Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVề chiến lược “hai đại dương” của TQ

Về chiến lược “hai đại dương” của TQ

Gần đây báo chí thế giới quan tâm nhiều tới chiến lược “hai đại dương” của Trung Quốc. Cái chiến lược này đã được chuẩn bị cả chục năm nay, gắn liền với triều đại Tập Cận Bình. Mục tiêu của chiến lược là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sẽ thuộc về sự cai trị của Trung Quốc.

Trước sự trở lại “hăng hái” của Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhiều lần khẳng định, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington đã “lỗi thời”. Ông Vương lên án: Kế hoạch xây vòng kết nối gồm các quốc gia chống lại Bắc Kinh trong các cuộc xung đột chính trị là biểu hiện tâm lý Chiến tranh Lạnh. Thời kỳ Trung Quốc bị bắt nạt đã biến mất. Trung Quốc có đủ năng lực để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay Trung Quốc đã liên tục đưa tàu chiến xuống Biển Đông, tiến hành các cuộc tập trận lớn trên Biển Hoa Đông. Trong thời gian nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cùng đồng minh tăng cường hiện diện ở khu vực, Bắc Kinh tìm cách gây sức ép lên năng lực phòng thủ của Đài Loan. Còn thời điểm AUKUS được công bố, Trung Quốc lập tức đưa tàu hải quân đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Úc. Kế này người Tầu gọi là “dùng tay thay mồm” để đe nẹt đối phương.

Cùng với âm mưu kiểm soát Biển Đông và Biển Hoa Đông, Bắc Kinh tìm cách lập thêm các căn cứ ở Đông Phi nhằm củng cố sức mạnh tại Ấn Độ Dương; tận dụng mặt trận kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương – một khu vực mà Mỹ đã lỏng tay dưới thời nhà tỉ phú Donald Trump làm ông chủ Nhà Trắng.

Bước vào thập niên thứ hai, thế kỷ XXI, Bắc Kinh có những động thái cụ thể, quyết liệt hơn nhằm mở rộng các hoạt động can dự của mình trong khu vực Ấn Độ Dương và mở rộng sự hiện diện trong khu vực Thái Bình Dương. Đây chính là một phần trong chiến lược “hai đại dương” của Trung Quốc.

Kế hoạch thống trị cả hai đại dương của Bắc Kinh đang diễn ra khá lộ liễu. Hãy đặt chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào bối cảnh cụ thể, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn giá trị và tầm quan trọng của hai đại dương này.

Thái Bình Dương là đại dương lớn và sâu nhất thế giới, bao phủ khoảng 1/3 bề mặt trái đất. Còn vùng biển Ấn Độ Dương tiếp giáp 28 quốc gia (có số dân chiếm khoảng 30% số dân thế giới). Về tài nguyên, Ấn Độ Dương nắm giữ 16,8% trữ lượng. Các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã nhấn mạnh rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực đa cực, chiếm hơn 60% GDP toàn cầu và hơn một nửa dân số thế giới. Nhiều điểm án ngữ quan trọng nhất thế giới của hệ thống thương mại toàn cầu đều nằm trong khu vực này, kể cả Eo biển Malacca, có ảnh hưởng rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ông Baban Ingole, một chuyên gia về đại dương nhận xét: cả hai đại dương đều có “trữ lượng phong phú các khoáng chất quan trọng như coban, niken và đồng”, một “thành phần chính” trong bộ ắc-quy của xe điện. Dự báo vào năm 2030, thế giới sẽ có ít nhất 145 triệu xe điện. Trung Quốc đang xây dựng mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về cả sản xuất lẫn phân phối các loại phương tiện xe điện không gây ô nhiễm môi trường.

Ông Murton, một nhà địa chất đanh tiếng cho biết thêm: hoạt động khai thác dưới đáy biển sâu (DSM) “ít xâm hại đến xã hội con người hơn so với khai thác trên cạn, vì nó không cần xây dựng lắp đặt công trình hạ tầng, như đường sá, nhà máy sản xuất, ao thải…, do đó không có cộng đồng nào bị ảnh hưởng hoặc cần di dời”.

Đương nhiên, việc khai thác đáy biển sâu để lấy kim loại dùng trong ắc-quy có thể ảnh hưởng nặng nề môi trường biển, gây ra những tác động tiêu cực không thể đảo ngược và lâu dài đối với hệ sinh thái biển sâu và đối với tính đa dạng sinh học.

Thế nhưng, với Trung Quốc thì “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Môi trường biển là chuyện dài lâu, là chuyện của thiên hạ. Moi được nhiều tài nguyên, khoáng sản dưới đáy biển thì họ cứ tận dụng. Ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của ASEAN, hàng chục năm qua Trung Quốc đã ngang nhiên bồi lấp các đá chìm thành đảo nổi, phá vỡ hàng trăm nghìn tấn san hô, ảnh hưởng nặng nề môi trường sinh thái biển.

Việc khai thác dưới đáy biển sâu đòi hỏi sự tuân thủ của cộng đồng quốc tế. Theo luật biển của Liên hợp quốc, các khu vực “ngoài quyền tài phán quốc gia” đang “được mở để khai thác bền vững”, để bảo đảm an toàn và công bằng, “yêu cầu tất cả các quốc gia phải tuân thủ hiệp ước”.

Đấy là luật pháp quốc tế. Trung Quốc bất chấp. Họ từ chối tuân thủ các quy tắc trong hiệp ước. Họ rắp tâm bóp méo và vận dụng sai các quy tắc này.

Lúc này đây, không phải như nhận định của một số nhà phân tích cho rằng cả thế giới đang say giấc. Trước những hành động bất minh như những tiếng nổ lớn của Trung Quốc ở hai đại dương, các nước trong khu vực đã tỉnh thức. Không phải chỉ có Mỹ tuyên bố trở lại với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà các đồng minh Mỹ và phương Tây đã can dự vào khu vực đang nóng lên này. Bài học Biển Đông đã quá rõ ràng. Trung Quốc không thể tự tung tự tác, một mình một chợ.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới