Monday, January 27, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChuyến thăm Trung Đông đầu tiên của TT Biden: Loạt vấn đề...

Chuyến thăm Trung Đông đầu tiên của TT Biden: Loạt vấn đề hóc búa nào cần giải quyết?

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, Tống thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Trung Đông từ ngày 13-16/7/2022.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Đây là chuyến thăm Trung Đông đầu tiên của ông Biden kể từ khi nhậm chức Tổng thống tháng 1/2021.

Trạm dừng chân đầu tiên sẽ là Israel và các vùng lãnh thổ Palestine ở Bờ Tây. Tổng thống Biden dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Israel Naftali Bennett hoặc Yair Lapid, Thủ tướng lâm thời do cuộc khủng hoảng chính phủ tại Israel và Chủ tịch Chính quyền Dân tộc Palestine Mahmoud Abbas tại Bethlehem.

Sau đó, ông Biden sẽ bay sang Ả Rập Saudi gặp Quốc vương Salman bin Abdulaziz và Thái tử Mohammed bin Salman (MBS), tham dự Hội nghị thượng đỉnh do Quốc vương Salman bin Abdulaziz triệu tập tại Jeddah (Ả Rập Saudi) với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Ai Cập, Jordan và Iraq.

Các vấn đề thảo luận trong chuyến thăm của TT Biden
Quan hệ với Israel: Các nhà ngoại giao và những nhân vật thân cận với chính quyền ông Biden cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Trung Đông có mục đích rõ ràng nằm trong kế hoạch lập một liên minh để kiềm chế Iran. Các biện pháp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – Israel, các bước cần thiết nhằm đưa Israel hội nhập vào khu vực Trung Đông sẽ được thảo luận và công bố trong chuyến thăm.

Một số nội dung mới sẽ được bổ sung vào thoả thuận hợp tác an ninh và liên minh giữa Mỹ và Israel. Truyền hình nhà nước Israel đưa tin rằng, hợp tác an ninh chưa từng có giữa Israel, Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác có thể sẽ được công bố trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.

Bình thường hoá quan hệ Israel – Ả Rập: Israel cho biết, trong thời gian ở Ả Rập Saudi, Tổng thống Biden sẽ công bố các bước tiến tới bình thường hóa giữa Tel Aviv và Ryadh, mở không phận cho các chuyến bay của Israel. Đổi lại, Israel sẽ ủng hộ việc chuyển giao chủ quyền đối với các đảo Tiran và Sanafir nằm ở Biển Đỏ, từ Ai Cập cho Ả Rập Saudi.

Bình thường hoá quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi, quốc gia có vai trò nòng cốt trong thế giới Ả Rập nói chung và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nói riêng sẽ góp phần hết sức quan trọng vào việc mở rộng “Thỏa thuận Abraham”, thúc đẩy các nước Ả Rập khác tham gia.

Liên minh chống Iran: Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong thời gian gần đây giữa Israel và Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã tiết lộ về việc thành lập một liên minh phòng không với sự tham gia của Mỹ và các đối tác trong khu vực.

Tổng thống Biden cũng dự kiến sẽ tuyên bố thành lập một “bộ máy phòng thủ chung” trong khu vực dưới cái tên “Liên minh Phòng không” nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran, chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran nhằm vào Israel và các nước khác trong khu vực. Bộ máy phòng thủ này sẽ do Mỹ lãnh đạo bao gồm Israel, các bên ký kết Hiệp định Abraham và các nước chưa ký kết như Qatar và Iraq.

Ông Biden dự kiến sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Ả Rập một loạt các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề dầu mỏ, Yemen, Iran và cuộc chiến chống khủng bố.

Dầu mỏ và quan hệ kinh tế: Tại Hội nghị thượngđỉnh Ả Rập,Tổng thống Biden sẽ tìm cách thuyết phục các nước xuất khẩu dầu mỏ, đặc biệt là Ả Rập Saudi tăng sản lượng để để bù đắp lại sự thiếu hụt dầu của Nga do bị Mỹ và phương Tây cấm vận, nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu và lạm phát ở Mỹ trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2022 tới mà đảng Dân chủ của ông đang đứng trước nguy cơ thất bại.

Hợp tác kinh tế là một trong những vấn đề quan trọng nhất sẽ được bàn thảo với các nhà lãnh đạo khu vực. Các chuyên gia kinh tế Mỹ nhận định, Trung Đông với với nguồn tài nguyên dầu mỏ và nhu cầu tiêu thụ hàng hoá hàng đầu thế giới vẫn rất cần thiết cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu trong ba thập kỷ tới. Thế giới sẽ cần dầu ở mức hiện tại, tức là khoảng 100 triệu thùng mỗi ngày cho đến năm 2050. Nguồn cung chủ yếu vẫn là Ả Rập Saudi.

Ngoài ra, hàng năm Mỹ nhập khẩu từ Trung Đông với tổng giá trị khoảng 65 tỷ USD từ Trung Đông đạt 65 tỷ USD, trong số đó 30 tỷ USD là nhập khẩu dầu mỏ. Theo số liệu thống kê năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Đông lên tới 77 tỷ USD và đang có xu hướng tăng. Xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy xu hướng này của Mỹ, vì Trung Đông là một nhu cầu thiết yếu và Ả Rập Saudi đóng vai trò quan trọng nhất.

Một số vấn đề nổi cộm trong chuyến thăm của TT Biden
Người phát ngôn Nhà Trắng Karen-Jean-Pierre cho biết, nhân quyền là một nội dung luôn có trong chương trình nghị sự của đàng Dân chủ và cá nhân Tổng thống Biden. Trước đây, ông Biden đã lên án mạnh mẽ tình hình vi phạm nhân quyền ở Ả Rập Saudi, đặc biệt là vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 và cáo buộc Thái tử MBS đứng sau vụ này. Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Ryadh. Quan hệ giữa Thái tử MBS và Tổng thống Biden trở nên hết sức căng thẳng. Mới đây, Thái tử MBS đã không nhấc máy điện thoại trả lời cú gọi của ông Biden.

Trong cuộc trò chuyện với các nhà báo trên đường đến Philadelphia, ông Biden đã né tránh nói về vấn đề tổ chức một cuộc gặp với Thái tử Ả Rập Saudi MBS và vẫn nhấn mạnh lập trường của mình “sẽ không thay đổi” về vấn đề nhân quyền.

Về yêu cầu tăng sản lượng dầu, Ả Rập Saudi đã nhiều lần tuyên bố không thể đơn phương quyết định và có nghĩa vụ tôn trọng thoả thuận với nhóm OPEC , đặc biệt với Nga là nước có quan hệ tốt và đang cung cấp một lượng lớn ngũ cốc cho Ryadh. Mặt khác, Ả Rập Saudi rất hài lòng với giá dầu cao hiện nay đang đem lại nguồn thu nhập lớn cho ngân sách của họ đang bị thiếu hụt.

Việc thành lập một mặt trận chống Iran sẽ đi ngược lại cam kết của Tổng thống Biden về việc khôi phục lại thoả thuận hạt nhân JCPOA và xu hướng bình thường hoá quan hệ giữa các nước Ả Rập vùng Vịnh với Tehran, mâu thuận với nguyện vọng của các nước trong việc xây dựng Trung Đông thành một khu vực hoà bình, ổn định và thịnh vượng.

Các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Biden vẫn chủ trương tiếp cận các vấn đề với Iran bằng các biện pháp ngoại giao. Washington sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến với nhóm P5 1 cũng như Israel và các đối tác khác ở khu vực về các phương thức hành động tốt nhất trong quan hệ với Iran. Các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna thất bại sẽ đẩy khu vực vào vòng xoáy bạo lực và leo thang căng thẳng mới, trái với lợi ích của các nước Ả Rập và của chính nước Mỹ.

Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Đông có ý nghĩa vượt xa “việc sắp xếp lại quan hệ” hay nhu cầu năng lượng của Mỹ. Tổng thống Biden đang đứng trước một nhiệm vụ hết sức khó khăn trong việc làm hài hoà lợi ích giữa Mỹ và các nước Trung Đông và mối quan hệ hết sức phức tạp giữa các nước trong khu vực với nhau.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới