Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKit test Việt Á ra đời và "gây họa" như thế nào?

Kit test Việt Á ra đời và “gây họa” như thế nào?

Sau khi kit test Covid-19 được cấp phép lưu hành hồi tháng 3/2020, Việt Á đã “bắt tay” với các đối tác bán sản phẩm này cho 62 tỉnh, thành phố. Cũng từ que test này, đã có tới gần 60 người bị khởi tố.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 5/3/2020.

Dùng gần 19 tỷ đồng ngân sách để nghiên cứu kit test Covid-19

Ngày 5/3/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm Real-time RT-PCR one step phát hiện virus corona chủng mới (Covid-19) do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) thực hiện.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chiều mùng 6 tết (năm 2020-PV), Bộ KH-CN đã họp khẩn với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu bàn về các định hướng nghiên cứu góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại đây, các chuyên gia, các nhà khoa học đã thống nhất kiến nghị Bộ KH&CN tập trung vào các hướng nghiên cứu về dịch tễ học, virus học, phác đồ điều trị đặc biệt là chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) phát hiện virus corona chủng mới (nCoV).

Chỉ sau buổi họp vài ngày, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã ký quyết định phê duyệt đặt 4 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia đột xuất góp phần phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus corona chủng mới (nCoV)” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Việt Á thực hiện.

“Xác định rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc phải sớm có bộ kit phát hiện nCoV để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y và Công ty Việt Á đã nỗ lực làm việc không mệt mỏi, cả ngày nghỉ lẫn ban đêm, đến nay 2 đơn vị đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ kit real-time RT-PCR one step phát hiện nCoV”, ông Tạc nói tại cuộc họp báo khi đó.

Lãnh đạo Bộ KH-CN thông tin, vào 16h ngày 3/3/2020, Hội đồng KH-CN cấp Quốc gia do Bộ trưởng Bộ KH-CN thành lập đã họp đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit real-time RT-PCR one step với tỷ lệ 08/08 (100%) thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit real-time RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.

Ngày 4/3/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BTY về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm virrus corona (SARS-CoV-2) được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á cho biết, thời gian cho kết quả của bộ kit này là 2 tiếng, tương đương với các bộ kit khác của WHO và CDC; nhưng tiền thì chỉ từ 400-600 nghìn đồng, bằng 1/3 giá tiền của WHO.

Tiếp đó, vào tháng 12/2021, Cổng thông tin Bộ KH-CN đã đăng tải báo cáo chi tiết liên quan đến bộ kit xét nghiệm Covid-19 nói trên. Trong đó có thông tin, tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỷ đồng.

Gần 60 người bị khởi tố

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán virus xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là kit test Covid-19) xảy ra tại Công Việt Á và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Kết quả điều tra và đấu tranh với các đối tượng xác định, tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit test Covid-19. Tính đến 18/12/2021, Công ty Việt Á đã cung ứng kit test Covid-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 lên khoảng 45% và chi “hoa hồng” lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng. Việt Á sau đó thu lợi trên 500 tỷ đồng.

Trở lại công trình nghiên cứu kit test Covid-19 nói trên, theo Bộ KH-CN công bố có kinh phí từ ngân sách là gần 19 tỷ đồng. Khi vụ án được khởi tố, dư luận băn khoăn, tại sao nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia, dùng tiền ngân sách lại rơi vào tay Việt Á.

Đem thắc mắc trên, phóng viên đã hỏi lãnh đạo Bộ Công an tại cuộc họp báo cuối năm 2021 nhưng chưa nhận được câu trả lời rõ ràng. Chỉ đến chiều 7/6/2022, khi ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN và ông Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, thì câu hỏi này mới dần được sáng tỏ.

Theo Bộ Công an, ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng KH-CN, có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước; đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ông Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN, có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Liên quan đến vụ án trên, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố 58 bị can về 5 tội danh, gồm: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 3/3/2022, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Cơ quan điều tra đã tiến hành phong tỏa, kê biên, thu hồi tài sản trị giá 1.600 tỷ đồng liên quan vụ Việt Á.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới