Friday, May 3, 2024
Trang chủQuân sựMỹ vẫn có những "điểm mù" về chiến lược quân sự của...

Mỹ vẫn có những “điểm mù” về chiến lược quân sự của Ukraine

Các cơ quan tình báo Mỹ có ít dữ liệu hơn so với những gì họ mong muốn về các hoạt động quân sự của Ukraine, cũng như thành công và thất bại của Kiev trên chiến trường.

Tổng thống Zelensky thăm một cứ điểm của lực lượng Ukraine tại Zaporizhzhia vào ngày 5/6.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 vừa qua, Tổng thống Zelensky đã cung cấp thông tin cập nhật gần như hàng ngày về tình hình chiến sự trên các phương tiện truyền thông xã hội, đăng tải video binh sỹ Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây. Về phía Mỹ, Bộ Quốc phòng nước này cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp về diễn biến xung đột.

Bất chấp dòng chảy liên tục của thông tin, các cơ quan tình báo Mỹ vẫn có ít dữ liệu hơn so với những gì họ mong muốn về các hoạt động của Ukraine, cũng như thành công và thất bại của Kiev trên chiến trường.

Khoảng trống về thông tin tình báo

Các quan chức Mỹ cho biết, Ukraine cung cấp cho nước này rất ít thông tin mật hoặc chi tiết về kế hoạch hành động của họ. Còn Ukraine cũng thừa nhận họ đã không tiết lộ cho Washington tất cả mọi thứ. Khoảng trống này đã gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền Biden khi quyết định viện trợ các lô vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine.

Cộng đồng tình báo Mỹ thu thập thông tin về rất nhiều quốc gia trên thế giới nhưng chủ yếu tập trung vào những nước mà Washington coi là đối thủ, chẳng hạn như Nga, Trung Quốc. Nếu như Nga được coi là ưu tiên hàng đầu của các điệp viên Mỹ trong 75 năm qua thì với Ukraine, Mỹ lại nỗ lực giúp họ xây dựng cơ quan tình báo hơn là do thám chính phủ nước này. Kết quả là Washington đã có những “điểm mù”.

Ông Beth Sanner – một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho biết: “Chúng ta không thực sự biết Ukraine đang làm gì, cũng như việc nước này đã thiệt hại bao nhiêu binh sỹ và mất bao nhiêu thiết bị”.

Nhưng ngay cả khi không có một bức tranh toàn cảnh về năng lực quân sự và tình hình của Ukraine, chính quyền Biden vẫn quyết tâm thúc đẩy những khả năng mới, chẳng hạn như cung cấp hệ thống pháo tiến tiến cho Kiev. Ukraine đang chờ được tiếp nhận những vũ khí mạnh mẽ hơn của phương Tây sau khi chịu nhiều tổn thất trên chiến trường Donbass.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, họ có một quy trình nghiêm ngặt khi cung cấp vũ khí cho nước khác. Xuất phát từ yêu cầu của Ukraine, Washington sẽ xác định xem họ cần loại thiết bị nào và liệu lực lượng của Kiev có thể nhanh chóng làm chủ những vũ khí này hay không.

Một số cơ quan tình báo châu Âu nhận định Ukraine sẽ rất khó khăn thậm chí không thể giành lại những vùng đất mà Nga đã kiểm soát kể từ cuối tháng 2, nhưng tình báo Mỹ lại tỏ ra ít bi quan hơn. Tuy vậy, những câu hỏi về tình trạng của các lực lượng Ukraine cũng như chiến lược của nước này ở Donbass đã tạo ra một bức tranh không hoàn chỉnh cho Mỹ.

Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, bà Avril D. Haine cho rằng, rất khó đoán mức độ Ukraine sử dụng các loại vũ khí được phương Tây cung cấp. “Trên thực tế, chúng tôi có cái nhìn rõ ràng hơn về các hoạt động của Nga hơn là Ukraine”.

Một câu hỏi quan trọng khác là Tổng thống Zelensky sẽ kêu gọi thêm sự hỗ trợ nào tại Donbass hay không khi Ukaine đang phải đối mặt với sự lựa chọn đầy khó khăn: hoặc rút lực lượng hoặc chấp nhận bị Nga bao vây. Trong chuyến thăm tiền tuyến vào cuối tuần qua, ông Zelensky cho biết, tình hình tại Sievierodonetsk – một thành phố chiến lược ở Donbass “rất khó khăn”. Ông thừa nhận có tới 100 binh sỹ Ukraine thiệt mạng mỗi ngày.

“Một cuộc tranh luận tại Ukraine về khả năng rút lui ở Donbass có thể đang diễn ra nhằm tránh nguy cơ các binh sĩ bị vây chặt”, Stephen Biddle, chuyên gia các vấn đề quốc tế tại Đại học Columbia lưu ý. “Nếu có chủ ý rút quân, ông Zelensky sẽ phải tìm ra lý do hợp lý để giải thích với người dân và với chính phủ các nước phương Tây”.

Lý do khiến Ukraine ngần ngại chia sẻ toàn bộ thông tin

Mỹ được cho là thường xuyên cập nhật dữ liệu tình báo cho Ukraine về vị trí và quy mô của lực lượng Nga và Ukraine có thể đã sử dụng thông tin này lập kế hoạch hành động, tấn công cũng như củng cố hệ thống phòng thủ của họ.

Nhưng ngay cả trong những cuộc trao đổi với các quan chức cấp cao của Mỹ, chẳng hạn như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hay Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark A. Milley, các quan chức Ukraine chỉ chia sẻ mục tiêu chiến lược chứ không phải kế hoạch hành động cụ thể của họ.

Chuyên gia Stephen Biddle cho rằng, có nhiều lý do khiến Ukraine không thể tiết lộ hoàn toàn về lực lượng cũng như chiến lược quân sự của họ.

“Ukraine có lẽ không muốn công khai hoàn toàn những tổn thất của họ bởi điều đó có thể củng cố nỗ lực chiến đấu của Nga. Nhưng rõ ràng chúng ta không thực sự biết tất cả các khía cạnh của câu chuyện”, ông Biddle nhấn mạnh. Một lý do khác là việc tiết lộ thông tin có thể Mỹ và các nước phương Tây khác trì hoãn tiến trình cung cấp vũ khí.

Ngoài những vấn đề nói trên, một yếu tố khiến Washington khó thu thập thông tin về chiến dịch của Ukraine đó là tình trạng mây mù làm hạn chế hiệu quả của các vệ tinh.

Ông Biddle nhận định, bức tranh mà các quan chức Mỹ đưa ra về một cuộc chiến tranh khốc liệt, không bên nào đạt được tiến bộ quyết định, dường như là chính xác. Tuy nhiên, thông tin về con số thương vong, tổn thất trang thiết bị của Ukraine là không đầy đủ.

Còn cựu quan chức tình báo Beth Sanner cho rằng, tình báo Mỹ có thể phải chịu trách nhiệm trước người dân và Quốc hội Mỹ nếu họ không thể cung cấp một bức tranh toàn cảnh về triển vọng quân sự của Ukraine.

“Cho đến nay Mỹ hầu như chỉ tập trung đánh giá các mục tiêu của Nga và triển vọng Moscow đạt được mục tiêu đó. Chúng ta không hề đề cập đến việc liệu Ukraine có thể đánh bại họ không. Đây có lẽ là một thất bại trong việc thu thập thông tin tình báo”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới