Loài người đang đón nhận một tin đáng lo ngại: Mối đe dọa vũ khí nguyên tử của Nga và căng thẳng giữa các cường quốc hạt nhân đã trở lại. Sau 35 năm giảm mạnh, số vũ khí nguyên tử trên thế giới có thể tăng nhanh trong thập niên tới.
Hôm 13/6, Hãng Reuters dẫn một báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho hay, kho vũ khí hạt nhân toàn cầu sẽ tăng trở lại trong những năm tới, kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Đáng lo ngại hơn, nguy cơ vũ khí này được sử dụng cũng một ngày cao hơn.
Nguyên nhân ban đầu được cho là, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, cùng với sự tham chiến của phương Tây đối với Kiev chính là ngòi nổ làm gia tăng căng thẳng giữa 9 cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân trên giới, bao gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Trong đó ầm ĩ và ngang ngược nhất chính là Triều Tiên. Riêng Nga và Mỹ nắm giữ tới 90% kho vũ khí nguyên tử của thế giới.
Trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, vào năm 1986, số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới ở mức cao nhất, khoảng hơn 70.000. Đến năm nay, số đầu đạn hạt nhân đã giảm chỉ còn khoảng 1/5, chủ yếu là do kho vũ khí hạt nhân của hai “ông trùm” Nga và Mỹ được xây dựng trong Chiến tranh Lạnh đã giảm mạnh.
Đầu năm 2022, trên thế giới có tổng cộng 12.705 đầu đạn hạt nhân, ít hơn 375 đầu đạn so với đầu năm 2021. Song, bức tranh hạt nhân lý tưởng này đã bị xé toạc. Ở thời điểm hiện tại, nguy cơ hạt nhân đã leo thang đến mức cao nhất. Chuyên gia Matt Korda, một trong các đồng tác giả báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm lo lắng: “Chẳng bao lâu nữa, lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, số lượng vũ khí nguyên tử trên thế giới có thể sẽ bắt đầu tăng trở lại, và đây là một hiện tượng thật sự nguy hiểm”.
Rốt cục, thế giới sẽ rất khó đạt được tiến bộ về giải trừ vũ khí hạt nhân trong những năm tới. Những tuyên bố gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến nhiều cường quốc vũ khí hạt nhân phải cân nhắc lại các chiến lược nguyên tử của chính họ. Chẳng hạn Anh và Trung Quốc đang gấp rút triển khai kế hoạch hiện đại hóa, hoặc phát triển kho vũ khí nguyên tử.
Nói riêng về Trung Quốc. Những công trình được phát hiện qua ảnh vệ tinh tại vùng hoang mạc tây bắc Trung Quốc khiến chính quyền Joe Biden phải cảnh giác. Bắc Kinh gia tăng kho vũ khí nguyên tử bằng cách nào? Nước này đang xây dựng hơn 250 xi-lô phục vụ việc phóng hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM), chủ yếu ở Cam Túc và Tân Cương.
Một bản báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc, quân đội Trung Quốc muốn tăng gấp ba số đầu đạn nguyên tử, từ 350 lên 1.000 vào năm 2030, vì họ cho rằng Trung Quốc còn thua kém Mỹ (5.500) và Nga (6.500). Theo chuyên gia quân sự Tống Trung Bình, Trung Quốc dứt khoát phải đối phó với Mỹ, gia tăng năng lực phóng hỏa tiễn không chỉ trên mặt đất mà cả dưới biển.
Đối với lực lượng Hải quân Trung Quốc, Bắc Kinh cũng tăng cường sức mạnh. Quân đội Trung Quốc vừa công bố phiên bản tàu ngầm nguyên tử phóng hỏa tiễn (SNLE) Jin 094. Đây là loại tên lửa có khả năng tàng hình cao, có thể tấn công vùng duyên hải Hoa Kỳ, trong khi chờ đợi thế hệ mới hơn là Jin 096.
Lực lượng không quân Trung Quốc cũng được đầu tư vũ khí hiện đại. Oanh tạc cơ chiến lược H-6 có thể mang hỏa tiễn đạn đạo bay đến tận vùng nhận diện phòng không Đài Loan.
Thật đáng báo động về một mối đe dọa tiềm tàng: vũ khí hạt nhân. Ngày nay nhân loại hiểu rất rõ rằng: vũ khí hạt nhân là thứ vũ khí mạnh ở mức độ hủy diệt, khác biệt hoàn toàn so với những loại bom hay chất nổ thông thường. Hiện tại con số gần 13.000 đầu đạn hạt nhân chưa phải là con số cuối cùng. Ngoài bom A và bom H còn có nhiều loại vũ khí hạt nhân khác nhau như: đầu đạn gắn vào các tên lửa liên lục địa, tên lửa hành trình hay ở quy mô nhỏ hơn như đạn pháo và mìn.
Trước nguy cơ hủy diệt, nhiều nước trên thế giới đã ký hiệp ước giới hạn kho vũ khí hạt nhân và không tùy tiện sử dụng vũ khí hạt nhân vào các nước khác. Trong các nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân thì 3 nước là Mỹ, Nga và Trung Quốc có những vũ khí mạnh đến mức có thể nhắm vào bất cứ mục tiêu nào trên thế giới.
Chiến tranh hạt nhân vẫn đang là một mối đe dọa lớn đối với nhân loại. Trong khi đó mối quan hệ giữa các cường quốc ngày một xấu đi, hoặc là “hợp tác” một cách miễn cưỡng. Khi số lượng vũ khí hạt nhân đang đà tăng mạnh thì Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương mới chỉ bàn đến các vấn đề “khung” mà hình như còn né tránh, hay ngại đụng đến cái “lò hạt nhân”nguy hiểm phân bố ở 9 quốc gia? Đây đúng là sự kiện đáng báo động nhất, nỗi lo lớn nhất của loài người kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
H.Đ