

Khi Trung Quốc tóm được gáy Campuchia cũng có nghĩa ảnh hưởng của Mỹ với xứ Chùa Tháp giảm đi. Mặc dù ông Hun Sen – Thủ tướng Campuchia luôn nói rằng, đất nước của ông không chọn phe, chỉ chọn lợi ích dân tộc, nhưng không đi với Trung Quốc thì sẽ đi với ai?

Cho nên không lạ gì khi quân đội Trung Quốc sắp tới sẽ làm chủ căn cứ hải quân tại Ream. Dù thanh minh thanh nga kiểu gì thì Phnom Pênh cũng đã “bán đứt” một căn cứ tiền đồn quân sự cho nước ngoài. Sự mua bán ấy được ẩn danh với những mĩ từ “giúp đỡ đầu tư”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới